"Chìa khóa" trong tay Trung Quốc?
Chuyên trang phân tích Brookings dẫn phân tích của Chủ nhiệm ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc Phó Oánh cho rằng, Trung Quốc chỉ là quốc gia đóng vai trò hòa giải căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nên không cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa về vấn đề này.
Hiện nay, vấn đề hạt nhân Triều Tiên là yếu tố phức tạp và gây bất ổn nhất đối với an ninh khu vực Đông Bắc Á. Đây đã trở thành tâm điểm chú ý của các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương nói riêng và toàn thế giới nói chúng.
Bàn về vai trò của Bắc Kinh trong vấn đề này, bà Phó Oánh cho rằng, Trung Quốc bắt đầu tham gia các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên từ năm 2003.
“Là một quốc gia đang phát triển, Trung Quốc luôn duy trì nguyên tắc chung sống hòa bình. Còn trong vai trò là một quốc gia có ảnh hưởng trực tiếp với Triều Tiên, Trung Quốc luôn nỗ lực hòa giải, phản đối mạnh mẽ việc Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân”, nhà ngoại giao Trung Quốc cho hay.
Bà Phó Oánh cũng đưa ra lý giải vì sao nước này không nâng cao trách nhiệm hơn nhằm ngăn chặn chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo bà Phó Oánh, Trung Quốc chỉ giữ vai trò người hòa giải trong vấn đề Triều Tiên, trong khi sự mất mất lòng tin sâu sắc giữa Washington và Bình Nhưỡng mới chính là căn nguyên của vấn đề.
Điểm lại quá khứ, năm 2005, Triều Tiên đã đạt được thỏa thuận với Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga về việc ngừng chương trình hạt nhân để được nhận hỗ trợ về kinh tế và các mục tiêu ngoại giao khác. Tuy nhiên, vòng đàm phán đổ vỡ vào năm 2008 khi Bình Nhưỡng từ chối cho thanh sát viên quốc tế giám sát việc thực thi thỏa thuận.
Kể từ đó, Hội đồng bản an Liên Hiệp Quốc đã tăng cường các biện pháp trừng phạt lên Bình Nhưỡng, Mỹ và các đồng minh trong khu vực Đông Bắc Á cũng liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận quân sự gây áp lực lớn lên Triều Tiên.
“Bắc Kinh không hề giữ trong tay chìa khóa giúp xóa đi những quan ngại về an ninh Triều Tiên, Trung Quốc không có đòn bẩy để thuyết phục nước này ngừng chương chương trình hạt nhân”, bà Phó khẳng định.
Xem thêm >>> 30 Tư lệnh Hải quân và dàn tàu chiến hùng hậu về Singapore tập trận
"Ai khóa chuông, người đó sẽ mở được nó"
Theo quan điểm của vị quan chức này, Bình Nhưỡng cho rằng, Mỹ chính là nguồn gốc của mối đe dọa đến an ninh Triều Tiên. Washington luôn xem xét kỹ lưỡng vấn đề an ninh của Triều Tiên.
Trên “sân khấu” quốc tế, những cường quốc hàng đầu sẽ có ảnh hưởng lớn hơn đối với cục diện quốc tế, nhưng họ cũng sẽ là nước nên gánh vác hậu quả.
“Đó là lý do vì sao Trung Quốc tin rằng, đàm phán hòa bình nên đi theo cách “tối ưu Pareto” (tức là trong quan hệ quốc tế, nếu mỗi quốc gia tự cân bằng, nhường nhau một chút mà không ảnh hưởng nhiều tới lợi ích thì sẽ giải quyết được vấn đề. Đặc biệt trong quan hệ nước nhỏ - nước lớn)”, bà Oánh phân tích.
“Mỹ nên gánh vác trách nhiệm và chìa “cánh tay” hợp tác để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Bởi tục ngữ Trung Quốc có câu: ‘Ai khóa chuông, thì người đó sẽ mở được nó’. Để mở chiếc khóa gỉ về vấn đề Triều Tiên, chúng ta cần phải tìm đúng chìa khóa”, nhà ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh kết luận.
Trong khi đó, giới phân tích Mỹ cho rằng, Trung Quốc mới là quốc gia giữ chìa khóa trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.Họ cho rằng, chính quyền Trump cần tập trung nỗ lực gây áp lực lên Bắc Kinh, buộc nước này phải hỗ trợ trong việc giải quyết những căng thẳng với Bình Nhưỡng.
"Nếu Trung Quốc cắt đứt tất cả các giao dịch với Triều Tiên, thì Triều Tiên sẽ gặp khó khăn trong vấn đề kinh tế, bởi vì họ đang kiểm soát nền kinh tế của Bình Nhưỡng. Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tình hình ở Triều Tiên. Bắc Kinh có thể làm được điều này nếu họ muốn", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Arizona John McCain đưa ra nhận định trong cuộc phỏng vấn với Washington Post cuối tháng Tư vừa qua.
Xem thêm >>> Bất ngờ hành động đối đầu của Mỹ với TT Erdogan tại biên giới Syria
Phương Anh