Chạm ngõ cuộc tình thư pháp
Nguyễn Hiếu Tín sinh năm 1980, tại tỉnh An Giang, trong gia đình có ba là họa sĩ. Hồi nhỏ, Tín vẫn được ba nhắc nhớ đến lĩnh vực thư pháp qua mấy bức họa mà ông sáng tác. Song, Tín thấy mông lung và khó hiểu về ý nghĩa các con chữ nguệch ngoạc kia nói nên điều gì mà sao ba mình cứ say nó như vậy. Lớn hơn một chút, Tín cũng chỉ biết những chữ đó người ta gọi là Thư pháp như cha mình thường gọi.
Đến năm thứ III đại học (khoa Đông Phương Học, trường ĐH KHXH & NV TP.HCM), Tín mới có cơ hội được tiếp xúc thực sự với thư pháp qua cuộc triển lãm của nghệ sĩ Bùi Hiến tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP. HCM năm 2000.
Ngay cái nhìn đầu tiên, những nét chấm phá điêu luyện của nghệ sĩ Bùi Hiến được thể hiện qua thơ của Bùi Giáng đã hớp hồn chàng trai trẻ - Nguyễn Hiếu Tín. Anh cho biết: “Lúc đó, tôi tới xem triển lãm chỉ là sự tò mò, nhưng khi được thầy Bùi Hiến nói tường tận về cách chơi thư pháp rồi thì mình mê đắm nó luôn.
Các con chữ như có ma lực, nó không còn đơn thuần là chữ viết nữa mà đã mang cả hồn của dân tộc - một nét độc đáo của nền văn hóa Việt lâu đời. Từ đó Tín bắt đầu yêu và quyết định thử sức với những nét vẽ...
Những ngày đầu bước vào cuộc tình thư pháp, Tín gặp khá nhiều bỡ ngỡ vì không được ai hướng dẫn, tất cả đều phải tự mày mò. Bao nhiêu tiền làm thêm thời sinh viên, Tín dành toàn trọn vào mua bút, mực, giấy và các loại sách về thư pháp để tự nghiên cứu, mày mò cách viết. Đến khi thấy mình viết đã ổn rồi, Tín mới tung những tác phẩm đầu tiên của mình cho người thân và bạn bè bình phẩm.
Mọi người ai cũng ngỡ ngàng khi thấy những con chữ Việt nguệch ngoạc, nét cong, nét đậm mà lại hài hòa đến lạ ngự trị trên một khổ giấy trắng tinh khôi. Niềm vui đến từ những lời khen của người thân, cộng với nhiệt huyết của tuổi trẻ khiến Tín càng hăng say sáng tạo chữ.
Tín như ăn cùng thư pháp, ngủ cùng thư pháp. Nhiều đêm đang mơ màng, bỗng nảy ra một ý tưởng hay, anh lại ngồi dậy cặm cụi viết.
Anh quan niệm: “Thật ra viết thư pháp cũng không hề khó, thời gian ban đầu đòi hỏi người học phải tự mài rũa tính kiên nhẫn và luyện viết thật nhiều".
Tín nhớ nhất kỷ niệm khi viết ở trong trường. Hôm đó là một ngày giáp Tết, trong trường có mấy ông sư thầy ngồi viết thư pháp chữ Hán. Tín thấy vậy ngỏ ý muốn cống hiến cho mọi người và được các sư thầy cho ngồi viết. Sau đó, hết thảy mọi người trong trường đổ xô sang chỗ Tín và xin chữ của anh. Do Tín viết thư pháp chữ Việt nên mọi người có thể nhận biết dễ dàng, còn chữ Hán thì ít người biết hơn.
Lĩnh ấn người tiên phong nghiên cứu thư pháp Việt
Trong giới thư pháp so với giới trẻ, Tín là lứa đầu tiên. Được mọi người yêu quý và tin tưởng giao cho trọng trách làm chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp Việt thuộc Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM. Tín đã trở thành gương mặt rất đỗi quen thuộc trong làng thư pháp chữ Việt. Cuối năm 2001, Tín đã có cuộc triển lãm đầu tay cho riêng mình để chào mừng năm Ngọ (năm con ngựa - PV).
