Nực cười ống dẫn nước “ăn theo” trụ điện chiếu sáng

Nực cười ống dẫn nước “ăn theo” trụ điện chiếu sáng

Thứ 5, 27/12/2012 23:58

Một thực tế nực cười hiện nay ở ngành điện lực Quảng Nam là một trụ cột điện không chỉ “cõng” nhiều búi dây mà còn “cõng” thêm nhiều ống dẫn nước xung quanh.

Ống nước “ăn theo” trụ điện

Ông Trương Văn An, tổ trưởng quản lý đường dây và trạm biến áp Điện lực Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết: Về nguyên tắc, các công trình điện, hệ thống trụ điện, cột đèn chiếu sáng, khi xây dựng đều phải được các cơ quan chức năng phê duyệt, cấp phép, nhất là phương án thi công phải được lãnh đạo địa phương nơi thi công chấp thuận. Việc dựng trụ/cột của các doanh nghiệp ngay phía bên dưới đường dây điện, thể hiện việc chấp hành chưa nghiêm túc, chưa kể việc thi công ngay dưới đường dây mang điện mà không thông qua ngành điện thì thật là nguy hiểm!

Đi trên các tuyến đường của huyện Đại Lộc, ai cũng dễ dàng thấy song song với hệ thống điện là những hàng trụ cột thông tin - viễn thông thẳng tắp mới được dựng lên. Có nơi chỉ mới đào hố móng dựng trụ nghiêng ngả, chưa gia cố, lấp đất.

Bất động sản - Nực cười ống dẫn nước “ăn theo” trụ điện chiếu sáng

Ống nước bám quanh trụ đèn chiếu sáng

Lâu nay người ta phàn nàn chuyện các loại “dây dợ”; trong đó có cáp thông tin - viễn thông, bưu điện, cáp quang “bu bám” trên trụ điện. Chuyện này đã và đang được ngành điện tỉnh xử lý một cách căn bản thì trên địa bàn huyện Đại Lộc còn có thêm một “đối tượng” ăn theo lạ lùng nữa; đó là hệ thống nước sinh hoạt.

Cụ thể, hàng trăm hộ dân khối 5 (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) lắp đặt đường ống dẫn nước sinh hoạt về nhà bằng cách bám theo trụ điện leo lên cao, men theo đường dây điện hạ thế và các loại cáp viễn thông, bám vào dây chịu lực căng giữa hai khoảng trụ để băng qua đường, treo lơ lửng trên đầu trông rất ngoạn mục và thật lạ - kỳ - cục, tiềm ẩn sự nguy hiểm!

Hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt ở đây có từ năm 2009. Thế nhưng chỉ mới có một bên phía tây đường qua khối 5 là có đường ống ngầm nên người dân dễ dàng lắp đặt ống dẫn nước vào nhà. Còn bên đối diện, do không có đường ống nước ngầm của nhà máy nên bà con không thể tự đào đường để dẫn nước vào nhà. Do nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, các hộ dân đành phải mua ống nhựa, thuê người lắp đặt hệ thống ống dẫn, bắc mỗi trụ điện phải “cõng” hàng chục ống nước, đến mức một số cột cong oằn, phải dùng dây néo để giữ lại.

Ông Trần Thiên (khối 5, thị trấn Ái Nghĩa) cho biết: “Khoảng trụ trước nhà tôi là một điển hình khi phải gánh không biết bao nhiêu lượng nước trong 14 ống nhựa, loại Ф ¾ băng qua đường để cung cấp nước sạch cho hàng chục hộ dân phía bên kia đường. Dẫu biết lắp đặt hệ thống dẫn nước như vậy làm mất vẻ mỹ quan khu dân cư, thậm chí nguy hiểm do chập điện và mất an toàn giao thông, nhưng vì nhu cầu bức bách về nước sinh hoạt nên nhiều hộ dân đành chấp nhận phương án đưa nước về nhà bằng cách dựa vào trụ đèn đường và một số trụ điện hạ thế”.

Cụ Nguyễn Thị Dũng, 80 tuổi (cũng ở khối 5) than phiền: “Việc lắp đặt ống dẫn nước lạ lùng chưa từng có đã diễn ra hơn 2 năm nay, gây nhiều phiền toái cho người dân trong khối và cả những phương tiện giao thông qua lại phía bên dưới ống dẫn nước này. Tôi ngần này tuổi rồi mới thấy hiện tượng lạ lẫm này”.

Trên thực tế, ống nhựa phơi giữa trời mưa, nắng lâu ngày chuyển màu bạc thếch, trở nên mục nát và sự gãy vỡ đã từng xảy ra nơi đây gây thất thoát nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt của dân và khách đi đường. Lẽ nào “chuyện lạ có thật” này cứ “đeo bám trụ mãi”, trông thật chướng tai, gai mắt!

Bất động sản - Nực cười ống dẫn nước “ăn theo” trụ điện chiếu sáng (Hình 2).

Nước băng qua đường, chằng chịt trên đầu giữa hai trụ điện

Cần xử lý đồng bộ

Hỏi một cán bộ ở Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Quảng Nam - chi nhánh Đại Lộc, là đơn vị có trách nhiệm khai thác, xử lý và cung cấp nước cho thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) thì nhận được câu trả lời: “Do người dân tự làm, chúng tôi không biết!”.

Còn ông Trương Văn An thì khẳng định: “Người dân bắc ống nước trên trụ điện chiếu sáng không thuộc phạm vi quản lý của tổ quản lý đường dây và trạm biến áp điện lực Đại Lộc. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã cảnh báo mức độ nguy hiểm của hành vi này, song do nhu cầu bức xúc nên người dân cứ làm”.

Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2012 sẽ hoàn thiện việc chỉnh trang cáp thông tin - viễn thông trên trụ điện. Vậy nên thực trạng mắc ống nước trên trụ điện, dù là trụ điện chiếu sáng, cũng phải kiên quyết “chỉnh trang” vừa bảo đảm vẻ mỹ quan vừa an toàn cho cư dân địa phương này. Giải quyết rốt ráo, cần có sự góp sức của các ngành, chủ sở hữu có tài sản là công trình cơ sở hạ tầng “đi chung” trên trụ điện, nhất là đơn vị cung cấp nước cùng phối hợp với đơn vị quản lý vận hành lưới điện, có biện pháp khắc phục.

Đức Dũng - Bùi Minh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.