"Ông đồ” thời @

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:09
0
Tốt nghiệp Đại học sư phạm Huế nhưng không xin vào các trường phổ thông để dạy học mà lại mở trung tâm luyện... viết chữ, nhiều bạn bè của Thái Văn Nguyên (25 tuổi, Trung tâm Luyện chữ đẹp Thành Huế, đường Nguyễn Trãi, TP Huế) đã cho rằng anh "khác người".

Tâm sự của Nguyên lý giải việc "khác người" này như sau: "Các cụ đã có câu "nét chữ, nết người". Những năm gần đây tôi thấy phần lớn mọi người đều thích dùng máy tính hơn là viết tay, dẫn đến việc chữ viết tay càng ngày càng xấu, càng cẩu thả. Ý tưởng luyện chữ viết ra đời từ đấy".

Một buổi học của trung tâm Luyện chữ đẹp

Tình yêu chữ đẹp

Nguyên cho biết anh tự "thí nghiệm", dành ra nhiều tháng trời luyện viết, vẽ và nét chữ ngày càng trở nên đẹp và rõ nét hơn để đi đến kết luận: "Dù ban đầu chữ viết có xấu như thế nào, nhưng nếu chịu khó tập luyện thì chữ sẽ đẹp. Việc viết chữ đẹp chỉ cần rèn luyện chứ không cần năng khiếu".

Lớp học của Nguyên còn được sự tham gia nhiệt tình của một số bạn sinh viên đến từ Đại học Huế, vốn là những học viên trước của khóa học này, chỉ sau 1 - 2 tháng học tập nhiều bạn đã viết chữ rất đẹp và ở lại giúp Nguyên giảng dạy tại trung tâm.

Lớp học được dạy cả tuần, trung bình mỗi lớp có 10 - 12 học viên đủ mọi thành phần, đến nay, lớp học của Nguyên đã thu hút được gần 400 học viên tham gia.

“Nét chữ, nết người”

Hiện trung tâm có 4 giáo viên là cử nhân ngành Sư phạm, kèm cặp hơn 100 học viên. Một học viên học 2 buổi/tuần, mỗi buổi khoảng một tiếng rưỡi, cứ 10 người học có 1 giáo viên chỉ dẫn. Với mức học phí trung bình khoảng gần 200 ngàn đồng/học viên/tháng, trừ tiền thuê địa điểm và các chi phí khác, tính ra mỗi giáo viên nhận được khoảng 1,5 đến 1,7 triệu đồng/tháng.

Những nét chữ trong vở các học viên

Nhiều người ở đây cho biết, họ đến đây không chỉ vì để rèn chữ đẹp mà còn để rèn luyện đức tính cần cù, nhẫn nại, chịu khó mà việc học chữ mang lại.

Không chỉ các em học sinh mà cả người lớn, thậm chí có cả những... giáo viên cũng đến lớp học đặc biệt này để rèn lại nét chữ.

Nguyên cho biết, nhiều em học sinh sau khi được đào tạo ở đây đã được cử đi thi và giành giải "Vở sạch chữ đẹp" cấp trường và cấp thành phố. "Đó là món quà quý nhất và là niềm tự hào đối với mình", Nguyên nói.

Hiện thầy Nguyên đang giảng dạy các học viên bằng giáo trình bộ chữ theo quyết định 31/2002 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Nguyên nói: "Tôi đang soạn một bộ giáo trình mới để làm sao có thể giảng dạy một cách dễ hiểu và đơn giản nhất, giúp các học viên tiếp thu nhanh, chính xác hơn".

Mặc dù là lớp tư nhân, nhưng học phí ở đây lại rất phù hợp với từng đối tượng là người lớn và trẻ nhỏ, có chính sách miễn giảm cho các đối tượng là con nhà nghèo, đối tượng chính sách... Vì thế, dù thu nhập không cao nhưng vì tình yêu với nét chữ, Nguyên cùng bạn bè vẫn luôn hạnh phúc khi mang nét chữ đẹp đến với nhiều người.

Nguyên cũng ước mơ được mở thêm nhiều trung tâm nữa để việc rèn chữ đẹp đến với nhiều người hơn, đặc biệt là với các trẻ em ở huyện miền núi xa xôi, các vùng miền khó khăn trên địa bàn.

"Nhiều người bảo thời này còn luyện chữ làm gì, cần thì vào máy tính gõ là xong. Nhưng tôi nghĩ việc rèn chữ không những để viết đẹp mà còn biết về chính tả, biết cách bỏ dấu, bỏ câu... điều mà giới trẻ ngày nay dễ mắc phải và học chữ cũng là một cách học làm người", anh Thái Văn Nguyên cho biết.

Tiến Nhất