Mỹ mất nhiều hơn được
Vụ tấn công bằng hàng chục quả tên lửa Tomahawk của Lầu Năm Góc nhằm vào Syria đã được một số người dùng mạng xã hội Twitter Mỹ ca ngợi Tổng thống Donald Trump là “cảnh sát trưởng” vì đã khôi phục lại vị trí của Washington tại khu vực Trung Đông.
Tuy nhiên, theo nhà bình luận người Israel Avigdor Eskin, Nga mới chính là kẻ thắng thế vì gần gũi hơn với khu vực và có sự hiểu biết sâu sắc hơn về tình hình Trung Đông.
Theo Eskin, trong khi cả thế giới đang chú ý tới vụ phóng tên lửa “chấn động” của Mỹ tại Syria thì Nga đang âm thầm xúc tiến các hoạt động ngoại giao và điều chỉnh chính sách địa chiến lược hướng về phía Israel, một nhân tố quan trọng ở khu vực.
“Chúng tôi tái khẳng định cam kết của Moscow với Liên Hợp Quốc về một thỏa thuận giữa Palestine và Israel, trong đó có việc coi Đông Jerusalem là Thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai. Đồng thời, trong bối cảnh đó, chúng tôi xem Tây Jerusalem là thủ đô của Israel”, tuyên bố của bộ Ngoại giao Nga về giải quyết xung đột Palestine-Israel hôm 6/4 khẳng định.
Trong nhiều thập kỷ qua, Israel đã nhấn mạnh rằng Jerusalem là thủ đô của mình, trong khi các quốc gia đồng minh và đối tác thì vẫn duy trì các hoạt động ngoại giao tại Tel Aviv.
Hơn nữa, vào năm 1948, Liên Hợp Quốc đề nghị biến Jerusalem thành “thành phố quốc tế” đã khiến nó trở thành một thành phố tự trị tách ra khỏi sự giám sát trực tiếp của bất kỳ quốc gia nào.
Về phần mình, Mỹ, một đồng minh lâu năm của Israel, từ lâu luôn ngần ngại thừa nhận Jerusalem, dù là một phần hay toàn bộ, là thủ đô của Israel, bất chấp những lời kêu gọi từ phía Isreal.
Người ta từng tin rằng, Đạo luật Đại sứ quán Jerusalem của Mỹ năm 1995 đã là dấu hiệu mở cửa cho sự công nhận của Washington với Jerusalem. Đạo luật này dự kiến chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel ở Tel Aviv tới Jerusalem trước ngày 31/5/1999. Tuy nhiên, tới nay nó vẫn chỉ là mực in trên giấy.
“Nhưng trong một động thái đầy bất ngờ, chưa từng có tiền lệ, Moscow hôm thứ Năm tuần trước khẳng định, họ coi Tây Jerusalem là thủ đô của Israel, khiến Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận một phần của thành phố trên”, Raphael Ahren, phóng viên quốc tế của tờ The Times of Isreal, viết.
Trả lời trên tờ Sputnik, nhà phân tích và bình luận chính trị người Israel Avigdor Eskin cho rằng, mối quan hệ giữa Nga và Israel đang đạt đỉnh điểm trong khoảng thời gian này.
“Bất chấp những xung đột quanh vụ Mỹ tấn công tên lửa Syria, hợp tác giữa Nga và Israel vẫn diễn ra hoàn hảo cho cả đôi bên”, chuyên gia nói. “Chúng ta thấy, Moscow đang rất thân thiện với Israel, đồng thời Tổng thống Nga Putin cũng được biết đến rất nhiều ở Isreal. Tuyên bố về sự công nhận Tây Jerusalem phản ánh bầu không khí ấm áp đó”.
Eskin lưu ý rằng, các quốc gia đang bị kẹt vào quyết định của Liên Hợp Quốc từ tháng 11/1947, được gọi là Kế hoạch Phân vùng cho Palestine (Nghị quyết 181). Theo đó, Liên Hợp Quốc kêu gọi phân chia Palestine thành các quốc gia Arab và Do Thái. Jerusalem là một cơ chế độc lập với địa vị pháp lý và chính trị đặc biệt, được quản lý bởi Liên Hợp Quốc. Đó cũng chính là lập trường chính trị của Mỹ từ những năm 1950 tới nay.
Nhưng quan điểm của Nga lại khác. Theo chuyên gia, cách tiếp cận của Nga được đánh giá cao khi không gây ra phản ứng tiêu cực từ các quốc gia Arab. Điều đó phản ánh những thay đổi đang diễn ra ở Trung Đông.
Trong khi đó, quan điểm của Moscow về việc thành lập nhà nước Palestine với thủ đô ở Đông Jerusalem cho thấy Nga đang tuân theo những giao ước từ thời Liên Xô.
“Như chúng ta biết, Moscow coi việc thành lập một nhà nước Palestine là điều cần thiết. Nhưng hiện tại Nga cũng tin rằng, các bên cần phải đưa ra những quyết định cuối cùng, mở ra những giải pháp mới. Nga đang thúc đẩy các cuộc đàm phán và cố không gây áp lực cho các bên. Lập trường này được đánh giá là cân bằng và rất khôn ngoan trong ngoại giao”, ông Eskin nhận định.
Mèo nào cắn mỉu nào?
Câu hỏi đặt ra là tại sao Washington vẫn chưa tiến hành những bước tương tự.
Điều thú vị là Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần tuyên bố “có ý định” thừa nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Điều gì khiến ông chủ Nhà Trắng vẫn còn ngần ngại mà không thực hiện lời hứa trên? Theo Eskin, có vẻ như ông Trump muốn làm điều đó nhưng vẫn đang bị kìm hãm.
Vì thế, Moscow dường như đã “vượt mặt” Washington trong chiến lược ở Trung Đông thông qua tuyên bố vừa qua về Tây Jerusalem và Đông Jerusalem. Nga đang thực sự tạo ra một “Trung Đông mới”, phá vỡ mô hình thông thường mà trong đó có Israel vốn là một đồng minh truyền thống của Mỹ.
“Nếu ông Trump vẫn bị vây hãm và không cố gắng chiếm ưu thế trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, có thể Israel sẽ tìm đến sự ảnh hưởng mạnh mẽ hơn từ Nga”, Eskin nói.
Thêm vào đó, Moscow còn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc nới lỏng những căng thẳng giữa Israel và Iran cũng như giải quyết vấn đề nội chiến Syria. Sau cùng, Nga sẽ là “người đảm bảo” cho toàn khu vực và chấm dứt tình trạng bất ổn dai dẳng trong những năm qua tại khu vực Trung Đông, chuyên gia kết luận.
Xem thêm: Nhà Trắng bất ngờ đổi giọng, ra điều kiện đối thoại với Triều Tiên
Danh Tuyên