Trong một cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố, Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã đề cập đến một khái niệm là “văn hóa xấu hổ”. Xuất phát từ việc “hứa hẹn nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu” hoặc thậm chí không làm mà vẫn hứa với dân của một số cán bộ, ông Thanh nhấn mạnh: “Cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ”.
"Tôi nói là làm, không có chuyện chạy làng"
Sáng 5/9/2012, Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã đối thoại với 64 hộ dân làng phong Hòa Vân (TP. Đà Nẵng). Trong buổi đối thoại đầu tiên với người bị bệnh phong, ông Thanh muốn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng nguời dân, giải quyết những nhu cầu cấp bách để bà con hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.
Điều ông Thanh tâm sự cùng người dân đó là, khi chuyển đến nơi ở mới, chắc chắn nhiều người sẽ không an tâm, nhưng ở một nơi khang trang được chính quyền địa phương quan tâm thì chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn rất nhiều.
"Bà con ở đây rồi, thỉnh thoảng tôi sẽ lên thăm. Không phải đưa bà con vào đây rồi là thôi mà chính quyền sẽ luôn theo dõi. Tôi nói là làm, không có chuyện chạy làng", ông Thanh nhấn mạnh và động viên người dân làng Vân vào đất liền phải sinh hoạt cộng đồng, phải bỏ qua tự ti bởi xung quanh không ghét bỏ, xa lánh.
“Làm thì phải có lửa! Ai mệt quá thì giơ tay xin nghỉ”
Buổi nói chuyện về Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo với cán bộ phụ nữ và trao giải “Chi hội Phụ nữ tiêu biểu” năm 2011 của Đà Nẵng gây được nhiều tiếng vang, tạo được nhiều ấn tượng đối với tất cả những người tham dự khi ông tuyên bố: “Làm thì phải có lửa! Ai mệt quá thì giơ tay xin nghỉ. Bí thư cấp quận, huyện đến Bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, chi hội phụ nữ phải nhận thức đúng tầm quan trọng của quỹ và vào cuộc quyết liệt!”.
“Phải bóc tách ra, có những loại nợ không phải là nợ xấu mà quá xấu, không bao giờ có thể đòi được”
Phát biểu về nợ xấu tại kỳ họp thứ 4, quốc hội khóa XIII, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh đã phát biểu: “Phải bóc tách ra, có những khoản nợ không phải xấu, mà là quá xấu, không bao giờ có thể đòi được. Một nước nghèo mà không dưới 100 tỉ USD cho nhà đất thì như thế nào? Ngân hàng Nhà nước phải thống kê nghiêm túc, phải phân tích số liệu chính xác thì mới xử lý rõ ràng”.
“Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt mà chỉ cần phấn đấu”
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã tuyên bố như vậy trong buổi nói chuyện với hơn 4.000 cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp xã, phường đến các quận, huyện và sở ban ngành TP Đà Nẵng hôm 24/2/2012, được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình Đà Nẵng.
Tại buổi nói chuyện này, ông Nguyễn Bá Thanh đã thắng thắn đề cập đến những vấn đề gai góc, tế nhị, nhạy cảm, khó nghe nhất nhưng cũng thiết thực nhất trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đà Nẵng, nhất là tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, chạy chức quyền. Cụ thể, ông Thanh khẳng định: “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt mà chỉ cần phấn đấu. Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng”.
Ông Thanh cũng đưa ra lời khuyên đối với người làm công tác cán bộ: “Người làm công tác cán bộ phải vô tư, phải tự đi tìm cán bộ để bổ nhiệm chứ đừng để cán bộ tìm tới mình. Khi người ta chạy tới nhà các đồng chí đem cái này, cái khác tới biếu để được bổ nhiệm... những cán bộ như thế nếu được bổ nhiệm chỉ có hại cho Đảng, cho chế độ. Tôi xin nói thật là những ai đã làm được việc thì họ không bao giờ chạy chọt, xin xỏ đâu”.
Nhưng ông Thanh cũng không ngại thừa nhận công tác cán bộ tại một số nơi tại Đà Nẵng vẫn còn nhiều bất cập, thiếu công bằng: “Hiện công tác đánh giá cán bộ là khâu khó nhất. Nhưng các đồng chí yên tâm, cố gắng làm tốt sẽ được đề bạt, bổ nhiệm, được thăng tiến, chứ không phải chạy chọt, chung chi là lên chức đâu”.
“Cái được lớn nhất là lòng dân”
Cũng tại buổi nói chuyện với hơn 4.000 cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp xã, phường đến các quận, huyện và sở ban ngành TP Đà Nẵng hôm 24/2/2012, trước những thành tựu mà Đà Nẵng đã đạt được, ông Thanh nói: “Cái được lớn nhất của Đà Nẵng trong thời gian qua là được lòng dân”.
