Chiều 14/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác Chính phủ đã trực tiếp về tại Hà Tĩnh – nơi được dự đoán là tâm Bão số 10 để chỉ đạo các công tác phòng, chống.
Phó Thủ tướng cùng đoàn đã đến kiểm tra thực tế tiến độ thi công tuyến đê Kỳ Ninh, thuộc xã Kỳ Ninh, TX.Kỳ Anh, đây là tuyến đê có vị trí xung yếu, phía trong đê có nhiều hộ dân sinh sống và nhiều diện tích đang nuôi trồng thủy sản.
Tiếp đến, đoàn đã kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền, giằng, chống nhà cửa tại xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Tại đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, từ giờ đến tối, chính quyền địa phương phải phối hợp cùng người dân tập trung sơ tán một cách quyết liệt; không chỉ ở vùng biển mà những khu vực miền núi dễ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở cũng cần phải khẩn trương sơ tán. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo, phải tập trung giằng chống nhà cửa, trường học và các công trình; đảm bảo vận hành tốt hệ thống điện để hạn chế thấp nhất sự cố mất điện trong bão; đảm bảo ATGT, các tàu thuyền phải nhanh chóng về điểm trú, tránh an toàn…
Ngoài ra, Phó Thủ tướng còn chỉ đạo, Hà Tĩnh phải chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, chủ động thiết bị phương tiện, nhân lực để khắc phục các hậu quả sau bão.
“Không được chủ quan, lúc nào cũng chủ động sẽ giảm thiểu được tính mạng, tài sản và các công trình trọng điểm. Cần di dời ngay các hộ dân ở trong vùng nguy hiểm. Việc quan trọng nhất là phải đảm bảo tính mạng cho người dân. Cơn bão qua nhanh nhưng hậu quả của nó để lại rất nặng nề. Khi cơn bão đi qua, Hà Tĩnh cần tập trung xử lý các hậu quả về con người, hạ tầng, vệ sinh môi trường, hỗ trợ người dân về thực phẩm, thuốc men. Các cơ quan báo chí phải cập nhật thường xuyên, đưa tin về tình hình mưa bão để người dân nắm bắt được, chủ động công tác phòng, tránh”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường cho biết, dự báo Bão số 10 là cơn bão rất mạnh, với cấp độ trùng vào lúc triều cường cao nhất trong năm nên nếu không di dời dân sẽ để lại hậu quả rất khó lường. Trọng tâm là từ giờ đến chiều tối, Hà Tĩnh phải di dời 1.117 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm; tập trung gia cố các tuyến đê ven biển. “Hà Tĩnh phải tập trung chú ý 3 hồ, đập: Hồ Kẻ Gỗ, đập Ngàn Trươi - Cẩm Trang, thủy điện Hố Hô. Kiên quyết xả đúng quy trình, tránh xảy ra tình trạng như năm ngoái”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Trước đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phát lệnh sơ tán 10.928 hộ/47.400 người dân thuộc 8 huyện trong toàn tỉnh trước khi Bão số 10 đổ bộ vào đất liền. Cụ thể: Huyện Kỳ Anh sẽ sơ tán 3.126 người; Cẩm Xuyên 3.383 người; Lộc Hà 10.700 người; Nghi Xuân 10.986 người; Thạch Hà 3.778 người; TP.Hà Tĩnh 704 người; khu kinh tế Vũng Áng 11.810 người và TX.Kỳ Anh 2.913 người.
Được biết, Bão số 10 là cơn bão mạnh nhất kể từ năm 1990 trở lại nay, sẽ trực tiếp đổ bộ vào Hà Tĩnh.