“Của rẻ là của ôi”
Thời gian gần đây, các thẩm mỹ viện với những dịch vụ làm đẹp như: Nâng mũi, độn cằm, cắt mí, làm môi, phun hồng nhũ hoa... mọc lên như nấm. Thông qua các phương tiện truyền thông, họ tung ra những lời quảng cáo như “rót mật” vào tai đã câu kéo không ít chị em đổ xô đi làm đẹp. Tuy nhiên, vì thiếu hiểu biết, ham rẻ nên họ sẵn sàng “trao mình” cho những “bác sĩ” không chuyên. Để đến khi “vịt không thể biến thành thiên nga” thì họ mới... vỡ mộng.
Mới đây nhất chính là sự việc chị L.A. đến spa K.T. tại quận Hoàng Mai, Hà Nội để cắt mí và bóc bọng mắt. Sau một ngày đi làm về chị L.A. thấy mắt chảy máu, hai bên thâm đen kèm theo là triệu chứng đau rát. Ngay sau đó, chị L.A. đã đăng tải hình ảnh và thông tin lên mạng xã hội để “tố” spa K.T. (thực chất là một quán cắt tóc gội đầu). Theo hình ảnh chị L.A. chia sẻ thì đôi mắt chị đỏ au, sưng vù với vết khâu nham nhở.
Ngay sau sự việc chị L.A. “sống dở chết dở” vì cắt mí tại một quán cắt tóc thì dư luận lại tiếp tục ngỡ ngàng trước việc một người phụ nữ đi xăm lông mày nhưng bị hỏng. Với hy vọng chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn, chị Th.V. đã có thể “cải thiện” được bộ lông mày lưa thưa của mình. Nhưng sau khi nhân viên của spa làm xong, chị soi gương và giật mình, bởi lông mày của chị quá xấu, không thẩm mỹ chút nào.
Trò chuyện với PV, chị Th.V. ngậm ngùi: “Thấy bạn bè từng làm mày rất đẹp, vì thế, tôi đã tìm đến một quán làm nail gần nhà, quán này cũng xăm lông mày, xăm môi, hơn nữa giá cả hợp lý. Tôi tin tưởng giao cho họ làm, ai ngờ khi làm xong đến tôi cũng còn cảm thấy kinh hoàng. Đăng lên Facebook bạn bè ai cũng chửi tôi vì tham đồ rẻ, bất chấp để được đẹp. Giờ tôi không dám ra đường để gặp bất kỳ ai”.
Không chỉ có 2 người phụ nữ trên, mà còn rất nhiều cô gái vì ham rẻ nên tìm đến những spa để làm đẹp. Khi “tiền mất tật mang” họ vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì không ai có thể cứu vãn được sắc đẹp của mình hơn nữa.
Cũng từng là nạn nhân của việc phẫu thuật thẩm mỹ giá rẻ, chị P.T.T. cảm thấy hối hận vô cùng: “Tôi luôn tự ti vì gương mặt đầy tàn nhang của mình, vì thế trong một lần phàn nàn tôi được bạn giới thiệu một cơ sở làm đẹp “giá rẻ mà lại chất lượng”. Tin theo lời bạn, tôi quyết định đến đó để trị tàn nhang, lần một đi làm về thì thấy hiệu quả, nhưng mới được 2 tuần là tàn nhang ngày càng nhiều hơn.
Tôi có thắc mắc thì chủ cửa hàng khi đó nói để họ làm lại, nhưng đến lần thứ 3 thì tôi hoàn toàn thất vọng vì tàn nhang chẳng khỏi mà tôi còn cảm thấy gương mặt mình sưng phù lên. Giờ đây, khi chia sẻ sự việc đau lòng này, tôi muốn cảnh báo đến các cô gái đừng chỉ ham rẻ mà để cơ thể mình cho những người không có tay nghề, kẻo có ngày “tiền mất tật mang”.
Nguy hiểm tính mạng
Trước những hình ảnh này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi nhanh với bác sĩ Vũ Quang - bác sĩ tư vấn thẩm mỹ tại trung tâm Thẩm mỹ QC của Hàn Quốc tại bệnh viện An Việt. Bác sĩ Quang kể rằng chính anh đã chứng kiến nhiều ca cắt mí tại spa gặp các biến chứng nhiễm trùng, sẹo xấu, không nhắm được mí.
“Tôi nhớ nhất chính là trường hợp của một sinh viên tên P., mới tốt nghiệp đang giai đoạn xin việc, cô là một sinh viên có năng lực và tấm bằng tốt nhưng đi đến đâu xin việc người ta cũng yêu cầu phải có ngoại hình tốt. Trong khi đó P. mắt một mí và hơi sụp mí nên có gương mặt buồn và không sáng. P. đã nghe theo một người bạn đến cơ sở spa chăm sóc da mặt thông thường gần đó để làm thủ thuật cắt mí với giá rất rẻ chỉ 2.500.000 đồng.
P. đã được một “bác sĩ” không có bằng cấp đào tạo và kinh nghiệm làm thủ thuật. Kết quả P. đã bị nhiễm trùng vết mổ một bên mí mắt, để lại sẹo rất xấu và chút xíu đã nguy hiểm tính mạng do cơ sở không đảm bảo vô trùng và nhiều nguyên nhân khác”, bác sĩ Quang kể.
Câu chuyện về cô gái tên P. mà bác sĩ Quang chia sẻ cũng là minh chứng và cảnh báo cho những cô gái vì ham rẻ mà bất chấp làm phẫu thuật thẩm mỹ. Bác sĩ Quang cho rằng, mỗi người hãy là một khách hàng thông minh. Phái đẹp hãy thay đổi ngay quan điểm lựa chọn nơi nào làm rẻ nhất, tức bạn phải hiểu không được tham rẻ.
Bạn phải đặt lựa chọn cơ sở uy tín và khang trang sạch sẽ lên hàng đầu cùng đội ngũ chuyên môn bác sĩ được đào tạo bài bản. Còn nếu xác định chưa có điều kiện bạn hãy từ từ sắp xếp thời gian, bởi làm đẹp không phải là “căn bệnh cấp cứu” mà vội vàng để rồi rước họa vào thân. Để an toàn nhất bạn có thể lựa chọn các trung tâm thẩm mỹ, khoa thẩm mỹ tại các bệnh viện lớn.
Trao đổi thêm với PV về việc cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ làm hỏng cho khách hàng sẽ có thể bị xử lý như thế nào, luật sư Bùi Hoài Thanh (Hội Luật gia Việt Nam) cho biết: “Nếu cơ sở thực hiện dịch vụ thẩm mỹ không đảm bảo điều kiện của Điều 37, Nghị định 109/2016/NĐ-CP thì dù có hoặc không gây thiệt hại cho khách hàng, cơ sở đó vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt có thể lên tới 70.000.000 VNĐ tùy theo các lỗi vi phạm cụ thể.
Trong trường hợp gây thiệt hại cho khách hàng (tức làm hỏng- PV), thì cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có thể phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng nếu xác định được hành vi gây thiệt hại là do vi phạm các quy định về chuyên môn kỹ thuật hoặc có lỗi.
Bên cạnh đó, khách hàng (người bị thiệt hại) có thể yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ bồi thường về sức khỏe của mình theo quy định tại các Điều 584 và 585 của Bộ luật Dân sự 2015 theo nguyên tắc: Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.
Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần. Trường hợp không thỏa thuận được về mức bồi thường, phương thức bồi thường, các bên có thể yêu cầu Tòa án thụ lý và giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Mai Thu - Thanh Lam