Trong khi Tổng thống Trump có những lời lẽ cứng rắn với Trung Quốc trên Twitter, Ngoại trưởng mới của Mỹ Rex Tillerson đã thể hiện lập trường nhẹ nhàng hơn, bằng việc đặt nền tảng cho một mối quan hệ mang tính xây dựng với giới lãnh đạo Trung Nam Hải, theo Washington Post.
Mặc dù ông Tillerson có những phát biểu mạnh mẽ về khả năng hành động quân sự của Mỹ trước mối nguy hại hạt nhân đến từ Triều Tiên - điều có thể làm mích lòng Bắc Kinh - Ngoại trưởng Mỹ vẫn nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 19/3.
"Ngài Ngoại trưởng đã có rất nhiều nỗ lực để đạt được sự chuyển đổi suôn sẻ trong mối quan hệ hai nước dưới thời đại mới", Chủ tịch Tập Cận Bình nói với vị khách quý đến từ nước Mỹ tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. "Và tôi cũng đánh giá cao thành ý của ngài Ngoại trưởng rằng, mối quan hệ Trung-Mỹ chỉ có thể hướng tới sự hợp tác và tình hữu nghị".
Tuy nhiên, một số nhà phê bình nói ông Tillerson dường như đã “nhún nhường quá nhiều” và đưa cho Bắc Kinh những gì mà phương tiện truyền thông nước này mô tả là một "chiến thắng ngoại giao".
Theo Washington Post, khi gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị một ngày trước đó, ông Tillerson, không biết vô tình hay có chủ ý khi có những lời phát biểu “đồng tình với Trung Quốc” về việc “tránh xung đột, đối đầu”, sự cần thiết phải xây dựng cơ sở "tôn trọng lẫn nhau" và phấn đấu cho sự hợp tác “đôi bên cùng có lợi”, cây bút Simon Denyer mô tả.
Cụm từ "tôn trọng lẫn nhau" là chi tiết đáng chú ý. Với Bắc Kinh, nó có nghĩa rằng mỗi bên cần tôn trọng "lợi ích cốt lõi" của nhau.
Một số chuyên gia chính sách đối ngoại của Trung Quốc gọi bình luận trên của ông Tillerson là "rất tích cực" và phù hợp với một khái niệm mà Bắc Kinh luôn chủ trương từ vài năm nay - "mối quan hệ nước lớn kiểu mới”.
Jin Canrong, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung tại đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết, phát biểu của ông Tillerson đến như một sự bất ngờ.
"Trung Quốc từ lâu đã mong mỏi điều này, nhưng Mỹ luôn miễn cưỡng chấp nhận quan điểm tôn trọng lẫn nhau. Do vậy, bình luận đồng tình của ông Tillerson sẽ được chào đón rất nồng nhiệt ở Trung Quốc”, chuyên gia Jin nhận định.
Trong khi đó, Cố vấn cao cấp về các vấn đề châu Á Bonnie Glaser từ trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói rằng Mỹ cần phải sử dụng lập trường và ngôn ngữ riêng của mình để mô tả mối quan hệ song phương, thay vì "hòa nhã" với Trung Quốc như vậy.
Đáng ngại hơn, việc đồng ý "tôn trọng lẫn nhau" từ Ngoại trưởng Tillerson không khác gì tín hiệu Mỹ đã chấp nhận nhượng bộ những vấn đề mà Trung Quốc luôn cứng rắn từ trước đến nay.
Chuyên gia Glaser mô tả đây sẽ là sai lầm lớn của Washington, đồng thời cảnh báo rằng ở phía ngược lại, Trung Quốc sẽ không chấp nhận nghiêng mình trước những gì được cho là "lợi ích cốt lõi" của Mỹ, chẳng hạn như liên minh của nước này tại châu Á.
Trong chuyến thăm lần này, ý định ban đầu của chính quyền Trump là chỉ trích Bắc Kinh đã không giúp kiềm chế chương trình hạt nhân đang gây đe dọa của Triều Tiên.
Ông Tillerson gần như đã dồn ép Trung Quốc vào thế khó, khi có những tuyên bố sẽ mạnh tay với Bình Nhưỡng trong chuyến thăm Nhật Bản vài ngày trước. Tuy nhiên, khi có mặt tại Bắc Kinh, vị chính khách đến từ Mỹ lại thể hiện một thái độ ôn hòa và giữ thể diện cho chủ nhà.
Có ý kiến cho rằng, Ngoại trưởng Mỹ đang có ý định giảm bớt sức nóng trong chuyến công du đầu tiên, bên cạnh một số quan điểm khác lại nói cựu CEO của Exxon Mobil không phải là người quá kỹ càng trong ngôn ngữ ngoại giao, mà điều ông coi trọng chính là kết quả.
"Phát biểu của ông Tillerson có lẽ là cách để giữ thể diện cho nhà lãnh đạo Bắc Kinh ở nơi công cộng, trong khi ở hậu trường, cuộc trò chuyện có lẽ sẽ thẳng thắn hơn", Walter Lohman, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Heritage Foundation đánh giá. "Nếu không ông Tập đã không nói "mối quan hệ Trung -Mỹ chỉ có thể được xác định bởi sự hợp tác và tình hữu nghị", Lohman lưu ý.
Ely Ratner, cựu Cố vấn cấp cao của Phó Tổng thống Joseph R. Biden dưới thời chính quyền Obama đã gọi câu nói của ông Tillerson là "sai lầm lớn” khi để cho Chính phủ Trung Quốc "định hướng".
Đối với Tổng thống Trump, ông dường như chưa bao giờ quan tâm đến các vấn đề nhạy cảm của Bắc Kinh, đến mức đe dọa cả chính sách “một Trung Quốc” vốn luôn được coi là chủ đề tối kỵ trong quan hệ với cường quốc châu Á.
“Tuy nhiên, ông Tillerson dường như lại thích việc Tổng thống Trump thân thiện hơn với Trung Quốc, bởi điều này giúp cho công việc trong vai trò Ngoại trưởng của ông trở nên dễ dàng hơn”, cây bút Simon Denyer kết luận.
Đọc thêm>>> Rex Tillerson nói gì trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình?
Quốc Vinh