Xe bọc thép Nga vượt trội
Theo Sputnik, Slovakia, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang hứng thú với việc mua xe chiến đấu bọc thép Tigr của Nga thay vì xe Humvee của đồng minh Mỹ. Thư ký báo chí của Công ty Công nghiệp Quốc phòng Nga Sergey Suvorov đã chỉ ra những đặc tính của dòng xe này khiến Slovakia đưa ra lựa chọn trên.
Theo ông Sergey Suvorov, Slovakia dự định mua loạt phiên bản nâng cấp SBM-VPK233136, một dòng xe cảnh sát được thiết kế để chuyên chở nhân viên an ninh và hàng hóa trên quốc lộ và những địa hình gồ ghề.
Đây cũng là phương tiện sử dụng để tiến hành các chiến dịch chống khủng bố, nhằm bảo vệ nhân sự an ninh khỏi đạn từ các trận pháo kích và những mảnh vỡ do thiết bị nổ gây ra.
“Đây là một phương tiện bọc thép không có vũ khí. Nó có thể chở đến 9 người, gồm cả tài xế, tốc độ trung bình của nó đạt 125km/h. Hệ thống phòng vệ GOST-5, tức lớp giáp của nó có khả năng chống đạn 7,62mm được bắn ra từ súng trường tấn công Kalashnikov”, ông Suvorov nói.
Ông cho hay Slovakia là thành viên duy nhất của NATO có hứng thú với việc mua xe Tigr của Nga thay vì sử dụng xe đa dụng với tính năng di động cao (HMMWV) hay thường được gọi là Humvee. Theo ông Suvorov, Humvee thậm chí còn “tệ hơn nhiều so với các mẫu xe của châu Âu và Nga”.
Ông lưu ý rằng trong triển lãm quân sự IDEX-2003 tại Adu Dhabi, “xe Humvee của Mỹ đã mắc kẹt ở đoạn đường mà Tigr chạy băng băng với tốc độ cao”.
“Nhìn chung, xe Humvee lép vế trước Tigr về mọi mặt, mặc dù việc so sánh giữa Humvee và Tigr là không phù hợp, bởi dòng xe của Mỹ nhỏ hơn sản phẩm của Nga. Trong bất kỳ trường hợp nào, Humvee luôn đứng sau Tigr về độ tin cậy, khả năng vượt qua các địa hình và khả năng an ninh”, ông Suvorov nói.
Phương Tây ra sức ngăn cản
Ông chỉ ra rằng khi lựa chọn xe cho bộ Nội vụ, Slovakia “sẽ được hướng dẫn đầy đủ về đặc tính và lợi thế của Tigr so với những sản phẩm khác có mặt trên thị trường”.
“Điều đó cho ta thấy rằng Tigr, một sản phẩm của Nga, an toàn hơn, đáng tin hơn và rẻ hơn so với các loại phương tiện bọc thép khác của Mỹ, Đức, Pháp và Thụy Điển”, ông Suvorov nói.
Cũng theo ông, các đối thủ phương Tây đang nỗ lực hết sức để ngăn cản thương vụ mua bán xe Tigr giữa Nga và Slovakia để bán các sản phẩm quân sự của họ. “Họ đưa ra những lý lẽ khác nhau, trong đó có yếu tố lệnh cấm vận với Nga”, ông Suvorov nói.
Ông hy vọng rằng tất cả những vấn đề khó khăn liên quan tới quá trình đàm phán giữa Nga và Slovakia sẽ được giải quyết vào cuối năm 2018 và “hai phía sẽ hợp tác thường xuyên”.
Tại triển lãm vũ khí BIDEC-2017 ở Bahrain vừa kết thúc trong tuần này, đại diện của Công ty Công nghiệp Quốc phòng Nga nói rằng họ đang đàm phán ở cấp độ căn bản với phía Slovakia về việc mua bán phương tiện bọc thép Tigr. Trước đó, Slovakia đã mua một chiếc xe loại này.
Xem thêm: Israel lại tấn công trả đũa nhằm vào Syria
D.T