Từ nhiều năm nay, các Sở GD&ĐT trên cả nước đã có quy định yêu cầu bậc học mầm non không được dạy các em viết chữ. Mới đây nhất, Bộ GD&ĐT vừa ra văn bản hướng dẫn tuyệt đối không được ép trẻ tập đọc, viết chữ, học trước chương trình lớp 1. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng, các trường sẽ "dựa" vào việc "không ép" này để "lách luật" bắt trẻ học trước chương trình. Giới chuyên gia cho rằng, trước những hệ quả của việc "ép hoa nở sớm", đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần xem xét lại việc nên cấm hoàn toàn chuyện học trước chương trình lớp 1.
Ảnh minh họa
Ép "hoa nở sớm", trẻ bị "choáng"
Từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đã có quy định yêu cầu bậc học mầm non không được dạy các em viết chữ. Thế nhưng, điều này vẫn không ngăn các trường mầm non cũng như phụ huynh cho các bé học trước chương trình lớp 1. Vì muốn con mình sớm "thành tài", các bậc phụ huynh thi nhau "nhồi nhét" kiến thức quá mức cho con. Cuộc đua học trước chương trình ở lớp mầm non hiện đang nhộn nhịp hơn lúc nào hết.
Theo tìm hiểu của PV Người đưa tin, quy định là thế nhưng hình thức mở lớp luyện chữ tại nhà một số giáo viên tiểu học hay ở các trung tâm chữ đẹp vẫn đang diễn ra nhan nhản. Rất nhiều phụ huynh cho biết, một số trường tiểu học như: Lê Quý Đôn, Ban Mai, Quốc tế Thăng Long… mở các câu lạc bộ tại trường học với những cái tên như: "Câu lạc bộ trẻ thơ", "Hành trang vào lớp 1"… trong đó vẫn dạy trẻ học chữ.
Tâm sự với PV, chị Nguyễn Thị Mai, hiện đang làm việc trong nhà hàng Style (Chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Con mình đang học lớp 5 tuổi, cháu chuẩn bị vào lớp 1. Mình cũng hiểu việc ép con học trước chương trình cũng không thực sự tốt cho trẻ nhưng nhìn xung quanh, ai cũng chạy đôn chạy đáo tạo "bước đệm" cho bé nên mình cũng… sốt ruột". Chị Mai cho biết, mấy chị em làm việc cùng thường "khoe", con cái họ mới lên 4 tuổi đã biết viết chữ, thậm chí đọc thông viết thạo chẳng kém học sinh cấp 1. Trong khi đó con chị ở nhà nhận biết bảng chữ cái còn chữ được chữ không. "Các chị ấy cũng khuyên, phải cho cháu "đi tắt đón đầu", học trước chương trình để sau này đỡ bỡ ngỡ, mới theo kịp được con cái thiên hạ", chị Mai cho biết.
Nghe lời khuyên của bạn bè, ngay từ hè vừa rồi, chị Mai đã bàn với chồng cho con đi học thêm và tiếp xúc với những con chữ đầu tiên. Được biết, lớp học này có sĩ số lên tới 60 trẻ. Mỗi tuần con chị Mai chỉ học một buổi, mỗi buổi học 2 tiếng với học phí 110.000 đồng/buổi. Thời gian học sẽ được tăng tốc lên 2 buổi/tuần bắt đầu từ cuối tháng 5. Về nhà, hai vợ chồng cắt cử nhau thay phiên "bồi dưỡng" thêm cho bé một số bài tập ở nhà.
Tuy nhiên, vợ chồng chị Mai cũng được cảnh báo không ít trường hợp bị "phản ứng phụ" do ép con học trước chương trình. Trong lần gặp gỡ mới đây, chị Mai cũng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện một người bạn bị lãnh "hậu quả" do bị ép trẻ thành "thần đồng" sớm. Sự là, chồng của chị ta nằng nặc khẳng định để các bé phát triển tự nhiên và cực lực phản đối chuyện "quả xanh chín ép". Đến khi vào lớp 1, trong khi các bạn khác đã biết đọc, biết viết "làu làu" thì con chị vẫn lơ ngơ như "bò đội nón". Lần nào gặp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm cũng phàn nàn nào là cháu viết xấu, tiếp thu chậm, bị bạn bè bỏ xa. "Rút kinh nghiệm, đến khi nghỉ hè, phụ huynh này quyết tâm cho cậu quý tử đi học trước chương trình lớp 2. Nhưng chẳng ai ngờ, càng ngày cậu bé càng học kém đi, tiếp thu chậm và gần như bị "đơ" trước sức ép quá căng của việc học hành. Đúng là con dao hai lưỡi!", chị Mai than thở.
Cũng theo tìm hiểu của PV, không ít trường hợp trẻ "bỗng dưng" tự kỷ do bị cha mẹ ép học trước chương trình. Mới chưa đầy 4 tuổi, thấy con có khả năng tính nhẩm nhanh, chị Lê Vân (Thanh Xuân, Hà Nội) đã hạ quyết tâm hướng con phát triển sớm khả năng. Được biết con chị Vân là cháu Nguyễn Hoàng Long, dù mới học "lớp chồi" (lớp dành cho trẻ 4-5 tuổi) nhưng đã biết cộng trừ rất nhanh và chuẩn. Hàng xóm láng giềng cũng hay "thử sức" và bé đều trả lời răm rắp. Ai cũng nói cậu bé thông minh và nhanh nhẹn hơn các bạn đồng lứa. Thấy vậy, chị quyết "khai thác triệt để" khả năng của cậu con trai.
