Bọn cướp giật tại TP.HCM không chỉ táo tợn mà còn rất liều lĩnh, khi thấy người dân sơ hở là liều mình ra tay. Tính chất côn đồ của những tên cướp giật tăng lên từng ngày, khiến cho nhiều người dân luôn phập phồng lo sợ mỗi khi đi ra đường.
Một vụ cướp giật vừa xảy ra tại TP.HCM được máy ghi hình quay lại
Thực trạng đáng lo ngại
Nhắc đến cụm từ "cướp giật trên đường phố", nhiều người dân tại TP.HCM xem đó là nỗi kinh hoàng. Chỉ cần một chút sơ hở là người dân sẽ trở thành "mồi ngon" của bọn cướp giật. Chị Hồ My Vân (23 tuổi, ngụ tại Thủ Đức) kể lại nỗi kinh hoàng của mình khi lần đầu chạm mặt với bọn cướp giật.
Chị Vân cho biết: "Vào ngày cuối tuần, tôi và người yêu chở nhau ra khu vực vắng người tại quận Thủ Đức ngồi tâm sự. Trong lúc đang nói chuyện, tôi chợt thấy lành lạnh ở cổ, sau đó là giọng ồm ồm của một thanh niên cất lên. Tôi nhớ rõ lại từng câu hắn nói như ra lệnh: Có bao nhiêu tiền mau đưa hết ra cho tao để còn mạng mà về nhà. Giữa lúc vắng người không biết phải kêu ai, trong khi dao đã kề tới cổ, tôi và bạn trai đành ngoan ngoãn gom tất cả tiền bạc, nữ trang và điện thoại có trong người cho tên cướp lạ mặt. Sau lần đó, chúng tôi không bao giờ đi đến những nơi vắng người chơi".
Nếu như trước đây, các vụ cướp chỉ xảy ra ở những nơi ít người qua lại, phần lớn cướp vào đêm khuya, thì bây giờ, bọn cướp giật còn tấn công người giữa ban ngày và ngay giữa lúc đông người. Trần Hoàng Nhật Lan, SV năm 2 trường đại học KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) còn nhớ như in cái ngày bị cướp giật khi đang chạy xe trên đường.
Hôm đó Nhật Lan chạy xe lên trường để học, trên lưng có một chiếc ba lô đựng một ít tiền và một chiếc laptop hiệu Sony Vaio.Khi đi đến cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) thì Lan nghe một tiếng xe rồ ga chạy lại kè sát bên Lan để hỏi đường. Trong lúc Lan đang tìm cách chỉ đường cho người khách lạ, thì bọn chúng giật lấy cái ba lô đang được đeo trên người Lan. Trong lúc giằng co để lấy túi, bọn cướp giật quá mạnh khiến cho Lan loạng choạng tay lái rồi ngã sõng soài xuống đường. Bọn chúng chỉ chờ có thế, giật lấy chiếc ba lô của Lan rồi mất hút theo dòng xe tấp nập.
Cách đây không lâu chị Ngô Thị Hồng (ngụ Phú Nhuận) có dịp đi chợ đầu mối, trong người chỉ xách duy nhất một chiếc giỏ. Sau khi nghe điện thoại xong, chị bỏ điện thoại vào giỏ và tiếp tục đi bộ trên vỉa hè. Chỉ chờ có thế, một tốp thanh niên từ đâu xông tới, chúng cướp ngay chiếc giỏ đang đeo trên người của chị. Nhưng không may, quai túi mắc phải chiếc đồng hồ, không thể nào kéo ra được.
Lúc này, bọn cướp vẫn không chịu buông tha cho con mồi, chúng gồng hết sức người để kéo luôn cả người và giỏ trên suốt một quãng đường dài 20 mét. Một bên chân của chị Hồng bị kéo lê trên đường, da bị rách ra thành từng mảng, máu chảy ra ào ào. Rất may trong lúc đó nhiều người lái xe ôm vác gậy đuổi theo dọa bọn cướp thì chúng mới buông ra còn chị Hồng thì may mắn thoát chết.
Liều lĩnh và manh động
Không chỉ cướp giật ở những chỗ vắng người, những tên cướp giật còn hung hăng giở hết các ngón nghề ở chỗ đông người. Anh Trần Hoàng Dự là một trường hợp như thế. Trong một lần đến nhà thờ Đức Bà (quận 1), anh Dự liền tức cảnh sinh tình, lấy chiếc máy Canon xịn vừa mới mua được để chụp hình làm kỷ niệm. Một tay thì loay hoay xoay máy tìm một góc độ đẹp để bấm, một tay thì giữ lấy dây máy. Đang say sưa chụp thì anh ngã nhào xuống đất, một nhóm tên cướp giật phăng chiếc máy ảnh trên tay anh, chúng còn không quên đạp anh một cái thật đau điếng trước khi bỏ đi. Đến lúc hoàn hồn thì anh mới hay chiếc máy ảnh đã "không cánh mà bay".
Anh Dự kể: "Điều tôi bức xúc nhất là ở chỗ tôi đang đứng là nơi đông người, xe cộ qua lại cũng nhiều, vậy mà tên cướp kia dám liều lĩnh ra tay. Bọn chúng ngày càng trở nên lộng hành hơn bất cứ lúc nào".
Theo tìm hiểu của PV, trong lúc hành nghề, bọn cướp giật thường đi từ hai người trở lên để được yểm trợ. Bên cạnh đó, chúng rất thích sử dụng phương tiện là xe gắn máy phân khối lớn, hoặc xe đã thay đổi kết cấu chế lên tốc độ cao để dễ dàng thoát thân sau khi đã cướp giật được tài sản.
