Vợ đẹp ai cũng muốn... khoe
Trong một chương trình ca nhạc riêng, người ta phát hiện ra, anh đã "nhờ" vợ làm MC. Đây là lần đầu tiên vợ anh lộ diện trước công chúng. Đó là cách anh khéo léo để khoe cô vợ vừa trẻ vừa xinh của mình phải không?
Vợ đẹp thì ai cũng muốn khoe cả thôi. Cô ấy có xinh, có trẻ thật nhưng nếu có thể, tôi chỉ muốn một mình mình biết điều này (cười). Thực ra, tôi không nổi tiếng là người chiều vợ đâu. Người ta thấy cô ấy trẻ nên suy ra là chắc sẽ được tôi chiều chuộng lắm. Nhưng cái sự chiều vợ của tôi cũng vừa phải thôi mà. Tôi là người thích truyền thống, thích tóc dài, thích phụ nữ ăn mặc kín đáo. Nhưng bây giờ xã hội đã khác rồi, đôi khi những cái truyền thống lại thiếu sự cơ động. Phụ nữ bây giờ vì công việc, họ cần phải hiện đại hơn với juyp ngắn, với những bộ cánh sexy. Người đàn ông cũng phải biết hy sinh những sở thích của mình để chiều theo sự thay đổi chính đáng của vợ.
NSƯT Việt Hoàn
Vợ anh quá trẻ so với anh, vậy anh đã cân bằng và bù đắp cho vợ như thế nào?
Trước khi quyết định đi đến hôn nhân, tôi đã nói chuyện rất thẳng thắn với cô ấy. Tôi nói rằng, em hãy suy nghĩ cho thật kĩ, anh già cả như thế này sẽ khiến em bị thiệt thòi đấy. Khi em còn trẻ thì anh đã trưởng thành, còn khi em trưởng thành thì anh đã già mất rồi. Lúc đó sức khỏe, sinh lý đàn ông nó cũng sụt đi. Tôi nói thật đến mức, mặt cô ấy đỏ ửng lên. Suy nghĩ cũng lâu, cô ấy quyết tâm…
Thực ra sống với nhau rồi mới biết, quan trọng nhất là sự đồng điệu về tâm hồn. Nhiều khi yêu và "làm tình với nhau bằng tâm hồn" cũng hạnh phúc lắm.
Hình như bộ ba Việt Hoàn, Đăng Dương, Trọng Tấn đều có tiêu chí là lấy vợ đẹp?
Không phải thế, vợ của tôi và hai bạn đồng nghiệp đều chỉ dừng lại ở mức độ xinh thôi. Nếu đặt tiêu chí lấy vợ vì ngoại hình thì còn thiếu đẹp và chân dài nữa. Ngày xưa, quan điểm của tôi, vợ phải là người chung thủy với mình, có hiếu với bố mẹ.
Như vậy là sự chênh lệch ấy cũng chẳng là gì phải không?
Với tôi thì là thế, chúng tôi luôn thấy mình "vừa vặn với nhau". Đàn ông già bằng… đàn bà trẻ mà.
Biết đâu, tôi tỉnh táo hơn những người sống thị trường?
Anh đã từng tổ chức một live show hoành tráng kỷ niệm 20 năm nghiệp hát của mình. Ở khía cạnh vật chất, anh lời hay lỗ ?
Làm đĩa hay những dạng show kiểu này thì lỗ tôi vẫn làm. Bởi đó là sự tri ân của mình đối với khán giả. Huống chi, chương trình ấy lại mang đến cho tôi quá nhiều thứ. Nó là sự hiện thực hóa một giấc mơ mình ấp ủ từ lâu, là dịp để mình thỏa sức vẫy vùng trong một không gian âm nhạc do mình tạo dựng nên. Như vậy, tôi trả lời là quá lời mới đúng.
Anh nói làm đĩa nếu lỗ anh vẫn làm, liệu điều này có cảm tính, thiếu tỉnh táo trong khi anh không còn là một ca sĩ trẻ, cần thời gian để thử nghiệm và chấp nhận những thất bại?
Nói tôi cảm tính và thiếu tỉnh táo là không đúng. Biết đâu, tôi tỉnh táo hơn những ca sĩ thị trường khác. Vì cái tôi vươn tới là nghệ thuật chân chính. Dòng nhạc chính thống mà tôi theo đuổi không bao giờ cũ. Có những ca khúc, chúng tôi đã hát nửa thế kỷ nay nhưng chưa bao giờ nhàm chán. Ngược lại, mỗi lần ca từ ấy cất lên là một lần khẳng định thêm sức sống của những giá trị nghệ thuật đích thực.
Gia đình hạnh phúc của Việt Hoàn
Nhưng hát mãi một dòng nhạc, anh có chán, có ý định thay đổi cho hoạt động âm nhạc của mình mới lạ hơn không?
