Hiện nay, vì mục đích lợi nhuận, các nhà cung cấp dịch vụ mạng điện thoại di động dùng mọi chiêu để tiếp cận khách hàng, khai thác những dịch vụ gia tăng như soi cầu trúng lô, cài đặt nhạc chờ, nhạc chuông đầy "sáng tạo".
Những bản nhạc chờ như: "Trúng đề rồi, hôm nay em lại trúng đề”, "Nào anh em ta cùng vào nhậu, cho đời bớt khổ, bớt đau thương", hay "mày gọi gì cho tao thế?" đã quá quen thuộc với nhiều thuê bao di động. Nhiều bạn trẻ còn tỏ ra say sưa với dịch vụ này hồ hởi bày tỏ: "Phải cài mấy bài nhạc chờ như thế mới máu, trên mạng còn nhiều bài khủng hơn, ít bữa nữa em mới cài tiếp".
Ảnh minh họa
Qua tìm hiểu một số Website của các mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel, khi vào trang Ringtunes của nhà mạng, người viết cũng không khỏi giật mình khi thấy cả một kho nhạc được giới thiệu và được nhiều người tải về làm nhạc chờ. Nội dung là những bài nhạc rap chế, những câu thành ngữ, châm ngôn đã biến tướng cho hài hước và gây cười.
Trong đó, có nhiều bài nhạc chờ không kém phần nhố nhăng như: "Số máy quý khách vừa gọi không thể nhận cuộc gọi lúc này vì chủ thuê bao đang quá là say rồi, chờ lúc khác chủ thuê bao tỉnh lại sẽ nghe máy nhé”, "thuê bao quý khách vừa gọi đang nằm chồng lên một thuê bao khác". Hoặc, "người gì mà vô duyên thế, cứ gọi điện làm phiền hoài".
Nếu như việc cài đặt nhạc chờ chỉ gây sốc cho những người gọi điện đến thì việc cài đặt nhạc chuông phản cảm còn gây ức chế cho cả những người xung quanh mỗi khi có cuộc gọi đến. Trong một quán cà phê yên tĩnh với tiếng nhạc dìu dặt, bỗng dưng tất cả mọi người đều phải hướng về phía phát ra bản nhạc chuông cực hot "Hai con trâu húc nhau" của một bạn trẻ thuộc giới sành điệu.
Sau một đoạn hát nhí nhố không thuộc thể loại nào như: "Tăng tin cái kha lồ bê lố lồ bê lồ thê bế lê thê bồ lồ thê bà la... Hai con trâu húc nhau, một con chết, một con què, hai thằng tàu cầm dao bầu đâm vào hầu hai con trâu". Nghe xong đoạn nhạc chuông ấy, những người xung quanh không khỏi choáng váng trong khi chủ nhân của bản nhạc chuông thản nhiên cười vui có vẻ hãnh diện lắm vì có được bản nhạc đầy ấn tượng.
Ảnh minh họa
TS Lê Quý Đức, Viện trưởng Viện Văn hóa & Phát triển cho rằng: "Nhạc chờ điện thoại là do một trung tâm dịch vụ cung cấp cho người dùng di động mà cụ thể là các nhà mạng. Dù rằng các nhà mạng đã bán đầu số cho các công ty chuyên cung cấp dịch vụ trên điện thoại di động nhưng rõ ràng họ phải có trách nhiệm trong việc này. Không thể vì chạy theo kinh tế mà cho lưu hành những bản nhạc nhảm nhí nếu không muốn nói là thiếu văn hóa như vậy. Đồng thời, phải có sự quản lý chặt chẽ của Bộ Thông tin & Truyền thông để nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý các nhà mạng".
Nếu phát hiện nhà mạng đưa ra những bài hát, ca khúc nhảm nhí thì phải có những biện pháp hay chế tài xử phạt. Điều quan trọng hơn nữa là phải nâng cao trình độ của công chúng. Hiện nay một bộ phận giới trẻ tuổi teen thích những thứ nhố nhăng nên nhà mạng muốn câu khách bằng việc khuyến khích sáng tác những thứ âm nhạc vớ vẩn ấy".
Lại Quỳnh