Sau một quãng đường dài gần 30 km men theo QL 1A, chúng tôi cũng đáp chân đến một xóm nhỏ mà người dân nơi đây thường gọi với cái tên dân dã nhưng nghe thật cám cảnh: “xóm không chồng”. Đó là một ngôi làng nhỏ nằm lọt thỏm bên trong vườn tràm, thuộc hai tổ dân phố 11, 12 (phường Vũ Bài, thị xã Hương Thủy, ThưàThiên Huế). Dạo khắp các ngóc ngách làng, chúng tôi không thấy bóng dáng của bất kỳ một người đàn ông nào. Xung quanh làng bao trùm một màu ảm đảm. Những mái nhà đơn sơ, cô độc dựa vào nhau ở xóm nghèo tựa như phận đời hẩm hiu của nhiều người đàn bà chết chồng và những đứa trẻ không cha.
Chị Dương Thị Thúy với đôi chân tật nguyền và đứa con không cha.
Sống trên bãi mìn
Những đứa trẻ ở “xóm không chồng” lớn lên sớm phải gắn bó với cuộc đời vất vả. Hàng ngày, chúng theo mẹ đi lượm lặt ve chai, chỉ số ít cháu nhỏ trong gia đình được đến lớp. Chiều muộn, sau một ngày lăn lộn khắp các bãi rác, chúng trở về quây quần bên nhau, tranh thủ chơi đùa trước khi màn đêm buông xuống. Lúc chúng tôi ghé đến xóm nhỏ này, bọn trẻ đang nô nức chạy theo cánh diều giấy. Sau ít phút ngơ ngác thấy người lạ ghé thăm, chúng chạy ùa đến, vây lấy chúng tôi. Đứa nào đứa đấy cởi trần tồng ngồng. Có cô bé lém lỉnh, mạnh dạn níu tay tôi: “Chú ơi, chụp cho cháu vài kiểu ảnh để cháu khoe với mẹ”.
Bất giác nhìn ra phía sau khoảng đất mà những đứa trẻ đang nô đùa, chúng tôi thấy thấp thoáng một vài người phụ nữ đang cặm cụi rà phế liệu dưới tán vườn tràm. Nơi đây vốn là căn cứ địa của địch (thời kháng chiến chống Mỹ) nên bom mìn vẫn nằm rải rác dưới những lớp đất khô cằn. Cái nghèo khó, nhọc nhằn bám riết trên khuôn mặt đen sạm của những người phụ nữ. Ở đây, mỗi ngôi nhà chất chứa một hoàn cảnh. Tuy nhiên, những người phụ nữ có một điểm chung là vừa phải làm mẹ, vừa gánh trách nhiệm làm cha. Họ chèo lái gia đình trong cảnh không người đàn ông chia sẻ. Được biết, ngôi làng này được hình thành cách đây hơn 20 năm và “xóm không chồng” giờ đã lên đến hơn 33 hộ dân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người phụ nữ góa bụa ở đây hầu hết là do lỡ dở trong chuyện tình cảm. Bên cạnh đó cũng có nhiều người kém duyên, liều tìm đến đây xin những người đàn ông đứa con để dựa dẫm về già. Sau khi những người đàn ông ấy ra đi, các chị đã tìm về đây sinh sống. Họ quần tụ với nhau và người ta gọi là “xóm không chồng”.
Trong khi chờ các chị đi làm về, chúng tôi vô tình gặp được bác Minh (65 tuổi), một người dân sinh sống gần khu vực đó. Người đàn ông này tình nguyện đưa chúng tôi đến “xóm không chồng”, dẫn vào từng ngôi nhà của những người góa phụ. Gọi là nhà cho đỡ chạnh lòng chứ thực ra đó là những chiếc chòi tranh, vách đất. Chúng nằm lọt thỏm giữa vườn tràm bao la. Bác Minh cho hay: “Chị Nguyễn Thị Thuận là một trong những người sáng lập ra xóm và đã duy trì hơn 18 năm nay. Hồi đầu chỉ có ba, bốn người đến sinh sống rồi dần dần phát triển thành thôn xóm. Mảnh đất này là chốn nương náu của nhiều hoàn cảnh éo le”. Hàng ngày, cứ vào mỗi buổi sáng, những người phụ nữ lại lẫn trong đám sương sớm đi ra bãi rác lượm ve chai, phế liệu để kiếm tiền nuôi sống qua ngày.
