Theo dự kiến, Trung Quốc sẽ hoàn thành tàu đổ bộ tấn công đầu tiên thuộc lớp Type-075 vào năm 2020. Hiện tại, tàu đang được đóng tại nhà máy đóng tàu Hudong Zhonghua tại Thượng Hải, có kích thước gần giống với một trong những tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp (LHD-1) của lực lượng hải quân Mỹ.
“Quá trình đóng tàu Type-075 sẽ mất thêm hai năm nữa. Tàu đầu tiên có thể được hạ thủy vào đầu năm 2019 và hoàn toàn đưa vào biên chế vào năm 2020”, một nguồn tin quân sự Trung Quốc tiết lộ với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Theo National Interest, không rõ Trung Quốc có ý định đóng bao nhiêu tàu tấn công đổ bộ Type-075, nhưng những chiếc tàu nặng khoảng 40.000 tấn này sẽ cho phép lực lượng hải quân vũ trang nhân dân Trung Quốc (PLAN) triển khai quân với quy mô lớn.
Được biết, tàu có khả năng mang theo 30 máy bay trực thăng, 6 trong số đó có khả năng cất cánh cùng một lúc từ mặt boong tàu. Còn tàu dài 250m cũng sẽ có phần gara nhỏ dưới đáy để triển khai, thu hồi tàu lưỡng cư.
Tuy nhiên, một tính năng mà tàu tấn công đổ bộ của Trung Quốc còn thiếu so với các tàu Mỹ đó là Type-075 không thể vận hành máy bay cánh bằng. Trong thực tế, Trung Quốc cũng chưa phát triển được tiêm kích cất cánh ngắn – hạ cánh thẳng đứng như Boeing AV-8B Harrier II hoặc F-35B, dù từ năm 2011 Bắc Kinh đã bắt đầu phát triển những loại máy bay như vậy.
Những tàu Type-075 mới sẽ bổ sung cho đội tàu hiện có của Trung Quốc gồm 4 tàu đổ bộ vận tải Type-071, tương tự như tàu lớp San Antonio (LPD-17) của hải quân Mỹ. Type-075 có thể chở một tiểu đoàn thủy quân lục chiến cùng khí tài, 20 xe bọc thép, 4 trực thăng và các loại phương tiện đổ bộ như đệm khí, xuồng cao tốc.
2 chiếc tàu Type-071 khác đang được Trung Quốc tiếp tục xây dựng.
Cùng với đó, Type-075 và Type-071 giúp Trung Quốc triển khai khả năng tấn công lội nước, chỉ đứng sau sức mạnh của hải quân Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự vẫn tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả tác chiến của những tàu trong môi trường chiến tranh hiện đại nhiều mối đe dọa như hiện nay. Bên cạnh đó, chi phí và thời gian bỏ ra để đóng loại tàu này cũng là vấn đề đáng lưu tâm.
“Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất có khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/D2) và những nước khác có thể áp dụng những biện pháp đối phó, khiến tàu đổ bộ trở thành một khoản đầu tư tốn kém và thiếu hiệu quả”, ông Alex Alden từ Trung tâm Phân tích Hải quân, đồng thời là chuyên viên cao cấp tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia Mỹ, cho hay.
“Có lẽ Trung Quốc nên cân nhắc lại”, ông Alex nhấn mạnh.
Trung Quốc sẽ phải tìm cách triển khai thêm những tàu chiến để bảo vệ những tàu đổ bộ, vốn có khả năng phòng thủ rất yếu. Vì vậy, chi phí sẽ đội lên nhiều lần và hạn chế hoạt động của chúng.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn quyết tâm xây dựng hạm đội tàu sân bay và nhóm tàu đổ bộ với quy mô lớn. Quyết tâm trên được thể hiện rõ từ khi Bắc Kinh đóng tàu lớp Type-071. Cho tới khi công bố dự án Type-075, có thể thấy Trung Quốc đang mong muốn có một lực lượng đổ bộ lớn hơn, tăng năng lực tác chiến của lực lượng hải quân.
Xem thêm: Nga-Trung có phương sách gì đối phó với THAAD của Mỹ?
Danh Tuyên