Sách giáo khoa sau năm 2015 phải được xây dựng trên các quan điểm quan trọng nhất của giáo dục hiện đại là lấy học sinh làm trung tâm - khẳng định này đã được tại hội thảo quốc tế Đổi mới và hiện đại hóa chương trình và sách giáo khoa theo định hướng phát triển bền vững được NXB Giáo dục, Ủy ban quốc gia UNESCO cùng một số đơn vị tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 30 và 31/10.
Quan niệm mới về SGK
PGS Trần Đức Tuấn, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sách và học liệu giáo dục, NXB Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh những đổi mới và hiện đại hóa sách giáo khoa (SGK) phổ thông phải được bắt đầu từ những đổi mới về tầm nhìn và quan niệm đối với SGK.
Điều này thể hiện rất rõ ở các nước phát triển như Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Thụy Điển… và một số nước đang phát tiển như Singapore, Hàn Quốc. GS Leif Oestman - trường ĐH Tổng hợp Upsala, Thụy Điển cho hay trước đây nhiều cuốn SGK phổ thông của Thụy Điển được thiết kế và biên soạn theo quan điểm thuần túy khoa học, nội dung cấu trúc mang nặng tính hàn lâm. Trong những thập kỷ gần đây, đã có những đổi mới căn bản trong quan niệm xây dựng chương trình – SGK ở Thụy Điển. SGK mới được thiết kế theo quan điểm khoa học ứng dụng, tích hợp lồng ghép các giá trị của đời sống thực tế…
Từ kinh nghiệm của các nước tiên tiến, ông Tuấn khẳng định, SGK phổ thông mới phải là công cụ hữu hiệu để tổ chức dạy học theo quan điểm lấy học sinh làm trung tâm theo hướng tăng cường hoạt động dạy học hợp tác và tương tác, vừa là sản phẩm, vừa là công cụ của công nghệ dạy học, là công cụ đắc lực của giáo dục phát triển bền vững. 5 tiêu chuẩn và 10 tiêu chí cơ bản đổi mới và hiện đại SGK cũng đã được xác lập, trong đó nhấn mạnh đến tính sư phạm, tính khoa học – hiện đại và tính thực tiễn và bền vững.
Ảnh minh họa.
GS Đinh Quang Báo- Bộ phận thường trực Ban chỉ đạo đề án Đổi mới chương trình và SGK sau năm 2015- cho biết, với tư tưởng đổi mới này, mô hình cấu trúc SGK sẽ có nhiều thay đổi. Phần nội dung môn học không trình bày đơn vị bài học theo tiết học mà theo chủ đề nội dung tương ứng với các tình huống tích hợp.
Ông Báo cũng lưu ý việc thiết kế các chủ đề về nội dung cần chú ý đến mỗi chủ đề có tính trọn vẹn nhất định và đặt tiêu đề tương ứng với các cấu trúc: phần - chương - chủ đề - các hoạt động. Việc tổ chức học các chủ đề trong SGK phải đảm bảo các nội dung: cần biết gì, cần nghiên cứu đề tài khoa học nào, câu hỏi thảo luận và các hoạt động nhóm là gì, câu hỏi trắc nghiệm và đề cương báo cáo kết quả nghiên cứu.
Theo ông Báo, với cấu trúc trên, SGK sẽ thực sự là một cẩm nang tổ chức dạy học, trong đó hoạt động tìm tòi là đơn vị cấu trúc với các mã hóa về kiến thức, kỹ năng, thái độ.
Nhiều rào cản thách thức đổi mới
Khẳng định SGK mới trong nhà trường hiện đại vừa là nơi chứa đựng thông tin khoa học lớn, vừa là kịch bản định hướng tổ chức các hoạt động dạy – học, GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh, các tác giả SGK phải có năng lực “hai trong một”. Theo chuyên gia này, ở nước ta không có cơ sở (viện hay trung tâm) nghiên cứu biên soạn SGK riêng biệt như ở một số nước khác trên thế giới, vì thế không có đội ngũ các nhà sư phạm chuyên sâu về SGK, hoạt động chuyên nghiệp biên soạn SGK. “Phần lớn các tác giả tự rút kinh nghiệm qua tham gia nhiều đợt biên soạn SGK nên tuy rất uyên bác về chuyên môn nhưng còn hạn chế về tri thức giáo dục học. Đó thực sự là một khó khăn”- ông Đinh Quang Báo cho hay.
Bên cạnh những khó khăn từ đội ngũ những người viết sách, việc các trường sư phạm vẫn đi theo lối mòn trong giảng dạy cũng là một rào cản của công cuộc đổi mới. GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay, trong những lần đổi mới trước, các trường sư phạm gần như đứng ngoài cuộc, dù phần đông đội ngũ làm chương trình và viết SGK là các thầy cô trong trường.
GS Nguyễn Khắc Phi – nguyên tổng Biên tập NXB Giáo dục- cũng đánh giá, các trường sư phạm đang chậm chân trong khâu đổi mới để bắt kịp chương trình - SGK. “Dự kiến năm 2016 sẽ có sách giáo khoa mới thí điểm, việc dạy học phải theo chủ đề, kết hợp kiến thức liên môn. Bậc THCS sẽ không còn các môn lí, hóa, sinh dạng độc lập nữa mà chỉ còn môn khoa học.. nhưng các trường sư phạm vẫn đào tạo như hiện nay thì giáo viên làm sao hòa nhập được? – GS Phi băn khoăn.
Ông cũng lo lắng ở các nước tiên tiến việc đào tạo giáo viên luôn đi trước chương trình - SGK ít nhất 5 năm còn ở nước ta, trong những lần đổi mới trước, giáo viên luôn chạy theo chương trình, SGK. Trước những thách thức này, TS Hoàng Thanh Tú, Trường ĐH Giáo dục, ĐH quốc gia Hà Nội khẳng định, chỉ khi chương trình – SGK được triển khai đồng bộ với các điều kiện khác nhau tập huấn giáo viên, phương tiện dạy học, trang thiết bị… thì mới mong đạt được hiệu quả.
Ngọc Lan