Được biết, bên cạnh cuộc sống mưu sinh cơ cực, họ còn phải đứng trước nhiều mối hiểm nguy rình rập. Không ít người phải trả giá cho những bát cơm, đồng tiền bằng tiếng nổ của trái bom bi, lựu đạn…Cách đây hơn 10 năm, trong một lần đi rà phế liệu tại đồi tràm, chị Thuận giẫm lên một quả bom bi. Sức mạnh của trái bom sót lại đã cướp đi đôi chân người phụ nữ bé nhỏ. Lúc đó, chị Thuận đã có hai con. Những tháng ngày sau đó, gánh nặng lại đè lên đôi vai gầy của những đứa trẻ không cha, mẹ thương tật.
Cũng như chị Thuận, hoàn cảnh của chị Thúy, chị Muông, chị Tươi và nhiều người đàn bà khác cũng đang đánh vật với cuộc sống. Họ không chồng, quanh năm suốt tháng lặn lội mò đường mưu sinh nuôi con khôn lớn. Trong căn nhà trống hoác của họ chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc giường gỗ cũ kỹ và chiếc bàn xập xệ. Có nhà vách tường được làm bằng những tấm bạt rách nát, nhìn thấu vào trong. Tập tễnh đi lại bằng đôi chân giả sau khi giẫm phải bom mìn, chị Dương Thị Thúy (49 tuổi) vẫn đang bươn chải để kiếm tiền nuôi hai đứa con ăn học. Để bù đắp lại, các con chị đều ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó và học giỏi. Nhìn những gương mặt buồn buồn, ánh mắt nặng nề chất chứa sự hờn tủi trong lòng của các chị, mà thấy đời lắm nỗi gian truân. Những đôi mắt chỉ trực khóc khi nói về tương lai của các cháu nhỏ.
Một góc nhỏ của Tổ 12, nơi nương náu của những bà mẹ đơn thân.
Những đứa trẻ không biết gọi tiếng “cha”
Nói chuyện với chúng tôi, chị Thúy cho biết, chị đang phải chăm sóc 5 người con nhỏ. Người mẹ này cặm cụi cả năm kiếm đủ miếng ăn còn khó nói gì đến việc cho con đi học. Suốt cả quãng thời gian dài dằng dặc, chị sống trong sự đàm tiếu của người đời.
Chị Thúy tâm sự: “Tại nhan sắc chẳng bằng ai nên không kiếm nổi một tấm chồng. Nhiều đêm trăn trở tôi quyết định đi xin con nuôi để sau này tuổi già còn có chỗ nương tựa. Người đời có cười chê rồi họ cũng thôi. Mình sống một đời không chồng, giờ không có con chắc tui sống không nổi”.
“Kỷ lục” về việc học hành ở “xóm không chồng” là một cô bé lên được Trung học cơ sở. Còn những đứa trẻ khác, biết đến con chữ, phép tính đã là may mắn lắm. Chị Thuần cho biết, trước đây cũng có lớp học tình thương của cô giáo Ngọc. Lúc ấy, những đứa trẻ trong xóm rất chịu khó đến lớp. Nhưng khi cô giáo Ngọc tuổi già sức yếu, không dạy được nữa thì những đứa trẻ cũng thất học ngay từ đó. Nhiều lúc các bà mẹ khóc thầm vì nghĩ tội cho những đứa trẻ, nghĩ đến tương lai mịt mờ phía trước. Tuy nhiên, cuộc sống quá khó khăn, họ đành nhắm mắt lại.
Lúc chúng tôi chia tay “xóm không chồng” cũng là khi trời vừa nhập nhoạng tối. Từ những căn nhà chòi tạm bợ, những ánh mắt tối sẫm nhìn ra màn đêm nhờ nhờ trước mặt. Trên nền gạch của chiếc giếng chung đầu ngõ, lũ trẻ đang nhao nhao tranh nhau tắm mát làm rộn cả một xóm nhỏ. Dường như những tiếng cười trẻ thơ phần nào xua đi sự ảm đạm, những phận đời âm thầm. Chúng tôi vượt ra khỏi vườn tràm, quay nhìn lại “xóm không chồng” xa xa mà trong lòng chất chứa sự chia sẻ. Tôi vẫn còn nhớ câu nói của cậu bé Tuân (8 tuổi, con chị Thúy): “Sau này cháu sẽ đi nhặt rác để nuôi mẹ”. Có lẽ cuộc sống, tương lai của cháu cũng theo “vết xe” của mẹ. Đơn giản vì hành trang trong tay của Tuân cũng như các đứa trẻ khác chỉ là sự nghèo đói và kham khổ.
Hoàng Ngọc - Loan Nguyễn