Ngày 5/11, sau cơn Bão số 12, ở Quảng Nam, gió lớn kèm mưa to vẫn diễn ra trên diện rộng. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều nơi trên địa bàn Đà Nẵng như ven sông Cu Đê, quận Liên Chiểu bị ngập do nước sông dâng cao.
Ngay trong sáng 5/11, nước sông Cu Đê kết hợp lũ từ hồ Hòa Trung và Khu công nghệ cao chảy về đã khiến người dân ở thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang hối hả kê cao đồ đạc, chạy lũ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tính đến đêm 4/11, Đà Nẵng tuy không có thiệt hại về người, nhưng cảnh quan nội đô thành phố và đặc biệt là nhiều pano, áp phích chào mừng APEC đã bị gió đánh sập. Tại âu thuyền Thọ Quang, nhiều thuyền bè bị sóng đánh chìm. Tại phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ bị ngập khoảng 70% diện tích vùng rau. Hàng dừa mới trồng phòng hộ ven biển khu vực Sơn Trà bị sóng lớn dâng đánh dạt vào bờ, cùng 189 cây xanh bị đánh sập.
Do gấp rút chuẩn bị cho APEC cận kề, người Đà Nẵng "đội mưa" xuống đường khắc phục hậu quả. Trước đó, trong đêm 4/11, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng có thư ngõ kêu gọi người dân địa phương góp sức khắc phục hậu quả mưa bão. Trong đó, chú trọng đến công tác chỉnh đốn cây xanh, biển hiệu, các tuyến đường trọng điểm diễn ra APEC.
Tin nhanh từ UBND quận Ngũ Hành Sơn, chính quyền đã tổ chức phát động đối với toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các lực lượng vũ trang để ra quân và tổng dọn vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Ông Lê Văn Thuyên, trú quận Sơn Trà cho biết, ông cùng tổ dân phố cũng tham gia hưởng ứng dọn dẹp đường, chằng chéo lại cây cối,... để làm đẹp lại thành phố sau trận bão.
Trong khi đó, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra ngập lụt. Ngay trong ngày 5/11, ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam đã có công văn khẩn yêu cầu các thủy điện Sông Bung 4, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2, A Vương điều tiết giảm lũ cho hạ du.
Lúc 6h cùng ngày, mực nước lớn nhất ở thủy điện Sông Tranh 2 là 169,57m, lưu lượng nước về hồ dự báo từ 1.450m3/s - 2.500 m3/s. Thủy điện Sông Tranh 2 buộc phải điều tiết giảm lũ bằng cách xả lũ thấp hơn lưu lượng nước về hồ, đến cao trình cho phép thì xả bằng lưu lượng nước về hồ là 175m.
Thủy điện Sông Bung, mực nước lớn nhất là 214,77m, lưu lượng nước về hồ dự báo từ 475m3/s - 800m3/s. Thủy điện Sông Bung buộc phải điều tiết giảm lũ bằng cách xả lũ thấp hơn lưu lượng nước về hồ, đến cao trình cho phép thì xả bằng lưu lượng nước về hồ là 222,5m.
Thủy điện Đăk Mi 4 mực nước hiện tại lúc 6h ngày 5/11 là 250,74m, lưu lượng nước về hồ dự báo từ 3.000m3/s - 4.000 m3/s. Thủy điện Đăk Mi 4 buộc phải điều tiết giảm lũ bằng cách xả lũ thấp hơn lưu lượng nước về hồ, đến cao trình cho phép thì xả bằng lưu lượng nước về hồ là 258m.
Thủy điện A Vương mực nước hiện tại lúc 6h ngày 5/11 là 370,25m, lưu lượng nước về hồ dự báo từ 500m3/s - 1.000 m3/s. Thủy điện A Vương buộc phải điều tiết giảm lũ bằng cách xả lũ thấp hơn lưu lượng nước về hồ, đến cao trình cho phép thì xả bằng lưu lượng nước về hồ là 380m.
Đến 5h30 sáng nay, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đạt đỉnh ở mức 9,7m, trên báo động 3 0,7m; trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy đạt đỉnh ở mức 8,8m, trên báo động 3 0,2m; tại Câu Lâu đạt đỉnh ở mức 4,1m, trên mức báo động 3 là 0,1m; tại Hội An đạt đỉnh ở mức 2m, báo động 3; trên sông Tam Kỳ đạt đỉnh ở mức 1,7m, mức báo động 1.
Ghi nhận của chúng tôi, tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, nước lũ sông Thu Bồn, Vu Gia đã dâng lên rất cao. Nhiều tuyến đường nơi đây biến thành sông, nước đã tràn vào thềm nhiều nhà dân. Tại TP.Hội An, do có kinh nghiệm trong phòng chống lụt bão mà ngay từ đêm 4/11, người dân đã hối hả thu dọn đồ đạc đưa lên cao. Hiện tại nước lũ ở Hội An đã xấp xỉ lên mức báo động 3.
"Do triều cường kết hợp gió Đông Bắc, nước biển sẽ dâng tạo hiện tượng tràn cửa. Vì vậy, nhiều khả năng mực nước lũ ở Hội An sẽ cao hơn báo động 3. Có thể tương đương đỉnh lũ cuối năm 2016, vì lũ không thoát ra biển nhanh được. Mọi người dân cần cẩn thận. Chính quyền Hội An cũng đang nỗ lực triển khai các công tác phòng chống thiên tai", ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin!