“Gương kia ngự ở trên tường
Thế gian ai đẹp được dường như ta”
Tự cổ chí kim ai cũng mong mình có được vẻ “đẹp” hơn người, thậm chí còn có mong muốn đi ngược lại quy luật của tạo hóa “trẻ mãi không già”.
Bởi vậy nên Xuân Diệu mới vội vàng, vồ vập hưởng thụ hết cái đẹp, cái thơ của chốn đời hữu hạn giữa lúc tuổi thanh xuân đang tràn trề nhựa sống.
Cuộc sống không ngừng chuyển động, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, tới mức con người gần như có thể đạt được mọi nguyện vọng của bản thân mà trước đó tưởng chừng như không thể. Xã hội phát triển, con người càng trở nên tham lam, càng cảm thấy không bằng lòng với những gì mình có. Họ tìm mọi cách để xóa đi dấu vết của những gì “không hoàn hảo” trên cơ thể của mình. Những vết tràm loang trên mặt nhanh chóng bị đánh bay chỉ trong tích tắc, đôi chân ngắn chỉ mất vài tuần để được kéo dài hơn 10cm.
Thay cho đôi mắt “ti hí” đầy tự ti là đôi mắt 2 mí, to tròn, đen láy. Những đôi lông mày trở nên thon, dài và đậm, những đôi môi trái tim đầy quyến rũ, gọi mời. Những “bức tường” lép xẹp nay trở nên đầy đặn, nở nang nhờ những túi silicon bé nhỏ. Dù thuộc chủng mongoloid nhưng nếu muốn, ta vẫn có thể sở hữu những chiếc mũi dọc dừa đầy kiêu sa, những cặp mi cong vút…Thậm chí, người ta còn có thể hô biến một làn da nâu thành trắng như tuyết trước sự ngỡ ngàng của vạn người.
Nếu trước đây, quan niệm thẩm mỹ của người xưa là “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”, là một bờ vai đầy đặn, là những hàm răng đen óng hạt huyền…thì bây giờ người con gái xinh đẹp cần phải có: làn da trắng, khuôn mặt V-line, vòng eo keo kiến và bờ vai mảnh mai... Người ta sẵn sàng chịu đau đớn về thể xác, tốn kém về kinh tế, miễn là phải “đẹp”!
Có thể nói, đây là một thời đại mà vẻ đẹp của dao kéo đang lên ngôi, rồi dần dần, chúng ta sẽ thấy ai cũng giống ai, chẳng người nào có nét riêng khác biệt bởi ai ai cũng sở hữu cái “đẹp” mà họ mong muốn với làn da trắng mịn không tì vết; đôi chân dài miên man cùng vòng eo không mỡ bụng… Lúc đó, thế giới của chúng ta sẽ ra sao?
Hướng đến cái đẹp là điều chính đáng nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là: “Có phải ca phẫu thuật thẩm mỹ nào cũng thành công?”, “Sau phẫu thuật, ai cũng sẽ được đẹp như mình mong muốn?”. Và câu trả lời nhận lại rõ ràng là: “Không”. Thực vậy, bất cứ điều gì cũng mang tính 2 mặt, chấp nhận làm đẹp cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận tỉ lệ rủi ro (dù điều đó là rất thấp). Bên cạnh những cô gái “lột xác thần kỳ” nhờ phẫu thuật thẩm mỹ cũng có không ít những người phải hứng chịu hậu quả nặng nề khi chạy theo cuộc đua sắc đẹp: nhẹ thì ngoại hình biến dạng, nặng thì tử vong. Nhưng dường như những câu chuyện bi kịch đầy rẫy trên báo chí không ảnh hưởng gì đến mong muốn được bước chân vào thiên đường dao kéo của phụ nữ hiện đại.
Để đáp ứng nhu cầu làm đẹp ấy, các thẩm mỹ viện mọc lên như nấm với đủ các hình thức quảng cáo, PR. Sức cạnh tranh lớn là vậy nhưng vẫn có không ít những vị bác sĩ “thiếu tài, kém đức” đang hành nghề. Thậm chí, có kẻ đã phi tang xác bệnh nhân để xóa dấu vết. Tất cả, đều quy ra một chữ “tiền”. Vì tiền mà họ hành nghề, cũng vì tiền mà họ sẵn sàng đánh đổi lương tâm cũng như đạo đức nghề nghiệp của mình. Người ta tìm đến các thẩm mỹ viện với mong muốn nhờ vào tài “hô biến” cùng những đôi bàn tay vàng của các bác sĩ, họ sẽ trở nên xinh đẹp muôn phần.
Vốn dĩ, những gì tự nhiên, chân phương và giản dị nhất mới là thứ trường tồn cùng thời gian. Và dù phải trả giá rất nhiều cho cuộc chạy đua không hồi kết nhưng cuối cùng, chiếc vương miện mang tên sắc đẹp “nhân tạo” cũng sẽ nhanh chóng bị bánh xe thời gian khỏa lấp. Không còn là viễn cảnh xa xôi: những vòng ngực, vòng mông đầy đặn, nở nang dần bị thay thế bởi những đường cong gồ ghề, sụt lún…
Liệu rằng, cuộc chạy đua sắc đẹp ấy sẽ tồn tại đến khi nào? Sẽ còn bao nhiêu “nữ hoàng sắc đẹp” được tôn vinh rồi bị “thất sủng” trong chốc lát từ cuộc đua đầy “máu” và “nước mắt” ấy?
Phan Hồng Thúy
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả