Thiếu nơi yên tĩnh, cha mẹ cho con ra quán học
Đó là câu chuyện của gia đình chị Nguyễn Thị P. ở Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Con gái chị P. chuẩn bị bước vào lớp 9 nên gia đình khá lo lắng về chuyện học hành của con. Bình thường, anh chị vẫn thuê gia sư về nhà cho cháu học tất cả các môn chủ đạo. Được kèm cặp chu đáo nên cháu học cũng vào loại khá. Thời gian đầu nghỉ hè, trong khi các bạn bè khác được gia đình cho đi du lịch thì con chị P. lại chuẩn bị gấp rút vào một "kỳ học hè" với các gia sư. Không ngờ, khi thầy trò đã sẵn sàng thì nhà sát bên cạnh lại làm nhà mới. Suốt ngày tiếng máy trộn, tiếng ồn ào của công trình xây dựng khiến cháu không thể học được. Vợ chồng chị đang loay hoay không biết tính sao thì chính cháu gợi ý: "Ba mẹ cho con ra quán cà phê M.T. gần nhà mình, quán đó vắng khách lắm, yên tĩnh, con có thể tập trung học được. Các bạn con cũng nhiều người ra quán học gia sư lắm. Bố mẹ yên tâm".
Tìm được gia sư tốt và hiệu quả đã đành, nhiều gia đình cũng không thể hoàn toàn yên tâm giao việc giáo dục con cái cho gia sư. Ảnh minh họa
Nói là yên tâm nhưng anh chị P. cũng phải đi "tiền trạm", đến nơi thấy quán quả nhiên vắng khách và yên tĩnh thật. Là quán cà phê vườn, được bày trí khá tao nhã, lại thoáng khí, thấy thế anh chị mới yên tâm cho con cùng gia sư ra đó học. Mỗi buổi về, thấy con vui vẻ, nói chuyện học hành nhiều, anh chị cũng thấy mừng. Tuy nhiên, được chừng hơn 1 tháng, khi lớp học phụ đạo của cô chủ nhiệm mở trở lại, cầm kết quả kiểm tra khảo sát của cháu, anh chị mới giật mình vì quá kém. "Nếu mình dạy được con học thì cũng chẳng phải thuê gia sư làm gì. Họ dạy gì thì mình biết nấy thôi. Cha mẹ chỉ biết bỏ tiền ra cho con học, cũng chẳng có thời gian để kiểm soát", chị P. than thở. Để điều tra xem nguyên nhân tại sao gần 2 tháng, con mình lại học sút đến như vậy, anh chị mới bỏ ra mấy ngày để "theo dõi" con và gia sư học. Không mất nhiều thời gian, anh chị cũng biết được lý do. Hoá ra, ra ngoài quán, yên tĩnh thì yên tĩnh thật nhưng không có ba mẹ, người nhà thỉnh thoảng đi ra đi vào, "vô tình ngó" nên cả thầy lẫn trò đều chểnh mảng.
Thay vì mang giáo án đến dạy, gia sư mang máy tính đến quán online, cả thầy lẫn trò đều háo hức xem hết trang web này tới trang khác. Gia sư khác lại mang đàn guita đến, thay vì học văn hoá thì lại dạy con chị học đàn, chém gió, buôn chuyện bạn bè, trường lớp đến chuyện yêu đương,… cho đến hết giờ học thì về. Tiền cà phê, trà nước anh chị vẫn phải tự trả. Sau đó, mặc dù con gái hứa lên hứa xuống sẽ không tái diễn, anh chị vẫn quyết định "stop" chuyện học gia sư nơi quán sá.
Không phải tất cả các trường hợp thầy và trò đều chểnh mảng học tập nhưng kết quả các bậc phụ huynh nhận được đều không như mong đợi. Trường hợp như gia đình chị P. vẫn còn may mắn vì con chị cũng chỉ học hành sa sút một phần trong thời gian ngắn, vẫn có thể khắc phục được vì con anh chị vẫn còn 1 năm nữa mới đến kỳ thi chuyển cấp. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng bỏ qua mọi chuyện như vậy.
