Đọc thêm: >'Anh Phước phải chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình'
* Ông LÊ NHƯ TIẾN (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):
Quốc hội nên có ý kiến về đề nghị bãi nhiệm đại biểu Hoàng Hữu Phước.
Ông Lê Như Tiến. |
Tôi cho rằng việc các đại biểu Quốc hội tranh luận, trao đổi với nhau là chuyện bình thường, sẽ làm tăng sức hấp dẫn và tính dân chủ trong sinh hoạt nghị trường. Tuy nhiên, việc dùng blog cá nhân để đánh giá, nhận xét đại biểu khác bằng những lời lẽ thóa mạ, thiếu tôn trọng như dùng từ “ngu”, “ngậm miệng lại”... thì không thể chấp nhận được. Đây là việc chưa có tiền lệ trong sinh hoạt nghị trường ở VN. Là người theo dõi lĩnh vực văn hóa, tôi cho rằng sẽ có nhiều người không đồng tình với cách làm của đại biểu Hoàng Hữu Phước. Cách làm này không thể chấp nhận đối với một người bình thường chứ chưa nói anh Phước là một đại biểu Quốc hội.
Tôi có đọc trên các diễn đàn mạng thì có những ý kiến đề nghị bãi nhiệm đại biểu Hoàng Hữu Phước. Tôi nghĩ các cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội nên có ý kiến về vấn đề này.
Đọc thêm: > ĐB Hoàng Hữu Phước xin lỗi ĐB Dương Trung Quốc
* Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM):
Hành vi vi phạm pháp luật dân sự
Theo quy định tại điều 1 của quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội ban hành kèm theo nghị quyết số 08/2002/QH11 của Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ hai thì đại biểu Quốc hội không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Chính vì vậy đại biểu Quốc hội phải cẩn trọng hơn trong hành vi, ngôn ngữ của mình.
Điều này càng được khẳng định hơn tại điều 3 của quy chế là đại biểu Quốc hội phải gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật, sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, có nhiệm vụ tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật, động viên nhân dân và người thân trong gia đình chấp hành pháp luật, tham gia quản lý nhà nước. Nếu đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật, không tôn trọng các quy tắc sinh hoạt công cộng cũng tức là xúc phạm danh dự, uy tín của nhân dân, của Nhà nước.
Việc đại biểu Quốc hội xúc phạm một đại biểu Quốc hội khác trên một trang cá nhân và để chế độ công cộng cho mọi người cùng xem, theo tôi, là hành vi vi phạm pháp luật dân sự mà cụ thể là vi phạm vào điều 37 của Bộ luật dân sự 2005 về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân.
Theo đó, mỗi cá nhân đều có nghĩa vụ tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của các cá nhân khác và pháp luật sẽ bảo vệ quyền này. Một công dân nói xấu một công dân khác tại nơi công cộng thì đó chỉ là sự vi phạm pháp luật dân sự, nhưng nếu là một đại biểu Quốc hội nói xấu một đại biểu Quốc hội khác thì rõ ràng bên cạnh việc vi phạm pháp luật, quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội, vị đại biểu đó còn xúc phạm đến một hình tượng đại diện cho nhân dân khác, cũng như làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Quốc hội.
Đọc thêm: >ĐB Quốc lên tiếng sau khi ĐB Phước xin lỗi
> Tác giả 'tứ đại ngu' và luận đàm về các dự án Luật
Lê Kiên (Tuổi trẻ)