Tin sét đánh ngang tai
Tiếp xúc với những người thân đến chăm sóc cho bệnh nhân ở Viện huyết học truyền máu Trung ương tôi mới biết, nếu gia đình nào có người bị mắc căn bệnh này thì cả gia đình lâm vào cảnh khốn đốn, khánh kiệt và khi người mất thì tài sản trong gia đình cũng chẳng còn gì.
Trong số những người đến chăm sóc bệnh nhân tại đây, tôi không khó nhận ra người phụ nữ luống tuổi, nước da đen sạm và đôi mắt thâm quầng, đỏ hoe.
Hỏi ra mới biết cô là Lê Thị Dung xã Bình Định, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, có cậu con trai duy nhất và là con một đang học năm cuối đại học Hàng hải.
Nhưng bất ngờ nỗi đau ập đến gia đình hai vợ chồng quê lúa này khi các bác sĩ chẩn đoán cậu con trai gần hai tháng nữa là ra trường bị ung thư máu. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, một mình cô Dung đảm đương hơn một mẫu ruộng, chăn lợn chăn gà, còn chồng đi xây ngoài Hà Nội, hàng tháng mới về nhà một lần.
Cô Dung vừa nói vừa khóc làm tôi cũng thấy ái ngại: "Bình thường, cô chỉ nói chuyện qua loa với người nhà các bệnh nhân khác để chia sẻ nỗi buồn. Nhưng nay gặp cháu, cô xin kể thật một phần để vơi đi nỗi buồn, một phần để chia sẻ lòng mình cho nhẹ"
“Cô và chú cùng thôn yêu và kết hôn với nhau, năm 1989 cô sinh được một bé trai kháu khỉnh và bụ bẫm. Lúc đó hoàn cảnh kinh tế gia đình ở mức trung bình, hơn nữa hai vợ chồng muốn tập trung chăm sóc và nuôi dạy cháu nên người.
Năm em được 15 tuổi, hai vợ chồng cô cùng bàn bạc hay sinh thêm một đứa nữa cho có anh có em. Nhưng cô bảo với chồng, mình ăn ở có phúc có phần, con chăm ngoan học giỏi sẽ được ông trời phù hộ.
Hai vợ chồng cô cũng biết một gia đình khác có mỗi đứa cô con gái duy nhất vẫn lo đủ cho bố mẹ lúc tuổi già. Trong khi đó, nhà mình có con trai, lo cho cháu ăn học thật tốt để ngày sau trông vào con lúc tuổi già. Nào ngờ bây giờ ra nông nỗi này", cô Dung cho biết.
Người mẹ bất hạnh đã kiệt sức vì căn bệnh quái ác của con trai.
"Từ nhỏ, em rất chăm ngoan, học giỏi và khỏe mạnh không có bệnh tật gì. Trước lúc bị bệnh, em có về nhà chơi, tôi thấy nước da con xanh xám, nhợt nhạt trông yếu lắm. Tôi có hỏi nhưng cháu bảo con vẫn bình thường, không đau ốm gì thậm chí còn tăng cân.
Tưởng con học nhiều chuẩn bị lo tốt nghiệp nên không bắt con đi khám. Một ngày con gọi điện về bảo con đi bộ lên cầu thang tầng 3 mà choáng váng và không bước được nữa. Tôi bảo con phải đi khám ngay trong ngày mai. Em vay mượn bạn bè được mấy triệu đồng vào bệnh viện đại học Y Hải Phòng khám. Tôi cũng tức tốc bắt xe xuống Hải Phòng thăm con xem cụ thể thế nào", cô Dung chia sẻ.
Cô Dung cho biết thêm: “Đầu tháng 7 âm lịch năm nay, hôm nhận được kết quả bệnh tình của con, tôi không tin vào tai mình nữa. Tôi suy sụp và nghĩ cuộc sống của mình coi như chấm dứt, bao nhiều hi vọng trông cậy cả vào con.
Tôi không thiết ăn uống gì cả, nhiều đêm nằm không thể nào mà ngủ được, nghĩ thương cho con, thương cho thân phận mình. Khi lên viện huyết học điều trị, bác sĩ chẩn đoán mà ruột gan tôi thắt lại, không thể đứng được, bác sĩ phải đỡ.
Biết căn bệnh khó chữa, nhưng còn nước còn tát, trước mặt con tôi không dám khóc vì sợ con sẽ buồn và không yên tâm điều trị. Mới đầu, tôi còn giấu chồng và gia đình hai bên. Tôi bảo với gia đình rằng, cho cháu lên Hà Nội điều trị thiếu máu một thời gian.
Mãi sau này, tôi mới nói cho bố cháu biết. Ông ấy bị sốc và buồn chán không muốn làm ăn gì nữa, mới đầu còn uống rượu và say khướt suốt ngày. Tôi phải khuyên ông ấy cứng rắn lên để con yên tâm điều trị và đi làm để không phải nghĩ ngợi nhiều".
