Tại các chợ, thuyền chở dưa đổ lên chất thành đống như núi. Nổi tiếng nhất là dưa Trảng Bàng, Trà Vinh... Người ta dán lên lớp vỏ xanh mượt của mỗi quả một miếng giây hồng điều cắt thành hình bông hoa xinh xắn, và đặt nó ngồi chễm chệ giữa mấy nải chuối chín vàng tươi xếp vây tròn quanh một chiếc đĩa bằng sứ màu trắng.
(Ảnh minh họa)
Cạnh hai trái dưa, bắt buộc phải có hai bánh đường phổi. Đường phổi không phải là đường mà là một thứ quả ngọt chế tạo bằng đường cát và lòng trắng trứng gà. Có nhà bầy mâm ngũ quả, mà nhiều khi số trái cây lại vượt quá con số năm. Người ta chú ý đến bốn thứ trái cây: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, mà theo cách phát âm miền Nam hiểu là "cầu vừa đủ xài".
Ở miền Nam, bốn món cúng và là bốn món ăn ngày tết, món thứ nhất là thịt hầm. Bắt buộc phải là thịt bắp đùi, hầm cho nhừ. Món này chỉ để ăn chơi chớ không ăn với cơm. Món thứ nhì là thịt kho hột vịt, phải là thịt ba rọi và bắt buộc phải lớn miếng phải to, và bắt buộc phải đổ vào nồi thịt kho ấy ít lắm cũng một trái dừa xiêm, để cho món thịt kho ấy lạt đi. Món thứ ba là khổ qua nạp ruột dồn thịt heo bầm nát vào đó rồi cũng hầm y như hầm món thịt nói trên. Món thứ tư thật ra là hai món nhưng chỉ để ăn chơi nên xem như một, đó là nem và bì.
Rau chỉ có một thứ độc nhất và cũng bắt buộc, ấy là món dưa giá tức là giá sống ngâm trong nước có ít muối. Ăn bất kỳ món nào trong bốn món kể trên cũng bắt buộc ăn với dưa giá. Những món trên đây chỉ cúng và ăn tới chiều mồng hai thì thôi, sang ngày mồng ba phải cúng và ăn món khác như gà, cá.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng (Báo Nông Nghiệp)