Các nhà chức trách Bangladesh lo ngại, số người thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà 8 tầng ở thủ đô Dhaka sẽ tiếp tục tăng cao bởi hàng trăm người có thể vẫn đang mắc kẹt dưới đống đổ nát. Trong khi đó, nguồn tin từ các nhà chức trách cho biết, ngoài 82 người thiệt mạng, số nạn nhân bị thương trong vụ sập nhà tại Bangladeshđã tăng lên hơn 600 người.
Hiện trường vụ sập nhà tại Bangladesh. |
Tòa nhà 8 tầng vừa đổ sập là là trụ sở của một nhà máy sản xuất quần áo, một ngân hàng và nhiều cửa hàng khác. Khối gạch và bê tông khổng lồ bất ngờ đổ sập đúng giờ cao điểm buổi sáng, khiến số nạn nhân tăng cao đột biến. Những gì còn đứng vững tại hiện trường vụ sập nhà chỉ là những cây cột ở phía mặt tiền. Truyền thông địa phương cũng cáo buộc, rất nhiều vết nứt tồn tại trên cấu trúc tòa nhà trước khi nó đổ sập.
Thân nhân những người làm việc bên trong tòa nhà ngóng chờ tin tức. |
Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời ông Mohammad Asaduzzaman, cảnh sát trưởng khu vực cho biết, chủ nhà máy may mặc đã phớt lờ cảnh báo của các nhà chức trách, cố tình cho phép nhân viên vào làm việc bên trong tòa nhà khi những vết nứt nguy hiểm được phát hiện.
Phóng viên BBC có mặt tại hiện trường cho biết, lực lượng cứu hộ đang dùng máy xúc và các loại thiết bị cắt bê tông chuyên dụng để di chuyển những khối vật liệu khổng lồ, tìm kiếm người mất tích. Trong khi đó, tầng trệt của tòa nhà, nơi đặt trung tâm thương mại Rana Plaza vẫn may mắn không bị phá hủy sau sự cố.
Những người khỏe mạnh tham gia cứu giúp các nạn nhân. |
Hiện tại, các nhà chức trách đang nỗ lực mở đường vào khu vực này để giải cứu những người mắc kẹt. Trong khi đó, người dân sống xung quanh khu nhà sập cùng những gia đình có thân nhân mất tích đang dùng mọi loại phương tiện thô sơ, thậm chí là tay không để đào bới đống gạch vụn tìm người thân.
Một công nhân may mặc may mắn sống sót cho biết: “Tôi đang làm việc ở khu vực cắt vải của nhà máy thì đột nhiên nghe thấy những tiếng động rất lớn. Ngay sau đó, toàn bộ tòa nhà đổ sập xuống chỉ trong vài phút. Tôi và 2 công nhân khác đã cố gắng thoát thân khỏi đống đổ nát. Tuy nhiên, vẫn còn ít nhất 30 công nhân làm ở bộ phận cắt vải của chúng tôi hiện đang mất tích”.
Một nạn nhân được cứu sống từ đống đổ nát. |
Trên thực tế, những vụ sập nhà thường xuyên xảy ra ở Bangladesh bởi chất lượng các công trình thấp do các nhà thầu không tuân thủ quy định về xây dựng của chính phủ. Ngoài ra, tiêu chuẩn về an toàn cho các công trình ở Bangladesh cũng bị thả lỏng, khiến số người thiệt mạng trong các tai nạn luôn ở mức cao.
Hàng trăm người vây kín xung quanh ngôi nhà bị sập để chờ tin từ những người gặp nạn. |
Trong tháng mười một năm ngoái, một đám cháy tại nhà máy may mặc ở ngoại ô Dhaka đã cướp đi mạng sống của 110 người và gây ra cuộc phản đối công khai về việc tuân thủ tiêu chuẩn an toàn trong các nhà máy. Trước đó, năm 2010, một vụsập nhà 4 tầng tại chính thủ đô Dhaka cũng cướp đi mạng sống của 25 người và làm nhiều người khác bị thương.
Nhân viên cứu hộ tiếp cận khu vực tình nghi có người mắc kẹt. |
Đám đông vây kín hiện trường vụ sập nhà. |
Các nhà chức trách quan ngại, hàng chục người có thể còn mắc kẹt dưới những khối bê tông khổng lồ. |
Theo Infonet