Chị là nữ chiến sĩ tình báo duy nhất 8 lần vượt biển Đông cùng “đoàn tàu không số”, thoắt ẩn thoắt hiện trong mưa bom bão đạn của kẻ thù để thu thập và chuyển về cho Cách mạng những thông tin tối mật, góp phần vào chiến thắng quyết định của đất nước 4/1975.
Tìm nguyên nhân của thiếu tá tình báo bị mất tích
Đầu năm 1971, một chiến sĩ tình báo Quân đội nhân dân Việt Nam mang quân hàm thiếu tá nhận lệnh từ Cục Tình báo Trung ương ngoài Hà Nội, vượt biển Đông đột nhập vào đặc khu Sài Gòn-Gia Định, nơi sào huyệt của Mỹ-ngụy để hoạt động cách mạng. Chỉ trong thời gian ngắn, người chiến sĩ ấy đã nhanh chóng xây dựng được mạng lưới điệp báo thông suốt, vận chuyển nhiều tài liệu mật về cho Trung tâm nghiên cứu, chỉ đạo.
Tuy nhiên, vào tháng 11/1971, sau chuyến liên lạc với Trung ương tại Nha Trang, trên đường về đến xa lộ Biên Hòa thì người tổ trưởng điệp báo ấy bị địch bắt quả tang dùng căn cước giả mạo mang tên họ Trịnh Hà.
Tên thật của thiếu tá tình báo là Lê Văn Trọng, bí danh lúc bấy giờ là “Hạnh”. Ngay khi thông tin liên lạc từ “Hạnh” bị mất tín hiệu, Thủ trưởng Cục Tình báo Trung ương ngoài Hà Nội quyết định cử nữ điệp viên Sáu Dung (tên thật là Phạm Thị Điểm), đột nhập Sài Gòn bằng đường Hồ Chí Minh trên biển để xác định nguyên nhân “mất liên lạc” của “Hạnh”.
Sáu Dung và 2 trinh sát bảo vệ cho chị trên đường Trường Sơn năm 1972
Nhận nhiệm vụ, Sáu Dung vượt hàng ngàn hải lý trên đoàn tàu “không số” để đổ bộ lên Sài Gòn. Cô len lỏi qua bao phố phường dọc ngang, dò tìm tin tức của thiếu tá tình báo mà mình chưa một lần biết mặt. Giữa sào huyệt, Mỹ-ngụy phòng thủ vô cùng nghiêm ngặt, công việc của Sáu Dung giống như việc “mò kim đáy bể”, thế nhưng với sự nhanh nhẹn, mưu trí của mình, Sáu Dung đã thu thập được một số nguồn tin quan trọng, giúp cho cơ quan phán đoán nguyên nhân đứt liên lạc của người tổ trưởng điệp báo.
Ra đến Hà Nội sau một chuyến vượt bao sóng to gió lớn, Sáu Dung nhanh chóng báo cáo lại toàn bộ thông tin mình đã thu thập được. Khi nắng biển táp còn sạm trên da mặt, chị lại một lần nữa chia tay đứa con nhỏ để đột nhập lần thứ hai vào hang ổ địch làm nhiệm vụ đặc biệt. Chị thận trọng từng bước đi đến “hộp thư chết” đặt ở trung tâm quận 1 Sài Gòn, nhanh chóng bỏ tài liệu vào hộp thư, rồi lập tức rút khỏi địa bàn.
Trên đường quay về Hà Nội, giữa biển cả mênh mông, Sáu Dung mong ước sẽ nhận được hồi âm của “Hạnh” trong chuyến liên lạc tiếp theo. Sáu Dung cũng không biết, chính lúc này, “Hạnh” đang phải chịu những đòn tra tấn hết sức dã man của địch, nhưng trước sau vẫn giữ vững một lời khai: “Mua căn cước giả để trốn quân dịch”.
Anh nhờ một gia đình cơ sở cách mạng thuê 2 luật sư ở Tòa thượng thẩm Sài Gòn bào chữa cho mình. Nhờ lý lẽ sắc sảo của luật sư, địch đành thừa nhận lời khai của anh, chứ chúng không hề tìm ra được chứng cứ nào buộc tội anh là một Việt cộng. Vì thế, “Hạnh” được tại ngoại, đây là dịp may hiếm có để anh tìm cách chắp nối liên lạc với tổ chức ngoài Hà Nội.
Chuyến thứ ba, Sáu Dung mạo hiểm vượt qua Vĩ tuyến 17 dưới sự phong tỏa ngặt nghèo của hải quân Mỹ-ngụy. Con thuyền liên lạc tình báo rẽ sóng chạy băng băng ra khơi, luồn lách qua lực lượng kiểm soát của địch, thẳng tiến về phương Nam. Đến địa điểm liên lạc, Sáu Dung nhận được tín hiệu mất an toàn từ “Hạnh”: “Tôi bị ốm nặng”. Chị hiểu nghĩa câu tiếng lóng ấy là: “Tôi bị địch bắt”.
