Trung tâm Địa chính trị - ĐHQG TP.HCM từng phát hiện mối liên hệ giữa tình trạng khai thác nước ngầm với biến dạng mặt đất tại TP.HCM. Đây là một trong những nguyên nhân gây lún mặt đất trong thời gian qua. Theo kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam, đến năm 2100, mực nước biển dâng lên 1 m thì 20% diện tích TP.HCM sẽ bị ngập.
Chỉ 3% mẫu nước ngầm đạt vệ sinh
HĐND TP.HCM vừa có chuyến khảo sát về vấn đề sử dụng nước tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Tại đây, hơn 1.200 hộ dân chưa có nước sạch. Đáng lo là hàng trăm hộ dân trên đường Ngô Chí Quốc (phường Bình Chiểu) sống dọc kênh Ba Bò phải dùng nước giếng khoan có dấu hiệu bị nhiễm phèn, bốc mùi hôi tanh để ăn uống, sinh hoạt mỗi ngày.
Theo báo cáo của UBND quận Thủ Đức, cả quận còn hơn 4.200 hộ dân chưa có nước sạch. Họ chủ yếu sử dụng nước giếng khoan với độ sâu 50-70 m. Chỉ có 2/104 mẫu nước mang đi xét nghiệm đạt chuẩn vệ sinh. Tương tự, tại quận Bình Tân, trong 224 mẫu nước lấy từ các giếng khoan được cơ quan chức năng đưa đi xét nghiệm, chỉ 13 mẫu đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm trực tiếp uống nước từ giếng khoan trong buổi giám sát nước sạch tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. (Ảnh: GIA MINH)
Cuối năm 2014, Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra, lấy 1.400 mẫu nước tại 7 quận, huyện, khu vực chưa có mạng lưới nước sạch để xét nghiệm. Kết quả, chỉ có 45 mẫu (chiếm 3%) đạt tiêu chuẩn vệ sinh (xét về yếu tố hóa lý và vi sinh). Phần lớn các mẫu nước mà kết quả xét nghiệm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh đều có độ pH thấp, hàm lượng sắt cao.
Vì thế, nhiều địa phương kiến nghị UBND TP.HCM sớm ban hành quy định khoanh vùng khu vực hạn chế - cấm khai thác nước ngầm; chỉ đạo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn sớm phủ kín mạng lưới cấp nước sạch trên toàn địa bàn.
C