Lý giải cho những thành quả đáng tự hào đã đạt được của thành phố Đà Nẵng ông Thanh cho biết: “Đà Nẵng đã tạo nên cái được lớn nhất là được lòng dân, tạo sự đồng thuận trong Đảng và trong nhân dân. Tất cả những việc đó dần dần qua năm tháng đã tạo nên thương hiệu cho Đà Nẵng. Chúng ta có quyền tự hào về những việc làm được trong 15 năm qua, đã hình thành nên một Đà Nẵng hấp dẫn và lôi cuốn hơn”.
Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhân một chuyến về thăm và làm việc tại Đà Nẵng cũng đánh giá: “...Đà Nẵng với những thay đổi rất đáng khâm phục. Những con đường mới khang trang, những cây cầu mới hiện đại, tiêu biểu cho một sức sống mãnh liệt của người dân Đà Nẵng. Đà Nẵng ngày càng văn minh, giàu đẹp”…
"Phải biến Đà Nẵng thành đô thị đáng sống chứ không phải là thành phố chán sống trong tương lai”
Đây là tuyên bố của Bí thư Nguyễn Bá Thanh với báo chí trong bối cảnh dư luận xôn xao bàn tán xung quanh việc chính quyền Đà Nẵng “cấm cửa” dân nhập cư.
Giải thích lý do Đà Nẵng ra Nghị quyết 23 liên quan đến Luật cư trú trên địa bàn TP. Đà Nẵng, ông Thanh nói: “Tôi khẳng định chính quyền Đà Nẵng không có chuyện “cấm cửa” dân nhập cư. Nghị quyết trên xuất phát từ tình hình một bộ phận lớn dân nhập cư không có nhà cửa, không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự ồ ạt đổ về các quận nội thành, nơi có mật độ dân số đô thị thuộc loại cao nhất cả nước hiện nay, làm sức chịu đựng của hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục bị quá tải; tội phạm diễn biến hết sức phức tạp, gần 50% các vụ phạm pháp hình sự thời gian qua không phải là dân địa phương. Trước những bức xúc đó, HĐND TP mới có một nghị quyết như vậy”.
Trong thời gian làm việc tại TP. Đà Nẵng, ông Thanh đã từng thẳng thừng từ chối tiếp nhận dự án hàng tỷ USD bởi những lo ngại ảnh hưởng về môi trường. Hành động này được coi là thông điệp khẳng định rằng lãnh đạo thành phố đang và sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố có môi trường xanh, sạch, đẹp, đưa Đà Nẵng trở thành thành phố “đáng sống” với sự phát triển bền vững về môi trường.
"Ai thiết tha đến Đà Nẵng thì cứ ở ngoại thành"
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng 31/10/2012, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã phản ứng đối với những ý kiến trái chiều về sự “siết” người nhập cư vào nội đô Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng, vấn đề nhập cư, nhân dân có quyền tự do cư trú theo Hiến pháp là đúng nhưng phải còn có quyền tự do học hành, đi lại, khám chữa bệnh phải được đảm bảo. Việc tập trung quá nhiều người dân không có việc làm ổn định tại nội đô sẽ gây mất an ninh trật tự, tạo áp lực lớn lên hạ tầng…
“Không thể để mấy hộ gia đình ở trong 24m2. Đà Nẵng chỉ hạn chế nhập cư vào nội thành chứ có hạn chế vào cả thành phố đâu. Người dân nào thiết tha đến với Đà Nẵng thì cứ ở ngoại thành. Luật chưa phù hợp thì sửa chứ cứ soi vào nghị quyết HĐND TP Đà Nẵng vậy”, ông Thanh nói.
“Sung sướng mà không học nổi thì quá kém!”
Trong buổi nói chuyện với 176 thiếu niên chậm tiến trên địa bàn TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh nói: “Ở đời không ai không có sai lầm. Không phải dũng khí là vung nắm đấm hay vác dao ra xử".
Ông liên tưởng đến việc sau này: “Rồi các em sẽ thành cha, mẹ. Có con cái lớn lên ra đường bị bạn bè dè bỉu: Hui, cha mi là thằng cha ở tù. Nhục lắm. Hối hận thì đã muộn rồi”… Ông Thanh so sánh việc học của các thời với nhau để thấy được những cái được và chưa được của học sinh bây giờ: “Hồi chú đi học phải nhịn ăn, viết bút bằng tre cũng ráng. Giờ các cháu được sung sướng mà không học nổi thì quá kém!”.
Kết thúc buổi nói chuyện, ông Thanh nói: “Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều trường học nhất. Ở đó, các cháu có bạn bè, thầy cô và một tương lai sán lạn. Nếu các cháu không chọn trường học, không còn cách nào khác là chú phải cho mở rộng Trại giam Hòa Sơn ra 5 ha nữa để đón các cháu. Các chú chỉ muốn khuyên các cháu chứ nếu phải bỏ tù các cháu, chú đau lắm".
Theo Giáo dục Việt Nam