Quốc hội phản đối tăng giờ làm thêm tối đa

Quốc hội phản đối tăng giờ làm thêm tối đa

Thứ 5, 27/12/2012 23:59

"Tăng giờ làm thêm là đi ngược lại mong muốn của người lao động vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đến thời gian nghỉ ngơi...", "Việc tăng lương là tốt nhưng cần thống nhất quan điểm: lương phải đủ ăn để tái sản xuất sức lao động"... là một số ý kiến bàn luận về Bộ luật lao động (sửa đổi) tại Quốc hội chiều 16/11.

Chiều qua 16/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) bàn về các vấn đề như tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm, chế độ thai sản, lương tối thiểu... Hai vấn đề nhận được nhiều ý kiến quan tâm của các đại biểu là vấn đề tăng giờ làm thêm tối đa và lương tối thiểu.

Tăng giờ làm thêm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tinh thần

Dự thảo Bộ Luật Lao động giữ nguyên số giờ làm việc 48 giờ/tuần nhưng tăng số giờ làm thêm tối đa từ 200 giờ/ năm lên 360 giờ/năm.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ quan điểm không đồng tình: "Không lao động nào muốn tăng giờ làm thêm. Họ buộc phải làm thêm chỉ vì lương trả quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống, chứ thực sự không ai muốn làm quần quật suốt ngày”.

Ông Tùng khẳng định việc tăng giờ làm thêm là đi ngược lại mong muốn của người lao động. Giờ làm thêm quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đến thời gian chăm sóc cho gia đình, con cái, thời gian nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động văn thể của người lao động. Chính vì thể tổ chức công đoàn phản đối đề xuất này.

Theo ông Tùng, nếu có tăng thì một tuần chỉ nên khống chế làm 44 giờ/tuần thay vì 48 giờ như hiện nay để họ có thể dành chiều thứ bảy để người lao động nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe, có thời gian chăm sóc gia đình, nâng dần mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần.

Nhịp sống - Quốc hội phản đối tăng giờ làm thêm tối đa
Giờ làm thêm quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người lao động (ảnh minh họa)

Đại biểu Nguyễn Xuân Tỷ (Bến Tre) cho rằng, tăng giới hạn giờ làm thêm càng tạo điều kiện cho người sử dụng lao động lợi dụng như một hình thức "bóc lột sức lao động tinh vi". Theo ông, mỗi người lao động chỉ làm thêm vài chục phút mỗi ngày, nhưng nếu cả hàng nghìn công nhân đều làm như thế thì giá trị sản xuất ra không hề nhỏ chút nào.

Ngược lại hai quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) lại ủng hộ đề xuất tăng giờ làm thêm vì tăng giờ làm thêm sẽ góp phần tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thị trường lao động. Nhiều nước trong khu vực đều có giới hạn mức giờ làm thêm cao, thậm chí có nước còn không khống chế (như Nhật Bản).

"Tăng lương phải đủ ăn để tái sản xuất"

Xoay quanh vấn đề lương tối thiểu, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Đặng Ngọc Tùng đưa ra nhận xét rất thực tế. Theo ông, lương tối thiểu thời gian qua chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động.

Nhiều đại biểu đều tán thành ý kiến trên và đưa ra những ví dụ cụ thể về khó khăn trong ăn uống, sinh hoạt đời thường của công nhân các khu công nghiệp.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) phân tích: "Việc tăng lương lên 1.050.000 đồng là tốt nhưng đề nghị cần thống nhất quan điểm: lương phải đủ ăn để tái sản xuất sức lao động”.

Bà An dẫn một phép tính cụ thể, một sinh viên mới ra trường, theo lương mới sẽ được khoảng 2,7 triệu đồng. Trong khi đó tiền thuê nhà ở ít nhất là 500.000 đồng, xăng xe đi lại đã mất ít nhất 300.000 đồng, tổng cộng khoảng 800.000 - 900.000, còn lại khoảng 1,7 triệu. Với số tiền ít ỏi ấy thì người lao động chẳng thể giải quyết được vấn đề gì nếu còn lo ăn uống, và quan hệ xã hội, bạn bè.

P. Thanh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.