Mới đây, bộ Tư pháp đưa ra dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, trong đó hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng - 1.000.000 đồng.
Ngay sau khi dự thảo đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ để nâng cao tính chất răn đe, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý cũng nhận định, để bắt quả tang "ngoại tình" và xử phạt là điều rất khó thực hiện.
Sẽ có chế tài phạt "tội ngoại tình"
Nội dung của Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp đang được bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến (Dự thảo Nghị định gồm 8 Chương, 74 Điều, bao gồm các nội dung: Hôn nhân gia đình; phá sản doanh nghiệp; hành chính tư pháp; bổ trợ tư pháp và thi hành án dân sự).
Người vợ hoặc chồng nếu phát hiện có hành vi ngoại tình sẽ bị phạt hành chính từ 200.000đ đến 1.000.000đ
Theo Ban soạn thảo, hình phạt chính vẫn giữ nguyên như hiện hành (phạt cảnh cáo và phạt tiền), tuy nhiên, mức phạt tiền đối với các hành vi được quy định trong Nghị định đều được đề nghị theo hướng tăng mức xử phạt với tỷ lệ là từ 2 đến 10 lần tuỳ theo từng hành vi vi phạm cụ thể.
Theo đó, hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng (Điều 46) sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng (mức phạt cũ từ 100 nghìn đến 500 nghìn đồng) đối với một trong các hành vi sau: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng... Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung là buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật đối với những trường hợp vi phạm.
Theo ông Dương Đăng Huệ - vụ trưởng vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) thì các hành vi vi phạm nghĩa vụ trong quan hệ hôn nhân gia đình (HNGĐ) có thể bị xử lý về hành chính hoặc hình sự. Tuy nhiên, việc áp dụng chế tài trong Luật HNGĐ lại chưa được luật quy định cụ thể. Đơn cử, Luật HNGĐ quy định "vợ chồng có nghĩa vụ chung thủy, thương yêu... nhau" nhưng khi một bên vợ/chồng vi phạm nghĩa vụ này (như ngoại tình, ngược đãi, hành hạ...) luật lại không quy định chế tài xử lý.
Theo đó, nếu người vợ hoặc chồng có kết hôn (tức đăng ký kết hôn, tổ chức đám cưới, làm lễ kết hôn ở nhà thờ...) hoặc chung sống như vợ chồng với người khác (tức có quan hệ sinh lý, dùng chung thu nhập, ăn ở chung...) là đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
Tuy nhiên, để xử lý về hình sự đối với hành vi này luật quy định phải gây hậu quả nghiêm trọng như: Có con chung; người phụ nữ có hành vi tranh cướp chồng; người chồng đánh đập, ngược đãi vợ con mình; lấy tài sản chung của gia đình để mua sắm, chu cấp cho "bên kia"; nghe theo lời "vợ nhỏ" gây chia rẽ hạnh phúc, về thúc ép xin ly hôn... hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn tái phạm.
Như vậy, đối với các hành vi "đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ, chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng" sẽ bị xử phạt theo quy định của dự thảo.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến chia sẻ, việc ngoại tình nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Khó để"bắt quả tang" ngoại tình
Như trường hợp của chị Lê Thị G. (trú Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên: Gần đây, chồng chị có quan hệ "mật thiết" với một cô gái là bạn làm ăn. Hai người thường xuyên đi công tác với nhau nên chuyện "ăn chả, ăn nem" là điều khó tránh. Nhiều lần chị bỏ tiền thuê người theo dõi và phát hiện chồng chị ngủ lại ở nhà cô bạn cùng làm ăn.
Sau đó chị G. đã tìm đến tận nơi, nhờ công an và hội phụ nữ địa phương xử lý. Khi cơ quan chức năng gõ cửa nhà thì chỉ bắt gặp anh C. đang ở nhà chị này chứ không bắt được quả tang hai người đang "chăn gối". Thế nên công an phường chỉ có thể phạt hành chính anh C. về hành vi... không đăng ký tạm trú chứ không thể xử lý theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) chia sẻ: Pháp luật đã quy định khá rõ những trường hợp nào sẽ bị truy cứu về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Việc người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính chưa gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị phạt hành chính từ 200.000 đồng - 1.000.000 đồng theo dự thảo mới của bộ Tư pháp.
