Tiến sĩ Mai Liêm Trực còn được yêu quý đặt biệt danh “ông trùm viễn thông”. Ông sinh ra trong một gia đình hiếu học đáng tự hào có 2 người giữ trọng trách Bộ trưởng, bản thân ông từng giữ chức Thứ trưởng thường trực bộ Bưu chính Viễn thông.
Ông là một trong những người có công lớn trong việc tác động để Mỹ xóa bỏ cấm vận viễn thông, mở đầu cho việc xóa bỏ cấm vận trên các lĩnh vực khác ở Việt Nam.Nhớ lại thời điểm khi chiến tranh chống Mỹ vừa kết thúc, ông bùi ngùi:
“Trong chiến tranh, những người làm trong ngành bưu chính hy sinh rất nhiều. Ngày đó, công việc chủ yếu của ngành bưu chính là giao bưu, chuyển công văn giấy tờ cho các cấp chính quyền, thư từ, báo chí giữa tiền tuyến và hậu phương, còn điện thoại thì rất hạn chế.
Sau chiến tranh, mạng lưới bưu chính viễn thông, bưu điện rất lạc hậu. Từ lúc có chính sách đổi mới năm 1987, ngành Bưu điện tiếp cận ngay với chuyện phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông. Vì “mở cửa” mà không có thông tin, giao lưu với thế giới thì khó mở cửa được.
Năm 1991, thư từ trong nước chuyển đi rất khó khăn. Thấy nhu cầu thông tin liên lạc lớn, chúng ta đã lắp một số tổng đài của nước ngoài cho Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, liên lạc với thế giới thì vô cùng hạn chế”.
Cũng trong năm 1991, ông đã có chuyến đi mà sau này có ý nghĩa lớn với sự phát triển của ngành bưu chính viễn thông. “Tôi đi Washington D.C (Mỹ) dự hội nghị Quốc tế về thông tin vệ tinh. Lúc đó, tôi là Phó Tổng cục trưởng tổng cục Bưu điện kiêm Giám đốc công ty Viễn thông quốc tế.
Mục tiêu của chuyến đi là để ký kết với các nước về việc thuê vệ tinh để Việt Nam liên lạc với các nước. Cũng phải nói rõ là sau năm 1975, Mỹ cấm vận nước ta trên cả ba lĩnh vực là kinh tế, viễn thông, công nghệ. Về viễn thông, Mỹ cắt liên lạc với Việt Nam, họ khóa mã điện thoại +84.
Vì Mỹ cấm vận nên năm 1991, từ nước Mỹ, tôi cũng không gọi được về Việt Nam. Do hội nghị tôi đi dự là hội nghị Quốc tế nên Mỹ cấp visa cho đoàn của Việt Nam kèm yêu cầu không được đi cách Nhà Trắng 35 dặm.
Lúc đó, tôi thấy văn phòng của các đoàn họ gõ tài liệu vào máy tính rồi dùng đường dây điện thoại để truyền thư đi. Trong khi ở Việt Nam lúc đó chuyển một bức thư đi khó lắm, đi vùng sâu, vùng xa mất hàng tuần, chưa nói tới việc chuyển đi thế giới.
Tôi thấy hấp dẫn quá nên tìm hiểu rất kỹ và rất muốn đưa Internet về Việt Nam. Các bạn quốc tế cũng nói rằng, sau này Internet sẽ rất phát triển. Mà muốn làm được Internet thì phải có mạng thông tin điện thoại tự động. Lúc đó, Việt Nam chưa thể làm được, nhất là khi Mỹ còn cấm vận viễn thông.
Trước thời điểm diễn ra hội nghị này, một đoàn của AT&T đã vào Việt Nam từ tháng 3/1988 do ông Jime Hansen - Chủ tịch tập đoàn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu để đặt mối quan hệ làm ăn. Thời điểm đó, nếu Mỹ và Việt Nam kết nối liên lạc thì công ty của họ sẽ thu lợi lớn.
Tôi mới nói: “Chúng tôi rất muốn làm ăn với ông nhưng Chính phủ của các ông cấm vận thì làm sao chúng ta làm ăn được”. Mình tưởng mình nói căng nhưng không ngờ họ lại rất phấn khởi: “Tôi rất ủng hộ các ông. Chúng tôi cũng phản đối Chính phủ Mỹ. Ở các hội nghị quốc tế các ông hãy nói mạnh mẽ vào””, ông Mai Liêm Trực kể.
Chính vì thế, tại hội nghị quốc tế năm 1991, ông Mai Liêm Trực đã liên hệ và rồi ông Jime Hansen đã chủ động mời ông đi ăn tối. Đó là một buổi tối làm việc căng thẳng. “Hôm đó, họ đã đưa ra rất nhiều tài liệu chuẩn bị và đề nghị tôi góp ý để họ đấu tranh trước ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Khoảng 1 năm sau, một buổi điều trần rất mạnh của các tập đoàn viễn thông Mỹ ở ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Lúc đó, đại sứ Việt Nam ở Liên Hợp Quốc (hồi đó chưa có đại sứ ở Mỹ) đã đánh giá, đó là một buổi điều trần rất xúc động.
Tới tháng 5/1992, Mỹ bỏ cấm vận viễn thông ở Việt Nam, mở khóa +84. Chỉ 1 tuần sau, liên lạc giữa hai nước được kết nối. Khối lượng người Việt Nam và Mỹ gọi ào ào. Chỉ trong 1 năm đầu, Việt Nam thu được hàng chục triệu đô la, những năm sau con số lên tới vài chục triệu đô la còn phía Mỹ thu về cả trăm triệu đô la.
Việc bỏ cấm vận về viễn thông là bước bỏ cấm vận đầu tiên. Hai năm sau (năm 1994), Mỹ chính thức bỏ cấm vận về kinh tế. Năm 1995 bình thường hóa quan hệ Việt Nam và Mỹ. Cũng trong năm 1995, Việt Nam đã số hóa và cũng kết nối thuận lợi giữa các tỉnh, thành, với các nước thông qua thông tin vệ tinh”, ông Mai Liêm Trực nhớ lại, đôi mắt ông lấp lánh niềm vui.
(Còn nữa)