Một vấn đề được nhiều người đặt ra là nếu không có vụ tự tử của bà Trần Thị Vượng thì liệu CQĐT có ngay lập tức khởi tố, bắt tạm giam ông Vũ Văn Phong (Giám đốc Cty Trường Phong) hay không?.
Các con của bà Vượng
Số nợ có thể đến vài trăm tỷ đồng?
Theo tìm hiểu của báo Nguoiduatin.vn thì ngày 8/8, khi bà Trần Thị Vượng đến Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) công an tỉnh Thái Bình làm việc và nhảy lầu tự tử tại đây thì Giám đốc Cty Trường Phong là ông Vũ Văn Phong cũng đang có mặt ở tầng 5 (trụ sở của PC 46).
Theo CQĐT thì không chỉ có chủ nợ là bà Vượng, mà có nhiều chủ nợ khác của Trường Phong cũng đến đây làm việc trong thời điểm đó. Có một điều lạ là tuy đã có mặt ở đây từ nhiều ngày trước nhưng chỉ sau một ngày, khi bà Vượng nhảy lầu tự tử, ngày 9/8, CQĐT mới ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Vũ Văn Phong. Dư luận cho rằng, sở dĩ Cty Trường Phong được ưu ái về nhiều mặt và trở nên rất nổi tiếng ở Thái Bình là do có mối quan hệ mật thiết với một lãnh đạo tỉnh trước đây(?).
Trao đổi với PV, Đại tá Nguyễn Đình Trung, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình cho biết, bước đầu xác định được Vũ Văn Phong hiện đang nợ của các ngân hàng khoảng hơn 100 tỷ đồng, trong đó ngân hàng Đông Á 99 tỷ đồng (80 tỷ dài hạn, 19 tỷ đồng ngắn hạn); nợ của ngân hàng Ngoại thương 13 tỷ đồng. Được biết hiện ngân hàng Ngoại thương đang "siết" 5 xe ô tô (có một ô tô trị giá khoảng 6 tỷ đồng) và một ngôi nhà của Cty Trường Phong. Việc nợ ngân hàng có lẽ không đáng lo lắng bằng việc nợ trong dân. Việc này không dễ xác định vì có người đến khai báo, cũng có người không. Số tiền Trường Phong huy động trong dân cũng không phải là nhỏ, trong đó Cty Gia Phong là một ví dụ.
Ngoài Gia Phong, theo tìm hiểu của phóng viên, ông Phong còn vay của nhiều cá nhân, doanh nghiệp khác như T.X (hơn 10 tỷ đồng), T.T (cho vay 13 tỷ đồng)... Số nợ này, theo người dân đồn đoán lên đến vài trăm tỷ đồng.
Ông Vũ Hồng Lĩnh, Giám đốc Chi nhánh ngân hàng Đông Á Thái Bình tỏ ra khá kín kẽ khi chia sẻ về việc vay mượn của khách hàng lớn là Cty Trường Phong. Theo ông Lĩnh thì đúng là hiện Trường Phong đang nợ Đông Á 99 tỷ đồng, số tiền này chưa đến hạn thanh toán. Một trong những dự án mà Trường Phong thế chấp vay ở ngân hàng này chính là Dự án kết cấu thép ở xã Đông Xuân, Đông Hưng, Thái Bình.
Khi được hỏi dự án này tầm cỡ như thế nào mà được ưu ái vay nhiều tiền đến thế, ông Lĩnh trả lời: "Chị cứ xuống đó xem sẽ biết dự án như thế nào". Ông Lĩnh cũng cho biết, hiện chưa có kết quả quyết toán công trình ở đây nhưng với việc nắm được dự án đó thì số nợ này không phải là không giải quyết được.
Nhiều chủ nợ... chọn cách im lặng
Theo một cán bộ điều tra thì sở dĩ việc nhiều người sẽ im hơi lặng tiếng, không hé lộ về số tiền Cty Trường Phong nợ vì bản thân họ cũng đi "buôn tiền" để cho vay nặng lãi. Họ sợ nói ra có khả năng mất trắng, thậm chí còn bị dính dáng đến pháp luật.
Trụ sở Cty Trường Phong ở xã Đông Xuân, Đông Hưng, Thái Bình, cũng là nơi xây dựng Dự án kết cấu thép được dùng để thế chấp vay hàng trăm tỷ của ngân hàng Đông Á
Một số người dân phản ánh, trước dấu hiệu vỡ nợ của Cty Trường Phong, không ít chủ doanh nghiệp, cá nhân ở Thái Bình cũng bỗng nhiên mất tích, như chủ Cty Đ.H, chủ công ty T.T. Qua các mối quen biết, PV đã tiếp cận được với một trong những chủ nợ của Trường Phong (được biết Cty này cho Trường Phong vay đến 13 tỷ đồng) nhưng khi biết được có nhà báo hỏi thăm, chủ nợ này đã tìm cách từ chối "vì không muốn dây dưa".
Theo một số phản ánh thì ông Phong có liên quan mật thiết đến đường dây vay nặng lãi ở tỉnh. Ông Phong không chỉ vay của một nhóm, mà còn vay của nhiều nhóm khác nhau. Việc vay - trả nợ chủ yếu thực hiện theo luật riêng. Tín dụng đen cũng là nguyên nhân làm phát sinh cũng không ít vụ đòi nợ, thanh toán kiểu giang hồ.
Lãnh đạo một Chi nhánh ngân hàng ở Thái Bình (xin được giấu tên) chia sẻ: "Tình trạng tín dụng đen phát triển ở Thái Bình rất nhiều người biết nhưng không làm gì được. Nó làm ảnh hưởng không nhỏ đến khách hàng của ngân hàng. Ví dụ, một khách thế chấp một ngôi nhà để vay tiền ngân hàng nhưng đồng thời người này cũng nợ tiền của nhiều chỗ khác. Những chủ nợ này đến đập phá, tháo dỡ đồ đạc... sẽ ảnh hưởng đến tài sản thế chấp, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự ở địa phương.
Để hạn chế tình trạng này, ngân hàng này cũng rất thận trọng trong xét duyệt hồ sơ khách hàng để cho vay. Đối tượng nào thuộc diện nghi ngờ (có khả năng liên quan đến cho vay nặng lãi) thường chúng tôi phải tính toán thận trọng trước khi quyết định cho vay hay không... Vì điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến mức rủi ro của khoản vay". Vị cán bộ này cũng lo lắng về hiệu ứng dây chuyền có thể xảy ra từ việc cho vay nặng lãi. Một mắt xích bị vỡ, sẽ kéo theo cả đường dây.
Trước vấn đề bức bối mà dư luận Thái Bình đang quan tâm, PV đã liên lạc với Đại tá Tô Văn Cường, Trưởng phòng PC46 công an tỉnh Thái Bình để tìm hiểu về việc vay mượn của Cty Trường Phong, cũng như trách nhiệm của cơ quan công an trước tình trạng tín dụng "đen" hoành hành ở đây, ông Cường cho biết: "Hiện vụ việc đang tiến hành điều tra nên chưa thể trả lời phóng viên"!.
Minh Lý