Chuyện sao Việt bị lợi dụng hình ảnh với mục đích quảng cáo và trục lợi không còn xa lạ trong giới showbiz. Không ít người nổi tiếng “dở khóc, dở cười” vì bị xài “chùa” hình ảnh một cách bất hợp pháp.
Mới đây nhất, ca sĩ Mỹ Linh “nổi đóa” khi bị một trang web mạo danh hình ảnh vợ chồng cô để quảng cáo thuốc trá hình. Theo nữ ca sĩ, nội dung của bài viết này hoàn toàn bịa đặt và không hề có chuyện, ông xã cô – nhạc sĩ Anh Quân mắc chứng ngủ ngáy. Bức xúc trước hành động mạo danh vợ chồng cô để kinh doanh, Mỹ Linh – Anh Quân cho hay sẽ nhờ luật sư can thiệp để xử lý đơn vị này.
Trước Mỹ Linh, không ít sao Việt đã rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” khi tự nhiên trở thành gương mặt đại diện cho các nhãn hàng như vụ việc ca sĩ Lâm Chi Khanh bị xài "chùa" hình ảnh để quảng bá cho một hãng khăn giấy ướt Hoa hậu Diễm Hương, Trương Ngọc Ánh,... cũng gặp “tai bay vạ gió” khi bị kẻ xấu lợi dụng để quảng cáo trắng trợn. Oái oăm hơn, Hoa hậu Kỳ Duyên, người mẫu Khánh My từng khốn khổ khi hình ảnh của họ xuất hiện trên những quảng cáo “nhạy cảm”.
Lâu nay, tên tuổi và hình ảnh của người nổi tiếng gắn liền với một sản phẩm, nhãn hàng nào đó được xem như bảo chứng mang lại uy tín và độ tin cậy đối với công chúng. Thế nên, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng và cố tình lấy cắp hình ảnh của các nghệ sĩ để “tung hỏa mù” giả mạo tin tức với mục đích quảng cáo trá hình và trục lợi.
Hành động sử dụng hình ảnh vô tội vạ rất nguy hiểm, nhất là với tốc độ lan truyền khủng khiếp trên mạng xã hội như hiện nay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng của người bị giả mạo. Đặc biệt, với những cơ sở làm ăn không uy tín, không kiểm soát được chất lượng, sẽ khiến hình ảnh của các nghệ sĩ bị xấu đi hoặc có thể bị hiểu lầm và nhận chỉ trích từ công chúng. Đó là chưa kể tới việc, sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng, không thẩm định được chất lượng và nhiều khi có giá không hề rẻ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới người dùng.
Tuy nhiên, có một thực tế đang xảy ra, khi trở thành nạn nhân bị xài “chùa” hình ảnh, nhiều sao Việt dù có phẫn nộ, “nổi đóa” trên mạng xã hội, nhưng cuối cùng vẫn “tặc lưỡi” cho qua. Không ít người cho rằng, vì quy trình kiện tụng khá phức tạp và mất nhiều thời gian nên để làm cho ra nhẽ thì... chẳng hơi đâu mà theo đuổi. Thế nhưng, các nghệ sĩ lại không hay biết rằng, chính hành động nửa vời này lại là “con dao hai lưỡi” tự biến họ thành “miếng mồi câu” của kẻ xấu.
Dù nhiều lần lên án, nhưng vấn nạn lợi dụng hình ảnh nghệ sĩ vẫn cứ diễn ra như thường. Vậy trách nhiệm trong câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này thuộc về ai? Phải chăng, do người nổi tiếng không biết bảo vệ hình ảnh của mình để “mất bò mới lo làm chuồng” hay do cơ chế quản lý còn buông lỏng?
Hà Linh