Không có lý do gì để thay đổi cả. Mình đang làm tốt công việc của mình như thế này, sao phải thay đổi. Làm mới thì có. Tôi làm mới mình trong chính dòng nhạc mình đang theo đuổi. Tôi được công chúng yêu mến cũng bởi thể loại âm nhạc mà mình đang hát. Vậy thì, tôi thay đổi để làm gì? Thay đổi là thay đổi ngay trong cái cũ, cái tưởng chừng như không thể thay đổi được nữa. Ví dụ như vẫn bài hát ấy, mình tìm cách nhả chữ sao cho hay hơn. Thực ra, muốn thay đổi thì có nhiều thứ lắm. Nhưng khả năng của con người cũng chỉ là giới hạn. Tôi cũng biết mình là ai nên sẽ mãi trung thành với dòng nhạc và con đường mình đã lựa chọn.
Anh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú trong khi cả Đăng Dương và Trọng Tấn đến bây giờ vẫn chưa, anh được ưu ái hơn à? Anh có suy nghĩ gì khi biết tin Trọng Tấn đã bỏ dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia?
Tôi được phong tặng sớm hơn, vì nếu tính số năm biên chế Nhà nước thì tôi nhiều hơn so với Dương và Tấn, chứ chẳng có sự ưu ái nào cả.
Chuyện Trọng Tấn không đi dạy nữa có gì đâu. Theo cá nhân tôi, cuộc sống hiện tại người nghệ sĩ phải tự lo hết mọi mặt cho công việc chuyên môn của mình thay vì được Nhà nước bảo trợ như thời bao cấp nên không còn nhiều thời gian tham gia công tác giảng dạy.
Gần đây, có rất nhiều các ca sĩ hải ngoại trở về Việt Nam hành nghề. Anh nhận xét gì về xu hướng này? Liệu sự trở về của họ và sự chào đón của khán giả có khiến các ca sĩ nội chạnh lòng?
Các ca sĩ hải ngoại trở về là một lẽ thường tình. Trong số họ, có người vẫn còn nổi tiếng nhưng cũng có những người tiếng tăm không còn được như xưa nữa, công chúng vẫn chào đón họ rất nồng nhiệt. Tôi nghĩ, họ nên biết ơn khán giả vì điều đó. Bất kỳ một dòng nhạc nào cũng có một sự thu hút riêng. Nhạc đỏ có sự hấp dẫn riêng và nhạc sến cũng thế. Bản thân tôi rất ái mộ những giọng hát hải ngoại như Ý Lan, Tuấn Ngọc, Khánh Hà... Tôi cũng chẳng ghen tị hay chạnh lòng làm gì trước sự thành công của họ. Vì nếu không có họ thì mình cũng sẽ trở thành một sự nhàm chán mà thôi. Âm nhạc cần phải đa dạng, phải có những sự so sánh để khán giả có nhiều lựa chọn thì mới tồn tại được.
Anh đánh giá gì về giọng hát của các ca sĩ trẻ hiện nay?
Hiện nay các bạn ca sĩ trẻ có đầy đủ điều kiện hơn chúng tôi ngày xưa. Nhiều em có giọng hát tốt và được đánh giá đúng năng lực. Mong rằng các em sẽ là thế hệ vàng để nối tiếp những thành tựu về nghệ thuật mà lớp cha anh đã dựng xây.
Trong môi trường nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc với nhiều người đẹp, anh có dám chắc là không bao giờ khiến vợ phiền lòng?
Đúng là công việc của tôi thường xuyên tiếp xúc với ca sĩ, diễn viên. Ví dụ như các cô diễn viên múa chẳng hạn. Thấy phụ nữ xinh ai chẳng thích, chẳng mê. Đó là điều bình thường vì con người mà, ai cũng bị rung động trước cái đẹp, nhưng khi đã có gia đình, mình phải biết kìm nén, kiềm chết những ham muốn tham lam ấy; phải có giới hạn và biết đặt ra giới hạn cho chính mình. Tôi nghĩ những người khôn ngoan là những người biết đặt giá trị gia đình lên trên hết. Chênh lệch tuổi tác mà có tình yêu thì không sao cả.
Gần đây, dư luận đồn rằng, cát sê của "sao" nhạc đỏ rất "khủng khiếp", là người trong cuộc, anh xác nhận thông tin này có bao nhiêu phần trăm sự thật?
Thật đúng là tin đồn. Ca sĩ nổi tiếng dòng nhạc đỏ, hát một bài được thù lao mấy chục triệu đồng cơ à? Chúng tôi không được hưởng diễm phúc đó đâu. Bản thân tôi cùng Đăng Dương, Trọng Tấn hay như Anh Thơ, Lan Anh... cũng chỉ được có 4 - 5 triệu đồng/ buổi diễn mà thôi. Thực tế, có những người bạn của tôi khi đi biểu diễn cũng chỉ nhận được 80.000 - 100.000 đồng/ buổi biểu diễn và hưởng lương mỗi tháng hơn 2 triệu đồng.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Lạc Thành