Manh nha thành lập pháp nhân mới
Theo đó, thỏa thuận nguyên tắc có nội dung “hợp tác xin tiếp tục đầu tư xây dựng” dự án Rusalka được tổng giám đốc BMC Nguyễn Văn Ngọc ký với một lãnh đạo doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội (tạm gọi là công ty C) vào ngày 15/9/2008.
Rusalka, "nàng tiên cá" lận đận
Lý do để thỏa thuận nguyên tắc nói trên được ký kết, bởi cả hai bên cho rằng, từ năm 2003, BMC là nhà thầu xây dựng dự án khu du lịch Rusalka do Công ty Đầu tư & Phát triển du lịch Rus – Invest – Tur (RIT) làm chủ đầu tư. Đến năm 2005, khi ông Nguyễn Đức Chi, chủ tịch HĐQT RIT bị các cơ quan pháp luật khởi tố và bắt tạm giam thì dự án bị ngưng thi công, chờ ý kiến xử lý của cơ quan chức năng, sau đó dự án bị thu hồi giấy phép đầu tư, chấm dứt hoạt động và tài sản đã đầu tư vào dự án bị kê biên.
Tại thỏa thuận này cũng nói rằng, BMC là một trong những chủ nợ lớn của RIT. Một trong các lý do để thỏa thuận nguyên tắc này ra đời, bởi cả hai cho rằng “do thời gian chờ xử lý vụ việc ông Chi có thể kéo dài, dự án đã bị thu hồi giấy phép, dự án bị tạm ngưng, tài sản xây dựng trên dự án để lâu ngày càng xuống cấp trầm trọng, các vấn đề của dự án không thể giải quyết, nhất là các khoản công nợ phải trả của dự án…”
Thỏa thuận nguyên tắc được hai bên ký, khẳng định rằng, “sau khi bàn bạc, thảo luận, cả hai bên thống nhất cùng nhau hợp tác xin tiếp tục đầu tư xây dựng dự án Rusalka”. Theo đó, cả BMC và doanh nghiệp C “sẽ cùng đứng ra xin phép tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng Rusalka theo quy định”. “Nếu dự án được chấp thuận, hai bên sẽ thành lập một pháp nhân mới để triển khai tiếp tục thực hiện dự án theo phương thức cùng góp vốn, với tỷ lệ doanh nghiệp C nắm 70% vốn, BMC nắm 30% vốn”, nội dung thỏa thuận nguyên tắc ngày 15/9/2008, khẳng định.
Và “hào phóng” hơn, trong thỏa thuận nguyên tắc này, BMC cam kết “khi công ty C thu xếp được tài chính để mua, BMC sẽ chuyển nhượng lại ngay cho công ty C toàn bộ số của phần của mình trong pháp nhân mới…”. Đổi lại, BMC đặt ra điều kiện “công ty C phải ứng trước cho BMC 15 tỷ đồng!”. Với thỏa thuận nói trên, cả BMC và doanh nghiệp C đã có sự phân vai trong từng công đoạn cụ thể. Theo đó, công ty C sẽ chịu “mọi thủ tục và chi phí cho dự án”.
Cũng trong ngày ký thỏa thuận nguyên tắc (15/9/2009), BMC đã thống nhất với công ty C chính thức có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị “tiếp tục đầu tư xây dựng dự án khu du lịch Rusalka”. Một trong những lý do “xin tiếp tục đầu tư” dự án gửi tỉnh Khánh Hòa, vì BMC cho rằng năm 2003, BMC đã ký hợp đồng với RIT với tư cách là nhà thầu chính. Theo đó, BMC “tố” RIT không thực hiện đúng cam kết trong việc thanh toán tiền thi công công trình nhưng với “quyết tâm và uy tín của nhà thầu lớn”, BMC đã ứng trước tiền vốn. Lý do BMC “ứng” tiền, bởi “RIT có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng”!.