Dự định tương lai sụp đổ
Hơn hai mươi năm, hai vợ chồng cô Dung làm lụng vất, quyết chỉ sinh một đứa để toàn tâm toàn ý lo cho em đầy đủ cả vật chất lẫn tinh thần. Còn hai tháng nữa ra trường, nhưng gia đình đã ướm trước một vài chỗ để em ra trường có thể đi làm ngay.
Nói đến đây, đôi mắt cô ngấn nước, giọng cô run run nghẹn lại xen lẫn từng tiếng nấc thỉnh thoảng lại bật lên thành tiếng: "Tôi khổ quá chú ơi! Bao hy vọng và tự hào về đứa con trai duy nhất, ngoan ngoãn học giỏi bỗng nhiên tan tành.
Lúc cháu chuẩn bị ra trường, vợ chồng tôi cũng bàn bạc, định hướng công việc và nhờ một số bà con họ hàng lo xin việc cho cháu. Tôi định xin cho cháu đi tàu viễn dương như đứa cháu con nhà dì thì bố cháu bảo, đi tàu viễn dương lương cao, nhưng mỗi năm mới được về nhà một lần, lại nguy hiểm nữa.
Nhà tôi có ông chú làm ở Vũng Tàu nên sẽ xin cho cháu làm khai thác dầu khí trong đó lương 20 triệu đồng/tháng. Nhà có mình cháu, bố cháu thì đi làm xa, nên tôi cũng không muốn cho con vào tận trong đó làm xa xôi lắm. Nhưng cháu bảo mẹ yên tâm ở nhà, con vào trong đó làm có tiền, mẹ ốm đau con sẽ đi máy bay về thăm mẹ chỉ mất có hơn một tiếng đồng hồ".
Tiếp xúc với nhiều người thân của các bệnh nhân ung thu máu tại đây, tôi mới ngã ngửa bởi hóa đơn tiền thuốc một ngày bình thường cũng đến tiền triệu, có ngày đến cả chục triệu đồng.
Trong khi đó, hầu hết người bệnh đến đây điều trị đều được miễn giảm 80% viện phí và tiền thuốc do có bảo hiểm y tế. Đối với những người thuộc hộ nghèo được giảm thêm 15% nữa, tổng cộng là 95%. Nhiều người bảo theo đuổi chữa trị bệnh này đến khi người bệnh mất thì tài sản cũng chẳng còn gì, dù giàu có cũng trở nên trắng tay.
Cô Dung than thở: "Cô cũng chỉ biết cố gắng lo chạy chữa cho con kéo dài được ngày nào hay ngày đó, nếu phải bán tất cả đi cũng phải bán. Hàng ngày để có tiền lo cho con sau này cô phải tiết kiệm từng đồng.
Đến bữa ăn, nhiều người bảo sao hai mẹ con không ăn cùng nhau cho vui. Cô không ăn cùng bởi mua cơm cho con suất 25-30 nghìn đồng, còn suất ăn của cô chỉ mua 15 nghìn đồng. Hôm nào con điều trị, cô lại san thịt sang suất của con, cô cũng chỉ mong con ăn uống đủ chất để có sức điều trị".
Thương con nuốt nước mắt vào trong Nhìn những bệnh nhân đầu trọc lóc, vẻ mặt đau buồn, mệt mỏi và dường như nước mắt của họ đã cạn đi vì khóc thương cho số phận hẩm hiu về "cái án tử" treo lơ lửng trên đầu. Đau buồn không kém là những người thân đi cùng, người chăm vợ, mẹ chăm con, vợ chăm chồng,… Họ phải nuốt nước mắt vào trong, phải động viên để người thân mình vượt qua, dù vẫn biết cái ngày "thần chết gõ cửa" chẳng còn bao lâu. Người mẹ quê lúa trải lòng: "Cô chưa bao giờ khóc trước mặt con, nếu có khóc ở ngoài cũng phải lau khô rồi mới vào. Mỗi lúc con điều trị xong, mệt mỏi nằm ngủ mà tôi không kìm được nước mắt, phải chạy ra ngoài hay vào nhà vệ sinh khóc một mình. Mình phải vững lòng để con có thêm sức mạnh, động lực vượt qua và hy vọng". Căn nhà ở quê khóa trái cửa, nhà có con lợn nái chuẩn bị đẻ cũng bán lại cho cậu em trai. Hơn mẫu ruộng, cô phải nhờ chú và anh chị em thu hoạch giúp. Hiện tại bà mẹ quê lúa chỉ dám nói bệnh tình của con cho những người ruột thịt, mà không dám nói với người ngoài. "Từ ngày con bị bệnh đến nay, tôi không thể nói thật với mọi người mà chỉ bảo lên Hà Nội làm cùng chồng. Tôi sợ mọi người nói kiếp trước vợ chồng tôi ăn ở thế nào mà kiếp này phải gánh nợ", cô Dung ngậm ngùi cho biết. |
Thiên Vũ