Paris không phải lúc nào cũng lung linh

Paris không phải lúc nào cũng lung linh

Thứ 5, 27/12/2012 23:59

"Kinh đô ánh sáng" vẫn rực rỡ hàng đêm và khách du lịch vẫn ùa về Paris, nhưng Paris còn xa mới đạt "chuẩn" thiên đường.

Chào chia tay bạn bè Pháp và bà con Việt kiều khi sắp hết nhiệm kỳ công tác 3 năm ở Pháp, gần như một câu hỏi mà ai cũng hỏi tôi là: “Anh có hài lòng với thời gian ở Paris không?”. Không dám giấu, tôi từng học học tiếng Pháp ở trường đại học và đối với gần như bất kỳ ai trong số dân Francophonie chúng tôi, được đến Paris chạm tay vào tháp Eiffel luôn là một niềm ao ước và thậm chí đối với một số người, nó còn là “nhiệm vụ bất khả thi”. Đối với tôi, “ước nguyện” đã thỏa, nhưng phải nói rằng Paris khá xa lạ với những gì tôi vẫn tưởng tượng.

Tôi từng gặp những người Việt Nam cũng có “ao ước” được đến châu Âu để “đổi đời” khi làm phóng sự ở khu rừng Angres - phía Bắc nước Pháp, giáp với biển Manche. Hàng chục người Việt Nam, nam có nữ có, lẩn trốn trong rừng bên trong những túp lều tạm giữa mùa đông tuyết chờ thời cơ để chạy sang Anh. Paris không phải lúc nào cũng đẹp lung linh.

Xã hội - Paris không phải lúc nào cũng lung linh

Ăn xin ở Notre Dame de Paris

Xin ăn

Một buổi trưa, khi đang lang thang chụp ảnh những bức tượng dọc sông Seine, một cô gái trẻ đi bước gần tôi, rồi cúi xuống nhặt lên một chiếc nhẫn bằng vàng tây. “Của anh này. Chúc anh một ngày tốt lành !”, cô ta nói rồi bước đi.

Khi tôi vẫn còn ngỡ ngàng chưa kịp hiểu ra chuyện gì đang xảy ra, thì cô gái đó quay ngay lại. Cô ta giải thích rằng đã trưa rồi mà cô ta hết tiền nên muốn xin tôi một chút để ăn trưa. Ngay lập tức, tôi đưa trả cho cô gái đó chiếc nhẫn mà dám chắc đó là đồ giả, rồi bước đi giả vờ không hiểu tiếng. Nhưng loanh quanh chưa được một lúc thì chúng tôi lại gặp một người thanh niên. Cũng cúi xuống đất và nhặt được của rơi, nhưng lần này anh ta nói bằng tiếng Anh. Đương nhiên, lần này tôi đi thẳng.

Nhưng vì tò mò, tôi bước về phía một khu vườn khuất phía xa con đường dọc sông Seine để theo dõi. Không phải chờ đợi lâu, tôi đã được chứng kiến vở kịch từ đầu đến cuối. Tay thanh niên giả vờ nhặt được nhẫn, đưa cho một cặp vợ chồng khách du lịch, giả vờ quay đi rồi quay lại xin tiền. Chỉ có điều, lần này khách du lịch đã móc ví và tung tẩy cầm chiếc nhẫn trên tay.

Cách lừa đảo của cặp thanh niên nọ chắc khó lừa được người Việt Nam, nhưng hơi bất ngờ vì màn kịch này lại diễn thành công ở ngay giữa thủ đô ánh sáng. Không hiểu có phải trình độ lừa của mấy kẻ bịp bợm này quá kém (chỉ có một bài duy nhất, và riêng đối với tôi là thực hiện 2 lần mà không đổi vở) hay là vì khách du lịch đến Paris quá dễ bị lừa!?

Đi trong thủ đô Paris bằng ôtô rất bất tiện vì rất hay tắc đường và rất khó tìm được chỗ đỗ xe. Tắc đường xảy ra như cơm bữa, nhiều lúc đi chỉ mấy cây số mà mất hàng tiếng đồng hồ. Còn tìm chỗ đỗ xe thì thật nan giải. Lúc mới sang, tôi thấy khá ngạc nhiên vì rất nhiều xe ôtô ở Paris đều bị méo đầu, móp đuôi. Chúng tôi còn trộm nghĩ “Tây”... đi ẩu thật. Nhưng rồi đi thực tế mới thấy, chẳng phải họ va quệt trên đường mà xây xước chủ yếu là khi đỗ xe. Ở Paris, tìm được một chỗ đỗ xe mà đỗ xong, xe này cách xe kia khoảng 10-20 cm là tốt lắm rồi.

