Phát biểu thông qua một video được nối từ tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-10 tới một lớp của các em học sinh trung học tại Bắc Kinh, Wang đã giải thích về tác động của môi trường không trọng lực lên nước và một quả lắc.
Nữ phi hành gia trong trang phục màu xanh cũng cho thấy làm thế nào mà cô có thể đẩy người đồng nghiệp bắn vào tường chỉ với một cái chạm của đầu ngón tay, và cách cô nuốt gọn một giọt nước khi nó đang lơ lửng trong không trung.
Hơn 60 triệu học sinh trên khắp Trung Quốc đã theo dõi bài giảng trên sóng truyền hình quốc gia CCTV khi Wang giải thích về định luật chuyển động thứ hai của Newton (độ lớn của lực bằng khối lượng nhân với gia tốc) và sức căng bề mặt của nước.
Wang đã trả lời những câu hỏi của các em học sinh từ việc liệu đoàn phi hành gia có nhìn thấy rác vũ trụ hoặc thậm chí là UFO hay chưa, cho tới tính hiệu quả của cân trọng lượng ngoài vũ trụ.
Bài thuyết trình đã thu hút sự hưởng ứng mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông xã hội tại Trung Quốc. Trên trang Weibo -- tương tự như Twitter của Mỹ -- đã có rất nhiều các bình luận từ việc thể hiện sự ủng hộ nhiệt tình cho chương trình không gian của đất nước, cho tới đặt ra các câu hỏi về chi phí của chương trình Thần Châu – 10.
“Nước Mỹ từng rất tự hào về lớp học không gian của họ, (nhưng) giờ chúng ta cũng làm được điều đó!”, một người dùng mạng bình luận. “Chúng ta nên tự hào về điều này. Người khác có gì, chúng ta có nấy.”
Trạm không gian thử nghiệm
Tuần trước, Trung Quốc đã phóng tàu Thần Châu-10 đem theo ba phi hành gia vào không gian để xây dựng trạm vũ trụ với tàu Thiên Cung-1. Đây là trạm không gian thử nghiệm được sử dụng để kiểm tra điểm hẹn quỹ đạo và khả năng lắp ghép.
Sự kiện này đánh dấu lần thứ năm Trung Quốc đưa người bay vào không gian trong vòng mười năm qua.
Trạm không gian lần này chỉ có tuổi thọ hoạt động trong hai năm. Việc phát triển một trạm vũ trụ lâu dài trong tương lai đang là một phần trong kế hoạch không gian trị giá nhiều tỷ đô-la đầy tham vọng của Bắc Kinh. Kế hoạch này được Đảng Cộng Sản Trung Quốc ca ngợi như một biểu tượng của chuyên môn kĩ thuật ngày một lớn mạnh tại quốc gia này.
Năm 2003, Trung Quốc mới lần đầu tiên đưa con người bay vào không gian nhưng đã tham vọng xây dựng xong một trạm vũ trụ vào năm 2020, và tiếp sau đó là đưa con người lên mặt trăng. Mặc dù sở hữu chương trình không gian đầy tham vọng, nhưng Trung Quốc hiện thua Nga và Mỹ và vẫn đang phải cố gắng để đạt được những cột mốc mà hai siêu cường đã lập ra cách đây hàng thập kỷ.
Rượt đuổi
Mặc dù có những hạn chế nhưng trạm không gian Thiên Cung-1 của Trung Quốc đã đạt một nửa kích thước của Salyut 1-trạm không gian đầu tiên trong lịch sử được Liên Xô phóng lên vào năm 1971. Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể tận dụng lợi thế của những tiến bộ trong công nghệ vũ trụ.
Phát biểu với tờ New Scientist, ông Dean Cheng đến từ Heritage Foundation – một nhóm nghiên cứu chính sách tại Washington DC cho biết: “Những gì chúng ta đã nhìn thấy (ở Trung Quốc) hơn bất cứ điều gì hết chính là một lời cam kết thực sự lâu dài đối với không gian. Lời cam kết này có từ cách đây ít nhất 25 năm và hiện chúng ta đang nhìn thấy lợi ích bền vững trong suốt 25 năm đó”.
Ông cho biết thêm rằng chương trình đưa con người bay vào vũ trụ của NASA đã phải vật lộn với sự thay đổi trong ngân sách và chính phủ trong khi chương trình không gian của Trung Quốc đã đạt được những bước tiến ổn định và ngày một lớn dần kể từ thập niện 1990.
“Vì vậy, chỉ cần nguồn kinh phí được duy trì và nền chính trị ổn định ngự trị, họ có thể cũng tới được những nơi như Sao Hỏa hay hiện diện trên mặt trăng, bởi vì họ bền bỉ và sẵn lòng chi tiền để nỗ lực đạt được điều đó”, ông nói.
Long Nguyễn (Theo CNN)
Xem bản dịch song ngữ Anh - Việt và nghe audio news tại đây: oes.edu.vn