Tiền mất, tật thì con mang
Trường hợp khác là của gia đình nhà chị Nguyễn Hồng A. ở Cầu Giấy, Hà Nội. Gia đình chị A. ở trong một khu tập thể cán bộ nhân viên nên khá yên tĩnh. Có tiền, anh chị không tiếc bỏ ra thuê gia sư cho cậu ấm, cô chiêu của mình học hành. Vậy mà sức học của "cậu ấm" vẫn không khá hơn. Biết rõ là do con mình chểnh mảng học hành, thầy dạy thì dạy, trò nghe nhưng cứ tai nọ xọ tai kia, mơ màng những chuyện ở đâu, anh chị nhiều lần nhắc con nhưng không được. Thấy có hôm, "cậu ấm" trực tiếp đề nghị với bố mẹ thay đổi không khí học cho mình, cho ra quán học vì ở nhà "bí quá"? (nhà anh chị đã dành hẳn một phòng 30 mét vuông, hướng ra sân chơi cho con học).
Thấy con đột nhiên thay đổi, muốn học hành tử tế, anh chị gật đầu luôn. Thời gian đầu, hai vợ chồng vẫn bí mật thay nhau "theo dõi" con học. Thấy thầy trò chịu khó học, anh chị cũng yên tâm, không giám sát nữa. Nhưng chỉ được một thời gian không lâu sau, thấy có giấy mời của nhà trường mời phụ huynh lên làm việc vì con trốn học nhiều, anh chị mới té ngửa. Hoá ra, sự nghiêm túc của thầy trò cũng chỉ được mấy hôm đầu. Thay vì học hành tử tế, gia sư lại dạy con chị đánh game, điện tử trên máy tính. Cậu bé ham chơi nhanh chóng "nghiện". Đến giờ học cũng chỉ lo hỏi "thầy" làm sao để lên lever, sao để "nâng cấp chiến binh",… rồi khi đã nghiền, cậu sẵn sàng trốn học để ra quán điện tử chơi.
Không những thế, cậu bé còn học thêm cả những thói xấu như nói tục, nói hỗn với người nhà, bạ đâu là đem ngôn ngữ của game ra để đối đáp với cha mẹ. Thấy con hư, anh chị mới hối hận vì đã chiều chuộng con quá mức. Việc học gia sư chấm dứt, cũng chẳng phải "vừa", chị A. đã có một buổi "dạy dỗ" lại chính gia sư của con mình. Ngoài số tiền trả cho gia sư mà gia đình đã chi, "thầy" còn phải cắn răng trả cả phần tiền trà, nước mà anh chị đã bỏ ra. "Mình biết là các em ấy đi dạy thêm cũng vì tiền, nhưng mà làm việc không có trách nhiệm thì cũng nên phạt. Bây giờ tiền mất đã đành, đau đầu nhất là làm sao để uốn nắn lại con mình như ban đầu. Cháu có ham chơi thì ham chơi thật, nhưng trước đó có bao giờ biết nói tục, nói sẵng đâu", chị A chán nản nói.
"Mốt"…mạo hiểm "Mốt" học gia sư ngoài quán nước, quán cà phê không còn quá hiếm. Khi nhìn thấy các bạn kể với nhau về việc mình được học thêm mà không bị cha mẹ, thầy cô kiểm soát, nhiều cháu cũng về nhà xin được học với đủ mọi lý do có vẻ hợp lý. Cùng tâm lý không ngại tiếc tiền cho con, chỉ cần con tu chí học hành, nhiều phụ huynh đã dễ dàng gật đầu đồng ý. Không ngờ, chính việc quá tin tưởng giao con cái cho gia sư, nhiều bậc phụ huynh đã phải ngậm quả đắng. |
Đỗ Huệ