Bất ngờ, Sáu Dung cảm nhận không khí khu vực liên lạc bỗng trở nên ngột ngạt. Chị thực sự lo lắng, thấy mình như sắp lọt vào ổ phục kích của bọn mật vụ. Chị tự trấn tĩnh lại tinh thần và quan sát mọi động tĩnh xung quanh, rồi quyết tâm bắt liên lạc trực tiếp.
Trên đại lộ Trần Hưng Đạo - địa điểm liên lạc cố định, xe cộ vẫn dập dìu, bộ hành ngược xuôi đông đúc. Sáu Dung hồi hộp chờ người cán bộ xuất hiện với hy vọng mong manh. May quá! Đúng ám hiệu! Sắc mặt chị rạng rỡ hẳn lên khi “Hạnh” xuất hiện. Sau khi nhỏ nhẹ trao đổi mật khẩu, hai chiến sĩ trên mặt trận thầm lặng khôn khéo chuyển giao tài liệu cho nhau và ung dung rảo bước ra về, kẻ Nam, người Bắc.
Bước chân xuống thuyền máy, Sáu Dung thấy mình nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng trên vai. Nằm lắc lư trên con thuyền nhỏ giữa biển khơi mù mịt, chị hình dung lại lúc chị bị địch bắt giam, cách đó không lâu ở nhà giam Biên Hòa. Người chồng thân yêu của chị cũng bị tù đày và bị kẻ thù bí mật thủ tiêu ở nhà lao Quảng Ngãi.
Giờ đây, chứng kiến cảnh người đồng đội lâm nạn, Sáu Dung rất thông cảm với tình cảnh của anh. Tinh thần chị rất căng thẳng, mong đợi cấp trên sẽ nhanh chóng cấp cho anh một bộ căn cước giả khác để giải cứu anh, vì bộ căn cước giả trước đây đã bị địch thu giữ hết.
Sau một thời gian trở về Hà Nội, Sáu Dung lại như con thoi trên biển, xuất hiện giữa đô thành Sài Gòn trong tình trạng địch ban bố lệnh giới nghiêm ngặt nghèo. Với nhiệt tình cứu đồng đội, dù khó khăn hiểm trở, chị vẫn quyết mang “món quà quý” của Trung ương đến cho anh kịp thời. Dưới sự trợ sức của Sáu Dung và tổ chức, “Hạnh” thoát án tù chính trị, chỉ bị kết án về tội giả mạo giấy tờ và lại có thêm tư thế hợp pháp để tiếp tục hoạt động ngay trong lòng địch.
Hết một thời gian làm giao thông tình báo Bắc – Nam, vào sinh ra tử, đến tháng 4/1975, Sáu Dung lại có cuộc hành quân hàng nghìn cây số bằng cơ giới trên quốc lộ 1A, gấp rút tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh với vai trò điệp báo. Chị làm tiếp nhiệm vụ liên lạc với các cơ sở “ngầm” của “Hạnh”, sau khi “Hạnh” bị lộ, để nắm địch tình chuyển ra cho bộ phận tình báo tiền phương của Cục Tình báo, phục vụ chiến đấu cho đến ngày toàn thắng.
Duyên kỳ ngộ
Hòa bình lặp lại, “Hạnh” và Sáu Dung gặp nhau trong niềm vui của non sông, của dân tộc. Cảnh ngộ tương đồng khiến họ xích lại gần nhau hơn: Vợ “Hạnh” bị bọn an ninh quân đội Sài Gòn giết hại, bỏ lại trong tù đứa con thơ 5 tuổi. Chồng Sáu Dung bị địch thủ tiêu, một mình chị nuôi 3 con nhỏ. Xót xa hơn, đứa con trai út chưa một lần được biết mặt cha, vì lúc anh ra đi nhận nhiệm vụ thì chị mới mang thai được mấy tháng. Rồi, vì tham gia cách mạng, chị đã nén đau thương, gửi lại các con thơ nhờ bà con nuôi dùm.
Sau cuộc chiến, ngoài thương tích trên mình, Sáu Dung và “Hạnh” còn mang nhiều vết thương lòng do chiến tranh để lại. Anh chị đã đồng cảm hoàn cảnh của nhau, đã cùng nhau xây đắp hạnh phúc gia đình để xoa dịu phần nào những vết thương. Cả gia đình quây quần trong một căn phòng nhỏ ở phường Trung Tự, thành phố Hà Nội.
Sau khi nghỉ hưu, mặc dù là một thương binh hạng 2/4, nhưng bà Phạm Thị Điểm (tên thật của Sáu Dung) vẫn lăn xả vào công việc của địa phương, cùng 1 lúc đảm nhiệm 7 chức danh: 18 năm liền làm Hội thẩm nhân dân quận Đống Đa, nhiều năm làm chi ủy viên, tổ trưởng dân phố, tổ trưởng phụ nữ, tổ trưởng hòa giải, tổ trưởng tổ thương binh - liệt sĩ, tổ trưởng lương hưu. Với những thành tích xuất sắc của mình, bà đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng rất nhiều huân chương, huy chương và huy hiệu cao quý…
Mai Hương