Nhưng chuyện tắc đường và đỗ xe đôi khi lại không bực mình bằng việc phải bất đắc dĩ sử dụng dịch vụ lau kính xe. Tại một số điểm giao của nhiều tuyến đường lớn, đèn đỏ thường kéo dài rất lâu. Mỗi khi đèn đỏ hiện lên, là tự nhiên có một đội ngũ thanh niên một tay cầm xô, một tay cầm chổi phun xà phòng và lau kính xe các xe ôtô, đặc biệt là những chiếc đắt tiền.

Công việc này được thực hiện rất nhanh chóng. Xong xuôi, những thanh niên đó đứng chặn trước xe và ôm bụng xin tiền. Có người hạ kính xuống và đưa tiền cho đám thanh niên, nhưng có người quen với cảnh tượng này nên cứ mặc cho đám thanh niên lau kính, rồi cứ thế dấn ga đi khi đèn xanh (chắc họ nghĩ, cho tiền lần sau chúng lại làm như thế!). Khi ấy, trong làn khói mỏng của ôtô, lại xuất hiện vài tiếng chửi thề của đám thanh niên bực mình vì không nhận được tiền “dịch vụ”.

Ở các nước phương Tây nói chung và ở Pháp nói riêng, người khuyết tật bao giờ cũng được ưu tiên. Chẳng hạn, những lái xe ôtô đỗ xe vào nơi dành cho người khuyết tật sẽ bị phạt rất nặng (135 euro) và đôi khi sẽ bị cảnh sát cho kéo xe đi chỗ khác. Chính sự ưu tiên dành cho người khuyết tật này đã làm nảy sinh tình trạng một số người lành lặn giả làm người khuyết tật để ăn xin hoặc giả làm nhân viên của các tổ chức từ thiện quyên góp tiền từ khách du lịch. Đôi khi, có cả những người khuyết tật thực sự đi ăn xin, chỉ có điều không ai dám chắc họ có bị tàn phế tới mức không tự mưu sinh được hay không mà thôi.

Xã hội - Paris không phải lúc nào cũng lung linh (Hình 2).

Bán hàng bất hợp pháp nhưng cũng không quá chèo kéo khách

Móc túi

Có lần đang đi bộ trên phố, một người Pháp nhắc tôi rằng chiếc balô đeo sau lưng đang bị hở khóa. Người ta vẫn thường xuyên nhắc nhở như vậy đối với những khách du lịch lơ đãng vì không ít người đã bị kẻ gian móc túi.

Bọn móc túi thường nhằm vào những người mang máy ảnh, đặc biệt là những người gốc châu Á. Bọn chúng nhìn thấy máy ảnh thì khá chắc chắn rằng họ là khách du lịch, mới đến Paris nên còn lớ ngớ, hay để đồ đạc hớ hênh. Còn lý do chúng chọn người châu Á là vì người châu Á thường mang theo khá nhiều tiền mặt trong người.

Bọn móc túi thường là thanh niên choai choai, nằm trong số những người nhập cư không học hành và không có việc làm. Những thanh niên này thường xuyên xâm nhập các tuyến tàu hoặc xe bus có nhiều khách du lịch để hành nghề. Ban đêm, chúng tụ tập uống rượu và gây rối. Nhiều vụ cướp tài sản đã xảy ra, nhất là ở những vùng ngoại ô.

Cảnh sát Paris nhiều lần bắt được, nhưng rồi cũng lại thả ra vì chúng chưa tới tuổi thành niên. Chính vì thế, sẽ không ngạc nhiên gì nếu ở các điểm du lịch hoặc các bến tàu, khách thăm quan sẽ được nhắc nhở bằng các biển báo hoặc các đoạn băng âm thanh đề phỏng kẻ gian móc túi và trộm cắp.

Người ăn xin hiện diện khắp nơi trong thành phố và không ít người vô gia cư sống lay lắt trên các vỉa hè, góc phố (có thống kê nói là hơn 100.000 người vô gia cư tại Pháp). Tờ Metro của Pháp cho biết từ đầu năm tới nay, trên toàn nước Pháp, số người vô gia cư chết thống kê được là 329 người, còn riêng tại Paris, năm 2010 đã có 170 người vô gia cư thiệt mạng.

Kinh đô ánh sáng vẫn rực rỡ hàng đêm và khách du lịch vẫn ùa về Paris (khoảng 80 triệu khách đến Pháp mỗi năm, 2,6 khách mỗi giây). Đúng tới một điểm đến tuyệt vời, nhưng Paris còn xa mới là thiên đường.

Quang Hưng/VOV


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.