Như trường hợp của anh C. nếu có đủ bằng chứng ngoại tình sẽ bị phạt hành chính theo mức phạt trong dự thảo này. Tuy nhiên trên thực tế, những vụ "ông ăn chả, bà ăn nem" để bắt quả tang và xử phạt hành chính thì quả là việc không dễ dàng.
Luật sư Thái cũng cho biết, nhiều người vợ hoặc chồng biết sự phản bội của bạn đời song lại không có bằng chứng cụ thể hoặc không bắt được quả tang việc "ăn vụng" nên cơ quan có thẩm quyền rất khó can thiệp. Nhiều người vì bức xúc trước việc bị phản bội của bạn đời nhưng cũng không dám tố cáo với nhà chức trách vì muốn giữ thể diện trong gia đình. Phần đông họ cần sự trợ giúp của người thân trong gia đình để vạch tội ngoại tình và xử lý nội bộ chứ không cần đến chế tài xử lý của pháp luật.
Theo các chuyên gia pháp lý, tội danh "vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng" thuộc nhóm tội ít nghiêm trọng. Dấu hiệu điển hình là ngoại tình "chung sống với nhau như vợ chồng". Tuy nhiên để đánh giá thế nào là "như vợ chồng" lại rất khó. Trên thực tế, người ngoại tình có thể chỉ sống với nhau vài ngày, vài tháng, hoặc họ không có tài sản chung nên khó xác định hành vi để áp dụng chế tài xử phạt.
Quy định của pháp luật nêu rõ, vi phạm chế độ một vợ một chồng là việc một người đã có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, hoặc người chưa có vợ có chồng mà lại cố tình chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đã có vợ có chồng. Việc chung sống này có thể công khai hoặc không công khai, nhưng phải thể hiện ở các dấu hiệu như: Thời gian chung sống với nhau tương đối dài; có tài sản chung; đã có con chung với nhau; được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng...
Nhiều ý kiến cũng thẳng thắn bày tỏ, ngoại tình là một trong những cách sống suy đồi đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục. Chính vì vậy việc pháp luật và các cơ quan chức năng tham gia và có chế tài xử phạt là hết sức cần thiết. Quan hệ hôn nhân chỉ thật sự bền vững khi cái nền văn hóa, đạo đức trong mỗi con người được củng cố. Người vợ hoặc người chồng có thể nhờ đến pháp luật khi phát hiện bạn đời của mình ngoại tình mà không thể tự giải quyết được.
Ở một góc nhìn khác, việc tăng mức phạt sẽ giúp những người đang có quan hệ bất chính hiểu được sự nguy hại của việc ngoại tình và biết điểm dừng để tự bảo vệ hạnh phúc gia đình.
"Vụng trộm" dễ bị đột tử Bác sỹ Nguyễn Xuân Hướng - nguyên Chủ tịch hội Đông y Việt Nam giải thích, hiện tượng "thượng mã phong" thường xảy ra ở những cặp "vụng trộm" là do một phần tâm lý căng thẳng, lại "cố gắng" dẫn tới quá sức. Việc "vụng trộm" thường xảy ra trong lúc cao trào khiến tim phải hoạt động mạnh, thần kinh phải kích thích, vỏ não hưng phấn quá độ. Lúc đó, cơ thể sẽ tìm cách hãm lại bằng cách gây ra ức chế. Nhưng nếu sự ức chế đó quá mạnh, lan toả ra, nó sẽ làm dừng lại toàn bộ hoạt động của cơ thể, trong đó có tim, dẫn tới người đàn ông bị bất tỉnh. Do đó, người đàn ông mắc một số bệnh lý như cao huyết áp, bệnh tim... dễ đột tử lúc chăn gối. |
Nhật Tân