Là một người đàn ông chưa vợ, tôi ít có cơ hội được ăn một bữa cơm gia đình ấm cúng tại gia mà ngược lại, tôi thường gắn liền với những bữa... cơm đường cháo chợ.
Cũng chính vì lí do đấy mà tôi luôn quan tâm đến những vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bởi nếu có bất cứ “sự cố” nào về sức khỏe nói chung hay đường tiêu hóa nói riêng, tôi đều phải tự chịu trách nhiệm với bản thân chứ chẳng thể... đổ vạ được cho bà nội trợ nào.
Nói không ngoa, vài năm trước, nhờ hóa chất ở chợ Kim Biên, tôi đã cai nghiện thành công trà sữa – một trong những lựa chọn lí tưởng cho những cuộc hẹn hò thời học sinh, sinh viên.
Rồi năm trước, món cà phê sữa đá vỉa hè cũng bị tôi ruồng rẫy mặc dù nó là một trong những bước để khởi đầu ngày mới của tôi và nó cũng là một trong những thức uống tôi yêu thích ở đất Sài thành này.
Cho đến năm nay, lại nhờ ơn nhờ phước chợ Kim Biên tôi phải “cai” nốt mấy món bún riêu vỉa hè hay các loại đồ ăn có ăn kèm rau sống như bánh cuốn, bánh xèo... Vì lí do gì, có lẽ các bạn đã biết rất rõ. Một cơ sở sản xuất rau muống bào ở Đồng Nai đã bị lực lượng chức năng kiểm tra bất ngờ và xử phạt vì sử dụng hóa chất ở chợ Kim Biên để “trang điểm” cho rau trước khi mang ra thị trường tiêu thụ.
Lỗi ở chủ cơ sở sản xuất, đó là điều đương nhiên. Nhưng theo tôi, đấy mới chỉ là phần ngọn. Gốc gác của vấn đề chính là ở ngôi chợ Kim Biên – một chợ mà rất nhiều người phải thốt lên với cái tên trìu mến: Chợ tử thần!
Quả thật, nếu hóa chất không được bầy bán một cách công khai, mua bán một cách dễ dàng như ở chợ Kim Biên thì chắc chắn những chủ hàng trà sữa hay cà phê chẳng thể dùng hóa chất để tăng lợi nhuận cho mình một cách đơn giản như vậy.
Sau sự việc lần này, có thể người tiêu dùng sẽ thở phào nhẹ nhõm khi các cơ quan chức năng đã phát hiện (mặc dù không kịp thời) một cơ sở sản xuất rau muống bào sử dụng hóa chất. Nhưng liệu rồi chúng ta sẽ “thở phào” được bao lâu khi đấy mới chỉ là một trong hàng ngàn cơ sở sản xuất thực phẩm khác có sử dụng hóa chất được bày bán ở chợ Kim Biên.
Và tôi chắc chắn rằng cứ bắt “thí điểm” một vài cơ sở sản xuất như thế này nhưng không “mạnh tay” hay có những cơ chế quản lí với những gian hàng hóa chất ở chợ Kim Biên thì... bắt cũng bằng thừa.
Thậm chí như vậy chẳng khác gì vẽ thêm đường cho hươu chạy. Sau sự việc này, hàng ngàn chủ cơ sở sản xuất khác sẽ biết được “mánh” giữ cho rau xanh, giòn. Mà đâu khó khăn gì, cứ thế ra chợ Kim Biên là có. Như vậy chẳng phải tệ lắm sao!
Thế nên tôi chẳng có ước nguyện gì lớn, tôi chỉ mong trước khi cơ quan chức năng “dẹp” những cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn thì hãy ngó qua khu chợ tử thần – Kim Biên để chặt tận gốc cái cây “bẩn” đang ăn sâu, bám rễ vào đời sống của người dân.
Sự thật cho thấy rắng chặt cây mà chỉ chặt ngọn, không chặt tận gốc thì cái cây đó có khi còn phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều!
Mạnh Thường
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả