“Người dân nói với chúng tôi rằng toàn bộ câu chuyện ở Douma là dàn dựng”, Uli Gack, phóng viên đài truyền hình ZDF của Đức cho hay từ hiện trường Damascus.
Gack đã tới Syria và thăm một trong số những trại tị nạn ở gần Damascus, nơi “khoảng 20.000 người từ Đông Ghouta và đặc biệt là từ Douma” đang sinh sống.
Hiện trường vụ tấn công, được cho là xảy ra vào ngày 7/4, thực tế là một “đồn chỉ huy” của nhóm thánh chiến Hồi giáo địa phương, phóng viên này cho biết, dẫn lời các nhân chứng ông gặp gỡ tại trại tị nạn nêu trên.
Phóng viên người Đức cũng cho hay, các chiến binh phiến quân đã mang theo những thùng đựng chất độc chlorine tới khu vực này và “chờ không quân Syria đánh bom ở đó” và sau đó cáo buộc quân Chính phủ thực hiện tấn công hóa học.
Trên thực tế, mọi thứ đã diễn ra theo đúng kịch bản. Khi không quân Syria tấn công mục tiêu quân sự quan trọng này, các thùng đựng chlorine đã phát nổ.
Người dân địa phương cũng nói với phóng viên Gack rằng đây không phải lần đầu tiên tại Douma các chiến binh thánh chiến tiến hành dàn dựng một vụ việc như vậy.
Theo nhân chứng, các tay súng cố ý sử dụng chất độc hóa học với người dân trong quá trình mà họ gọi là “diễn tập” và quay phim lại, sau đó gọi đó là “bằng chứng” của vụ tấn công hóa học ở Douma.
Dù phóng viên người Đức khẳng định không thể xác nhận được thông tin từ phía người dân song ông cho rằng chúng đều “thuyết phục” và đáng nhận được sự quan tâm.
Trước đó, quân đội Nga cho hay họ đã phát hiện một phòng nghiên cứu hóa chất do các tay súng nổi dậy điều hành ở trung tâm Douma, có khả năng sản xuất vũ khí hóa học.
Đặc biệt, họ đã tìm thấy một thùng chứa đầy chlorine giống như thứ đã xuất hiện trong đoạn video được cho là vụ tấn công hóa học ở Douma mà các tay súng gọi là “quả bom hóa học được thả xuống từ trực thăng”.
Cuộc tấn công được cho là diễn ra vào ngày 7/4. Một tuần sau đó, Washington và đồng minh tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn bằng tên lửa nhằm vào Syria mà không chờ Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) tiến hành điều tra.
Nga chỉ trích các cuộc không kích do Mỹ tiến hành, gọi đó là hành vi “du côn” trong quan hệ quốc tế và “xâm hại chủ quyền quốc gia”.
Trong lúc đó, truyền thông phương Tây tiến hành một loạt các chiến dịch cáo buộc Moscow và Damascus “cản đường” các điều tra viên của OPCW tiếp cận hiện trường vụ tấn công. Tuy nhiên, phóng viên Gack cho rằng việc OPCW trì hoãn điều tra là do vấn đề an ninh.
Phóng viên người Đức cũng chỉ ra một số nhóm thánh chiến cực đoan có khả năng vẫn đang hoạt động và tấn công một số khu vực vừa được giải phóng.
Những thông tin mà Gack cung cấp ngay lập tức bị các đồng nghiệp người Đức đánh giá là “chiến dịch tuyên truyền”.
Tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov nói vẫn còn những chiến binh ở Douma, những kẻ chuyên “khủng bố hóa người dân và cản trở công việc của các đại diện từ cộng đồng quốc tế - Liên Hợp Quốc và OPCW”.
Hôm 21/4, OPCW đã xác nhận rằng nhóm điều tra của tổ chức này đã tới khu vực nghi là đã diễn ra vụ tấn công hóa học và đã thu thập các mẫu điều tra để phân tích.
Xem thêm: Syria: Mỹ sẽ trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào để bảo vệ phiến quân SDF ở Manbij