Bổn cũ soạn lại
Để có cơ hội trở thành chủ đầu tư dự án Rusalka, trong văn bản đề xuất gửi tỉnh Khánh Hòa ngày 15/9/2008, “liên doanh” BMC và công ty C chỉ đề cập phần nhiều đến các “lợi thế” của mình, như “thế mạnh” của BMC là “có truyền thống và bề dày kinh nghiệm”, còn thế mạnh của công ty C là “doanh nghiệp hoạt động đa ngành, trong đó có lĩnh vực kinh doanh bất động sản”…
Dĩ nhiên, văn bản đề xuất với UBND tỉnh Khánh Hòa, hoàn toàn không có chi tiết nào “hé lộ” thỏa thuận nguyên tắc do hai bên đặt bút ký, ví như “BMC cam kết sẽ chuyển nhượng lại ngay toàn bộ số cổ phần” của mình… Khác với năm 2008 khi có đối tác cùng “chí hướng” tính chuyện “lập pháp nhân mới” để thâu tóm dự án Rusalka, thì vào ngày 20/8/2011, chỉ có BMC “độc hành” với mục đích biến mình từ vai trò nhà thầu trở thành chủ đầu tư dự án Rusalka.
Theo đó, trong “bản kiến nghị giải quyết tài sản nhà nước – BMC trong dự án Rusalka” gửi Chính phủ, Bộ KH&ĐT, UBND tỉnh Khánh Hòa do chính tổng giám đốc Nguyễn Văn Ngọc, ký ngày 20/8/2011, BMC đã không ngần ngại đề xuất “cần sớm được giao cho một chủ thể có năng lực để tiếp tục triển khai dự án” Rusalka.
Với kiến nghị này, ông Ngọc đưa ra ba phương án để lựa chọn “chủ thể có năng lực”. Với phương án đầu tiên, nếu giao dự án cho Công ty Cổ phần Du lịch trọng điểm Nha Trang (gọi tắt là Cty CP du lịch Trọng điểm Nha Trang - pháp nhân mới được thành lập để “tiếp quản” dự án Rusalka) thì sẽ “không có thuận lợi nào cho Nhà nước”, là doanh nghiệp mới ra đời nên không có kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án bất động sản lớn. Và, nếu dự án giao cho pháp nhân trên thì sẽ “không có nguồn vốn”, đồng thời khẳng định pháp nhân này “là một doanh nghiệp” có “khả năng về tài chính “tù mù”…
Cũng theo “nhận định” của BMC, nếu Rusalka được triển khai bởi Cty CPdu lịch Trọng điểm Nha Trang thì sẽ đối mặt với một vấn đề rất lớn và phức tạp là giải quyết thế nào đối với khối tài sản thuộc quyền sở hữu của BMC…? Theo BMC, nếu dự án được thực hiện bởi CP du lịch Trọng điểm Nha Trang thì có thể dẫn đến “một lần nữa đưa dự án vào chỗ bế tắc?”, bởi đây là doanh nghiệp “có bề dày kinh nghiệm “bằng không”, tài chính “tù mù”, mọi năng lực khác “chưa kiểm chứng được”.
Khi nói về BMC, tổng giám đốc Nguyễn Văn Ngọc đã “bốc thơm” thương hiệu doanh nghiệp mà ông đang quản lý. Và, nếu chú ý hơn, sẽ thấy nhiều thông tin tại văn bản này được “cắt” ra từ chính công văn do BMC và Công ty C gửi UBND tỉnh Khánh Hòa vào năm 2008. “BMC là doanh nghiệp có truyền thống và bề dày kinh nghiệm hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng – thương mại – đầu tư. BMC đã và đang nhận thầu, đầu tư xây dựng nhiều dự án công trình lớn khắp nơi trên cả nước, đảm bảo uy tín về mọi mặt.
Ngoài ra, BMC cũng trực tiếp là nhà đầu tư và liên doanh liên kết với một số doanh nghiệp đầu tư những dự án lớn có hiệu quả” (trích công văn năm 2008). Ba năm sau đó, ngày 20/8/2011, ông Ngọc vẫn tự hào “BMC là doanh nghiệp có truyền thống và bề dày kinh nghiệm, đang là tổng thầu và đầu tư xây dựng, thi công rất nhiều công trình quy mô lớn trên khắp cả nước…” khi gửi công văn xin làm chủ đầu tư dự án Rusalka. (Còn nữa).
Nhóm phóng viên