Ngay hôm sau, chị Vân đưa con đến học lớp "trù bị lớp 1" dành cho các "anh chị" "lớp lá" (trẻ 5-6 tuổi). Lớp học được một "bà giáo" nghỉ hưu đứng lớp với mục đích dạy trước kiến thức để các em vào lớp 1 đỡ bỡ ngỡ. Chị đặt chỉ tiêu, bé Long sẽ là học sinh xuất sắc và đứng đầu lớp về môn Toán. Chẳng ai ngờ, đến khi đi học, cháu bé bỗng nhiên phản ứng tiêu cực với giáo viên, bạn bè. "Nhiều lúc tôi "phát ngượng" với giáo viên vì những phản ứng của cậu con trai. Có hôm, cháu trốn trong nhà vệ sinh đến hết giờ học, để mặc cô giáo ngồi chờ cả tiếng đồng hồ. Về nhà, cháu có dấu hiệu của trẻ bị tự kỷ, không nói năng gì cả. Sau đó, tôi phải nhờ đến bác sĩ tâm lý mới lấy lại cân bằng. Bác sĩ nói rằng, cháu bị "choáng" do bị "ép" học trước chương trình", chị Vân kể.
Học trước chương trình... con dao hai lưỡi
Trao đổi với PV, GS. VS Phạm Minh Hạc, nguyên bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, văn bản hướng dẫn không ép mầm non học các chương trình đọc, viết lớp 1 không phải là mới. Từ những năm 80, tôi cũng đã tham gia chỉ đạo về vấn đề "không tiểu học hóa mẫu giáo". Thậm chí lúc ấy Bộ cũng hướng dẫn không học chữ, tính toán ở bậc mầm non. Trên thế giới, người ta cũng không ủng hộ việc học trước như vậy. Trừ những trường hợp những em có năng lực đặc biệt, chỉ chiếm tỉ lệ rất ít ở Việt Nam là có thể cho đi học trước tuổi. Khi trẻ còn nhỏ, chúng ta nên xác định phát triển thể chất, sức khỏe cho chúng. Theo tôi, việc nhồi nhét chữ, con số khi chúng còn quá nhỏ là việc làm phản khoa học.
Theo GS.VS Minh Hạc, văn bản hướng dẫn này khá mập mờ. Nghĩa là đáng lẽ ra họ phải ghi rõ là không được dạy chữ cho trẻ mầm non chứ không phải là "không ép trẻ em cấp mầm non học chương trình lớp 1". Đây là vấn đề Bộ GD&ĐT cần xem xét lại. Hơn nữa, việc "không ép dạy" rất có thể là cái cớ để nhà trường vận động phụ huynh viết đơn xin cho trẻ mẫu giáo học trước chương trình. Lúc này các trường thoải mái dạy chữ mà không ai có thể quản lý được.
TS. Nguyễn Kim Dung, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục (ĐH Sư phạm TP.HCM) cũng cho rằng: "Việc ép trẻ em học trước chương trình sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường, không tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT không đưa ra quy định cấm mà chỉ nêu "không ép" cũng có lý của họ. Bởi vì, khi đưa ra lệnh cấm sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề. Đã là cấm thì ai vi phạm sẽ bị phạt, tuy nhiên, liệu Bộ GD&ĐT có quản lý được hết các trường hay không?".
Theo quan điểm của TS. Dung, việc trẻ em 3-4 tuổi làm quen với một vài từ tiếng Anh, một vài con số không phải là điều gì đó quá lo ngại. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh hiện nay họ muốn con mình là "thiên tài" sớm nên bắt buộc con em họ học tất cả mọi thứ. Rất dễ nhận thấy tác hại từ công việc này. Ai cũng biết, việc giáo dục phải dựa vào độ tuổi của trẻ em. Mỗi thời kỳ có phương pháp giáo dục khác nhau. Các bậc phụ huynh đang vô tình đẩy con mình vào hiện tượng "xanh chín ép". Đây là việc làm quá sức đối với các bé. "Ở tuổi này, trẻ em cần được bố mẹ lo cho việc phát triển thể chất, học hỏi thế giới xung quanh hơn là học tập kiến thức lớp 1. Chúng còn quá nhỏ để có thể thẩm thấu được những kiến thức đó. Thậm chí có nhiều bậc phụ huynh còn mắng, đánh đập để bắt trẻ học. Đây là sai lầm nghiêm trọng", TS. Dung nói.
Dưới góc độ khoa học, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn, giám đốc Trung tâm đào tạo và Phát triển cộng đồng phân tích, bộ não trẻ ở bậc mầm non đã được các nhà khoa học nghiên cứu chỉ nên dừng lại ở việc học tô màu, vẽ…Việc phụ huynh nhồi nhét sẽ khiến não trẻ làm việc quá sức, gây hậu quả về lâu dài. Một trong những hậu quả dễ nhận thấy là việc trẻ được học trước kiến thức, khi bước vào chương trình chính thức ở trường tiểu học dễ cảm thấy việc học nhàm chán.
Ép tài thành... tật Theo tiết lộ của một bác sĩ tâm lý, số trẻ bốn, năm tuổi đến khám bệnh tâm lý vì cha mẹ ép học, muốn "nhào nặn" con thành người đặc biệt ngày càng tăng cao. Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con có biểu hiện thông minh như biết nói, biết đọc sớm, thích sách vở, báo chí, máy tính đã ra sức "bồi dưỡng" kiến thức cho con. Từ chỗ nhanh nhẹn linh hoạt sau một thời gian bị "nhồi" những đứa trẻ này đã trở nên chậm chạp, nhút nhát, không tập trung và chỉ cần nhìn thấy sách vở, máy tính, chữ viết hay con số… là tỏ ra sợ sệt, đau bụng, nôn trớ… Đây là điều vô cùng nghiêm trọng, có ảnh hưởng mạnh và lâu dài đến quá trình phát triển của trẻ sau này. |
Anh Văn - Vương Chân