Những bức thư pháp của Tín đã vượt ra khỏi khuôn khổ gia đình, bạn bè, được nhiều nơi mời triển lãm, mời viết thư pháp trên lịch, trên thiệp (Tham gia lễ hội Sansiul, viết tặng khách tại Hội nghị Aig Asia Allsta, viết lịch độc quyền cho công ty Ngôi Sao Nhỏ, nhà sách Thanh Thúy).
Không chỉ viết thư pháp bằng tất cả sự say mê, anh còn tham gia viết các bài nghiên cứu về thư pháp, sưu tập hàng trăm bài báo, tạp chí, hình ảnh và ngay cả con tem có liên quan tới thư pháp anh cũng bỏ thời gian và tiền bạc sưu tầm luôn.
Độc tôn “thư pháp họa tự”
Lối viết thư pháp Việt độc tôn của Nguyễn Hiếu Tín là thư pháp họa tự. Nhà thư pháp Viên Ngộ nhận định: “Lối viết thư pháp họa tự của Tín có một không hai ở Việt Nam, đó là khả năng sáng tạo tuyệt vời và độc đáo”.
Nếu thư pháp là nghệ thuật viết chữ đẹp, thư họa là sự kết hợp giữa vẽ tranh và viết chữ thì họa tự được hiểu là thuật vẽ chữ, đây là cách thể hiện chữ viết bằng một phong cách đặc biệt.
Đối với chữ Hán, vốn là chữ tượng hình nên bản thân mỗi văn tự với những chấm, phẩy, sổ, ngang, khung, mác...hợp thành đã trở thành bức tranh sinh động, hay hình tượng cụ thể nào đó là điều đương nhiên.
Nhưng với chữ La tinh loại chữ tượng thanh, không có sự mô phỏng như chữ Hán, các nhà thư pháp Việt Nam vẫn có thể linh hoạt thư pháp hóa thành những hình tượng tuyệt vời, không kém phần nghệ thuật.
Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín là một trong những người tìm tòi, sáng tạo, tìm hướng đi mới cho nghệ thuật vẽ chữ mà anh gọi là họa tự.
Theo anh, họa tự và thư pháp tuy cùng nói về nghệ thuật của chữ viết nhưng có điểm khác: trong khi thư pháp thiên về viết chữ đòi hỏi có sự ngẫu hứng sáng tạo, thì họa tự lại thiên về vẽ chữ và cần nhiều ý tưởng sáng tạo, mang tính ước lệ nhiều hơn so với thư pháp. Chính điểm khác biệt này đã góp phần làm phong phú và độc đáo cho nghệ thuật viết chữ Việt Nam.
Mỗi năm, Nguyễn Hiếu Tín đều đặn sáng tác một bộ sưu tập thư pháp về linh vật trong năm đó. ý tưởng cho bộ sưu tập họa tự năm con rống đã được anh ấp ủ cách đây hơn sáu tháng.
Trong số 12 con giáp, rồng là con vật duy nhất không tồn tại trong thế giới tự nhiên. Từ sự kết hợp 4 ký tự L-O-N-G và con số 2012 một cách độc đáo, Nguyễn Hiếu Tín đã cho ra đời 12 tác phẩm về rồng tượng trưng 12 tháng trong năm, đó là: chữ Long hình rồng mang dáng thon thả, uyển chuyển của rồng thời Lý; chữ Long tạo thành hình thế giáng long; chữ Long tạo thành hình rồng đang ở thế thăng long (rồng bay) với dáng uốn lượn thăn thoắt, tròn trận; hay hình con rồng điệu bộ đang phun nước với nét phi bạch tạo thành vòi rồng trong chữ Long vừa mang dáng vẻ của chữ Hán lại là chữ Long thuần Việt.
Ông đồ trẻ nhất Việt Nam tâm sự: “Họa tự chữ Long dáng rồng để gửi tới người dân trên mọi miền tổ quốc hình ảnh con rồng Việt Nam bay lên đẹp đẽ và kiêu hãnh, thể hiện khí thế vươn mình và sức sống mãnh liệt của dân tộc”.
Đăng Văn – Hà Hưng