Bạn đọc hỏi:
Tôi xin hỏi quy định của pháp luật hiện hành về chế độ dẫn độ tội phạm từ nước ngoài về Việt Nam.
Trả lời:
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Tuyến - Công ty luật TNHH Khải Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho hay:
Trong Luật quốc tế, dẫn độ được hiểu là việc một quốc gia chuyển, trao người phạm tội hoặc người bị kết án (quốc gia nơi những người đó có mặt) cho một quốc gia khác (thường là quốc gia nơi tội phạm gây ra hoặc là quốc gia đã kết án người đó).
Khoản 1, Điều 32, luật Tương trợ tư pháp năm 2007 quy định: “Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó”.
Hiện nay Việt Nam có ký kết một số Hiệp định tương trợ tư pháp có quy định về dẫn độ với một số quốc gia như: Liên bang Nga, Cu Ba, Lào, Hàn Quốc, Algeria, Hungari, Bungari, Ba Lan, Ukraina, Mông Cổ, Triều Tiên…
Nên nếu người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự bị bắt khi đang ở các quốc gia này thì việc dẫn độ sẽ áp dụng theo Hiệp định tương trợ tư pháp đã ký kết với quốc gia đó. Còn người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự hiện đang ở quốc gia chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp về dẫn độ thì tùy quốc gia có áp dụng theo nguyên tắc có đi có lại (nước được yêu cầu dẫn độ sẽ chấp nhận dẫn độ với sự đảm bảo rằng nước có yêu cầu giúp đỡ cũng sẽ chấp nhận và thực hiện một yêu cầu như vậy của nước được yêu cầu trong tương lai) hay không.
Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 đã quy định, VKSND Tối cao là cơ quan đầu mối có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài, kiểm tra tính hợp lệ và chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền thực hiện, đồng thời đôn đốc việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự.
Theo quy định tại Điều 65, luật Tương trợ tư pháp, bộ Công an có trách nhiệm thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp theo thẩm quyền, trong đó có hoạt động dẫn độ.
Điều 70, luật Tương trợ tư pháp quy định: “Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận và tiến hành các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù”. Do đó, hoạt động dẫn độ chủ yếu do các cơ quan điều tra của bộ Công an tiến hành, thực hiện.
Ls.Nguyễn Thị Tuyến