Trung tá Nguyễn Lê Hùng, đội trưởng Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, PC45, công an TP.HCM
Người dân nên tự bảo vệ mình
Cách đây một năm, cũng trên cầu Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1), anh Trần Quốc Dũng (quận 5) bị cướp giật mấy chiếc túi khiến anh té xuống xe bị thương nặng. Thấy anh Dũng nguy kịch, nhiều người đi đường nhanh chóng đưa anh vào bệnh viện để cấp cứu. Nhưng khi tới được bệnh viện thì anh Dũng đã qua đời, các bác sĩ chẩn đoán anh bị chấn thương sọ não nặng. Đến hai ngày sau, người nhà anh Dũng mới hay tin…
Để đối phó với nạn cướp giật, nhiều người dân nghĩ ra rất nhiều "chiêu độc". Chị Nguyễn Thị Ngọc Hân (quận Tân Phú) rút ra được kinh nghiệm xương máu sau lần bị cướp sạch tiền, vàng: "Mỗi lần đi đâu là tôi cất hết tiền bạc, giấy tờ ở trong người, chứ không để trong túi xách, vì lỡ nếu có bị cướp túi xách và cướp luôn xe thì còn giữ được mớ giấy tờ và tiền bạc trong người cũng đỡ khổ. Còn chị Mỹ Duyên (ngụ quận 7) chia sẻ: "Trên những đoạn đường vắng, tôi luôn rồ ga, chạy thật lẹ, đồng thời phải quan sát kính chiếu hậu trên đường. Thậm chí có cái ba lô cũng đeo trước ngực chứ không còn đeo sau lưng nữa.
Cách đây không lâu, trước sự lộng hành quá đáng của bọn cướp giật trên đường phố, nhiều người dân bình thường đã can đảm đứng ra ngăn chặn cướp. Điển hình phải kể đến "hiệp sĩ đường phố" Nguyễn Văn Minh Tiến (SN 1974, một thợ sửa chữa đồ điện tử tại quận Tân Phú).
Anh Tiến là người đã dũng cảm dùng tay không để bắt cướp giữ gìn trật tự, an ninh đường phố. Mỗi ngày, anh Tiến cùng bạn bè của mình gồm 6 người, đi trên 3 chiếc xe, đi khắp thành phố để khi nào có người tri hô lên bị cướp là anh Tiến cùng bạn bè của mình vây vào hỗ trợ. Họ giúp đỡ người bị hại bắt được cướp, lấy lại tài sản nhanh chóng. Chỉ cần nhìn thấy cướp, các "hiệp sĩ đường phố" dũng cảm liều mình chạy theo, tuy không có phương tiện hỗ trợ nhưng họ nhanh chóng tìm cách thu phục bọn cướp. Bất chấp những hiểm nguy có thể đến với mình, các "hiệp sĩ đường phố" vẫn tóm gọn những tên cướp, giao cho công an hoàn tất hồ sơ điều tra, xử lý.
Trước đây, nhóm của anh Tiến có đến 200 người, sẵn sàng cùng anh "trừ gian, diệt bạo". Được một thời gian thì câu lạc bộ của anh Tiến "rơi rụng" dần vì nhiều lý do riêng, đến nay còn chưa đầy được 20 người. Ban đầu, nhóm hiệp sĩ là nhóm tự phát, nhưng sau này đã được bộ Công an đồng ý cho lập câu lạc bộ "hiệp sĩ đường phố" ngăn chặn nạn cướp giật. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều người thì những "hiệp sĩ đường phố" này luôn nêu cao tinh thần nghĩa hiệp.
Anh Tiến cho biết: "Bản thân tôi cũng đã kiến nghị với giám đốc công an TP.HCM cho thành lập một câu lạc bộ "hiệp sĩ đường phố" TP.HCM với phạm vi hoạt động rải đều trên 24 quận, huyện để chúng tôi ủng hộ lực lượng hình sự trong công cuộc săn bắt cướp, để chúng tôi được hoạt động hợp pháp. Nếu được chúng tôi có thể hoạt động 24/24h".
Giống như anh Tiến còn có anh Nguyễn Thanh Hải ở Bình Dương, cũng là một "hiệp sĩ đường phố" chuyên đi giúp những người bị cướp giật. Các anh vẫn luôn kề vai, sát cánh cùng với lực lượng công an, cảnh sát giữ gìn trật tự an ninh đường phố theo tinh thần: Mọi người dân cùng đồng tâm hiệp lực giữ gìn trật tự và an ninh đường phố.
Trung tá Nguyễn Lê Hùng, đội trưởng Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45), công an TP.HCM cho biết: 3 tháng đầu năm 2012, trên toàn địa bàn TP.HCM đã xảy ra 263 vụ cướp, trong đó công phá được 227 vụ, bắt 324 đối tượng, đạt tỷ lệ thành công trên 86%. So với 3 tháng cùng kỳ của năm 2011, số vụ cướp giật tài sản trên đường phố giảm 25 vụ, nhưng số vụ cướp tài sản đối với người nước ngoài lại tăng cao. Hầu hết các vụ cướp giật tài sản trên đường phố chúng tôi đều xử lý nghiêm minh, truy tố trước pháp luật sau đó. Hiện nay, PC45 TP.HCM đang phối hợp cùng với công an các quận, huyện trọng điểm quyết tâm truy quét loại tội phạm cướp giật.
|
Hợp Phố - Hương Sen