Theo PressTV, ngày 7/1, một phái đoàn gồm các thành viên từ Quốc hội và truyền thông Pháp đã tới Aleppo, Syria và gặp gỡ Tổng thống Bashar al-Assad một ngày sau đó.
Nghị sĩ Thierry Mariani, trưởng phái đoàn, khẳng định rằng những gì mà ông và mọi người nhìn thấy trước mắt hoàn toàn khác xa với những thứ mà truyền thông phương Tây từng mô tả.
Theo ông, dư luận các nước châu Âu, đặc biệt là ở Pháp, đã có cái nhìn sai lệch và không thực tế về tình hình khu vực Trung Đông nói chung và Syria nói riêng do ảnh hưởng từ truyền thông.
Phía Pháp cho hay, họ đã thấy sự cải thiện đáng kể tình hình chiến sự, từ đó có thể thấy khả năng người dân Syria cùng chính phủ sẽ khôi phục lại an ninh, hòa bình và tiếp tục giữ vững lập trường của họ khi đối mặt với chủ nghĩa khủng bố.
Trong khi đó, Tổng thống Syria Bashar al-Assad hôm 8/1 khẳng định trước phái đoàn Pháp rằng ông “lạc quan” về những cuộc đàm phán hòa bình sắp tới dự kiến được tổ chức ở thủ đô Astana (Kazakhstan) vào cuối tháng này giữa đại diện của Damascus và hàng chục nhóm đối lập do nước ngoài hậu thuẫn.
Theo nhà lãnh đạo Syria, Damascus “sẵn sàng đàm phán” với 91 nhóm vũ trang đối lập, những cuộc đàm phán mà ông “rất tin tưởng” sẽ mang lại hòa bình cho người Syria.
Ông Assad cũng đổ lỗi cho nước Pháp về chính sách đối ngoại hiện tại của Paris vì nó không phù hợp, thiếu tính kết nối đối với thực tế cuộc chiến ở Syria. Ông nói thêm rằng chính sách trên của Pháp chỉ làm xấu đi tình hình chiến sự thông qua sự hỗ trợ của chính quyền Tổng thống Francois Hollande với các nhóm khủng bố ở Syria.
Các cuộc đàm phán giữa chính quyền Damascus và các nhóm đối lập sẽ do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đứng ra làm trung gian. Tuy nhiên, những nhóm đối lập trên không bao gồm nhóm khủng bố Hồi giáo Takfiri và Jabhat al-Fateh Sham (tên cũ: al-Nusra Front).
Tổng thống Syria cũng nói rằng ông đã chuẩn bị “hòa giải với các nhóm phiến quân, miễn là họ đồng ý hạ vũ khí”. Ông Assad bác bỏ mọi cáo buộc về tội ác chiến tranh của quân đội chính phủ Syria, cho rằng không có cuộc chiến nào là “sạch sẽ” mà không có sự đổ máu. Tuy nhiên, ông cũng nhận lỗi một phần về phía chính phủ và đã từng khiến ông “hối tiếc”.
Cũng trong ngày 8/1, chính phủ Syria trong một phiên họp nội các đặc biệt dưới sự chủ trì của Thủ tướng Imad Khamis đã thông qua một kế hoạch khôi phục cung cấp điện, nước, nhiên liệu, ngành công nghiệp và an ninh của Aleppo sau khi đã “dọn sạch” lực lượng khủng bố và phiến quân ra khỏi thành phố và hoàn toàn do quân đội nhà nước kiểm soát.
Sáng kiến trên được đưa ra nhằm mục đích giúp người dân Aleppo trở lại cuộc sống bình thường. Ngoài ra, hai bệnh viện và 5 trung tâm y tế và sân bay quốc tế Aleppo cũng được khôi phục và nâng cấp để phục vụ người dân.
Bộ Giáo dục Syria cũng đang tìm cách sửa chữa 50 trường học ở khu vực phía đông Aleppo trong vòng 6 tháng và tiếp tục cải tạo 100 trường trên toàn thành phố trước khi bước vào năm học tiếp theo.
Nhìn chung, những hoạt động tái xây dựng lại cuộc sống đang diễn ra tích cực ở thành phố Aleppo, nơi người dân đã phải sống cùng bom đạn và khủng bố, giết chóc suốt 6 năm qua.
Xem thêm: Tàu hải quân Nga thăm Philippines, Manila ‘dứt tình’ với Mỹ?
Danh Tuyên