Đưa con từ cõi chết trở về
Bà Lê Thị Thu Đông (56 tuổi) đang cùng con trai điều trị tại BV Y học Cổ truyền TP.HCM không nhớ nổi mình đã đi đến bao nhiêu bệnh viện, tìm thầy, kiếm thuốc để mong phép màu sẽ đến với con trai đang sống thực vật của mình.
Trò chuyện với PV, bà Đông cho hay, năm 2009, con trai bà là Võ Thành Hữu Nghĩa (SN 1990) thi đỗ một trường Cao đẳng tại thành phố Hồ Chí Minh. Nghĩa đã lên thành phố ở trọ cùng các anh chị mình.
Thương mẹ nghèo khó Nghĩa đã đi kiếm việc làm thêm, khi thì phụ ở quán ăn, lúc lại ra lề đường bán hoa. Cho đến ngày 24/3/2011 trên đường đi bán hoa về, Nghĩa đã bị xe đâm, sau khi gây ra tai nạn, chiếc xe bỏ chạy, còn Nghĩa được đưa vào bệnh viện Nhân dân Gia Định.
“Tôi là người biết cuối cùng con trai mình bị xe đâm trúng phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Vì năm 2004 chồng tôi cũng đã bị tai nạn giao thông qua đời, mọi người sợ tôi sốc không chịu nổi. Các con tôi phải gọi điện về cho chú ở nhà để nhờ sang thông báo cho tôi biết.
Khi lên đến nơi Nghĩa đã mổ xong, tôi không nhận ra con mình nữa, mọi thứ trước mắt sụp đổ, tôi không giữ được bình tĩnh, chỉ biết khóc thôi. Con trai tôi nằm 29 ngày mới tỉnh lại, nhưng cháu phải thở bằng máy và đưa lên khoa điều trị. Những tưởng mọi việc sẽ chuyển biến theo chiều hướng tốt đẹp, nhưng rồi Nghĩa bị nhiễm trùng, viêm phổi, mất mấy tháng sau đó mới tạm ổn.
Niềm vui chẳng được bao lâu, Nghĩa lại rơi vào trạng thái thực vật, không nói, không đi lại, không nhận thức được bất cứ điều gì xung quanh. Nhìn con mà lòng tôi quặn đau, bao nhiêu ước mơ, dự định của hai mẹ con giờ không thể thực hiện được nữa”, bà Đông chia sẻ.
Nửa năm sau, Nghĩa hồi phục hơn, nhưng lại lên cơn sốc, co giật... tưởng như đã “ra đi” khỏi thế gian, bà Đông chỉ biết ôm con khóc. Còn nhiều người nghĩ, chàng trai ấy đã hết cơ hội cứu chữa và phải sống thực vật cả đời. Thế nhưng bà Đông vẫn mạnh mẽ, kiên cường “chiến đấu” cùng con trai mình, đưa con từ cõi chết trở về.
Nói chuyện với PV, bà Đông rưng rưng: “Nhìn con chân tay teo hết, miệng méo, đầu lệch sang một bên, khiến tôi không đành lòng. Dù nghèo khó, bán hết nhà cửa, đi vay mượn tôi cũng phải chạy chữa cho con mình.
Tôi đưa con mình về nhà, nhờ người bấm huyệt thế nhưng không được, tôi đi khắp nơi tìm thuốc, đến những chỗ người ta mách có thầy giỏi. 6 năm dài, con trải qua hàng chục ca mổ, nằm ở nhiều bệnh viện khác nhau nên có tiến triển hơn. Ngày 9/10/2016, các bác sĩ tại BV Y học Cổ truyền TP.HCM nói sẽ tìm cách cải thiện hơn cho con trai tôi. Họ là những người có kinh nghiệm, tiếp xúc nhiều với những ca bại não, sống thực vật nên Nghĩa đã có hy vọng hơn”.
Đôi chân của mẹ là cuộc đời của con
Từ ngày Nghĩa bị tai nạn giao thông, nằm một chỗ, bà Đông đã trở thành đôi chân của con. Để giúp con vận động trở lại, ngày nào người mẹ ấy cũng cùng con luyện tập, nâng đỡ cậu con trai cao 1m70 dậy, dìu con đi, cho con sưởi nắng, đưa con lên từng cầu thang, chống nạng, đi bộ, giúp con dùng tay tự di chuyển xe lăn...
Và giờ đây, Nghĩa đã tự mình đứng lên, nói chuyện, thoát khỏi tình trạng sống thực vật, mỗi khi thấy mẹ mệt mỏi Nghĩa liền hôn lên trán mẹ và cười.
“Tôi luôn ở bên để động viên con mỗi ngày, đưa con đi khắp nơi để giúp con có cái nhìn lạc quan vào cuộc sống, mong con đủ tinh thần để vượt qua mọi khó khăn khi không có mẹ ở bên. Hàng ngày, tôi chăm con, nhưng cũng làm đủ mọi việc để trang trải cho cuộc sống của hai mẹ con ở viện, từ giặt đồ, bóp chân tay cho người ta...”, bà Đông tâm sự.
Hình ảnh người mẹ bao dung, kiên trì yêu con vô bờ bến còn được xuất hiện trong bức tâm thư từng gây bão của chàng nhạc sĩ bại não Vương Quốc Hùng (24 tuổi, Hà Nội). Khi Hùng ra đời đã bị mắc chứng bại não bẩm sinh, không thể đi lại, bà Tạ Thị Bùi mẹ Hùng đã phải nghỉ công việc kế toán để “lui về hậu trường” chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho con mình. Bà đã tự dạy con mình những bài học trong cuộc sống, giúp con toại nguyện ước mơ viết nhạc của mình.
Còn rất nhiều bà mẹ đã hy sinh cả cuộc đời, làm đôi chân cho con bước vào đời. Họ chỉ cần con được sống, cười mỗi khi mệt mỏi đã là quá đủ.
Trao đổi với PV, bác sĩ Hà Tường Phong (bác sĩ khoa Nội tổng hợp, BV Y học Cổ truyền TP.HCM) là người trực tiếp điều trị cho Nghĩa cho biết: “Bệnh nhân Nghĩa hiện nay đã tiến triển nhiều hơn trước, chúng tôi cùng gia đình cũng đang rất nỗ lực điều trị để nghĩa có thể hồi phục nhanh hơn. Ngoài sự hỗ trợ của bác sĩ, thuốc men điều trị... thì Nghĩa còn có mẹ bên cạnh, đó cũng là nguồn động viên rất lớn cho Nghĩa. Bà Đông giúp con mình từng bước đi, di chuyển lên xuống và dành cho con mình sự yêu thương, chăm sóc đặc biệt”.
Xem thêm:
Mẹ là người quan trọng, người con yêu thương nhất
Nghỉ lễ 30/4 – 1/5: Những địa điểm du lịch tại miền Bắc siêu hot
Mai Thu