LTS: Xã hội càng phát triển, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, làm đẹp của người dân càng tăng cao, hiện trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại sản phẩm thực phẩm chức năng, thuốc đông y bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, nếu không am hiểu người tiêu dùng rất dễ rơi vào “bẫy” quảng cáo như thần dược. Tất cả sẽ có trong loạt bài “Quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng bủa vây người tiêu dùng” trên Người Đưa Tin.
Bức xúc khi hình ảnh bị cắt ghép, quảng cáo
Mới đây, mạng xã hội chia sẻ những cảnh báo của Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học Nghệ thuật Trung ương, Nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ về việc ông bị cắt ghép hình ảnh quảng cáo cho thuốc đông y do người có tên Lương y Dương Văn Bảy trực tiếp chạy chữa.
Trong hình ảnh mà ông Kỷ chia sẻ có thể thấy người bán thuốc đã khéo léo lồng các nội dung chú thích ảnh như: “Lương y Dương Văn Bảy nhận nhiều bằng khen, huân huy chương cao quý”, bên dưới ghi giấy chứng nhận là lương y do giám đốc Sở Y tế Hà Nội cấp để tăng độ tin tưởng.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, bức ảnh này được chụp cách đây hơn 10 năm, khi ấy có một công dân cao niên có sưu tầm được những bài thơ về đất nước, đóng một quyển rất dày và mang đến tặng Ban Tuyên giáo Trung ương, tặng giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật báo chí về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
“Tôi khi ấy là Phó ban Tuyên giáo Trung ương, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng chung khảo của giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật báo chí về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tôi đã đứng ra để tiếp nhận, đứng bên cạnh tôi khi ấy là hai cán bộ lãnh đạo cấp Vụ của ban ông Bùi Ngọc Quý và bà Nguyễn Phương Hoa”, ông Kỷ chia sẻ.
Nói về việc biết bức ảnh hơn 10 năm được chia sẻ mới đây, ông Kỷ cho biết do có một bệnh nhân nữ bị u tuyến giáp có gọi điện cho ông hỏi xem Lương y Dương Văn Bảy tay nghề có cao không mà được tặng thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương.
“Tôi trả lời ngay là không có chuyện Ban Tuyên giáo Trung ương tặng thưởng gì cho lương y cả. Sau đó, người bệnh gửi bức ảnh đó và tôi nhận thấy không phải như những gì mà họ quảng cáo. Tôi cũng đã đăng tải trên trang cá nhân cảnh báo người bệnh”, ông Kỷ chia sẻ.
Ông Kỷ cho biết thêm, khi đăng tải trên trang cá nhân, ông cũng đã khẳng định đây là hình ảnh cắt ghép trên máy vi tính, hình ảnh người tặng tập thơ đã bị thay bằng hình ảnh ông Bảy.
“Đây là hành vi vi phạm vì sử dụng hình ảnh lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, kèm với đó là nội dung hoàn toàn sai phạm, lừa dối khách hàng, mạo danh tổ chức và người có uy tín để lừa gạt người bệnh ”, ông Kỷ nói.
"Đã chữa cho rất nhiều người, không phải lo"
Từ hình ảnh được đăng tải kèm số điện thoại của người tự xưng lương y Dương Văn Bảy, PV Người Đưa Tin đã liên hệ qua số điện thoại 0375655xxx, đầu dây bên kia là giọng một người phụ nữ trẻ như đã quen thuộc với công việc tư vấn khách.
Người này nói: “Chị ơi, em thấy chị có cuộc gọi nhỡ tới số của Lương y Dương Văn Bảy, chị cần hỏi gì không?”.
Bày tỏ muốn xin địa chỉ của lương y để đến trực tiếp thì người này đọc luôn: "Khu 6, Thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai”.
Thắc mắc vì thấy có địa chỉ ở Ba Vì, Hà Nội người này dẹp luôn ý định của người cần tìm mua thuốc rằng: “Địa chỉ Ba Vì là địa chỉ kho thuốc, em không lên tận nơi được. Em cứ lên Khu 6, Thị trấn Bát Xát thì có một cái biển Lương y Dương Văn Bảy to đùng đấy, bao giờ em lên được chị hẹn lịch thầy cho”.
Tiếp đó, người này nói sẽ bảo thầy Bảy kết nối qua điện thoại với PV để tư vấn rõ hơn. Chỉ 2 phút sau, một số điện thoại khác 0388002xxx gọi đến, người đàn ông lớn tuổi tự xưng Lương y Dương Văn Bảy giọng niềm nở “thế là con cần gặp bác hở?”.
Sau đó, ông Bảy bắt đầu chẩn bệnh thông qua một loạt các câu hỏi “bị u bướu tuyến giáp hay là làm sao?”, có bị kèm các bệnh khác không, triệu chứng thế nào, bị mấy năm rồi, ăn uống có bị vướng? tóc có gãy rụng, tay chân có bủn rủn hay không?...
Mất khoảng 5 phút tư vấn, ông Bảy cho biết với tình trạng bệnh này thì điều trị dao động khoảng 2-3 liệu trình (4-6 tháng mới tiêu tan hết được).
“Không phải con uống 1, 2 tháng mà khỏi luôn được đâu, xác định dòng thuốc Nam là vậy, cũng phải kiên trì. Thêm nữa, thực hiện theo đúng phác đồ điều trị đưa ra, trực tiếp điện lại cho bác theo số này, khi nhận điều trị cho ai bác cũng phải có trách nhiệm, như ngày xưa các cụ bảo rồi “hổ chết để da, người chết để tiếng” cũng chẳng giàu nghèo gì một vài triệu cả”, ông Bảy nói.
Về chi phí điều trị, không chờ PV hỏi ông Bảy nói luôn: “Một liệu trình là hai tháng gồm 6 hộp thuốc nam là 2.400.000 đồng”.
PV cũng chia sẻ thêm về việc biết ông thông qua quảng cáo trên facebook và có thấy bức ảnh ông chụp cùng ông Nguyễn Thế Kỷ, nhận huân huy chương ở Ban Tuyên giáo Trung ương, thế nhưng ông Bảy nói: "Ông 70 tuổi rồi, không nhớ được, xem đúng ảnh đúng người ông mới nhận ra chứ bảo "có thành không" thì không hay, nó phải chuẩn, chữa bệnh này phải đúng phải chuẩn”.
Về việc nhận thuốc bằng hình thức nào, ông Bảy cho biết các cháu sẽ gửi đến tận nhà, mở ra đúng thuốc thì gửi tiền cho nhân viên bưu cục, sau đó điện lại cho ông để ông hướng dẫn, theo dõi, ghi vào sổ… cứ 10-15 ngày ông sẽ điện lại một lần để xem bệnh đã thuyên giảm, xem cơ địa ra sao để điều chỉnh thuốc.
“Uống làm sao mà khỏi rồi, quanh nhà có ai bị thì giới thiệu cho ông, ông đã chữa cho rất nhiều người rồi chứ không phải lo gì cả”, người đàn ông này khẳng định chắc nịch.
Hỏi địa chỉ cụ thể, một lần nữa ông Bảy khẳng định mình ở Lào Cai. Tuy nhiên, PV đối chiếu với hình ảnh quảng cáo thì giấy phép lại do Sở Y tế Hà Nội cấp nhưng chỉ chụp một nửa và không hề rõ tên lương y Dương Văn Bảy.
Từ câu chuyện này, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học Nghệ thuật Trung ương, Nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ yêu cầu ông Bảy lập tức gỡ bỏ quảng cáo dối trá, cắt ghép hình ảnh của ông hơn 10 năm trước.
Đồng thời, ông cũng tha thiết đề nghị các đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra xử lý nghiêm hành vi quảng cáo sai trái, dối lừa người bệnh.
(Còn nữa)
Thanh Lam