Trong khi tỉnh Đồng Nai hạn chế và ngưng cấp phép cho các dự án khai thác khoáng sản ở khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai, thì tỉnh Lâm Đồng lại cấp phép cho nhiều dự án khai thác cát “khủng” ở khu vực này.
Việc cấp phép tràn lan dẫn đến tình trạng thượng nguồn sông Đồng Nai bị tàn phá nặng nề. Không dừng lại ở đó, việc khai thác cát ồ ạt còn ảnh hưởng đến đời sống người dân, đe dọa vườn quốc gia Cát Tiên,… để lại hệ lụy khó lường.
Thượng nguồn sông Đồng Nai là vùng giáp ranh 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước. Do địa hình khá hiểm trở, xa trung tâm, việc khai thác cát không được kiểm soát nên có sự náo loạn, lẫn lộn giữa khai thác có phép và không phép. Mỗi ngày, khúc sông thượng nguồn bị tàn phá khiến người dân và đại diện vườn quốc gia phải lên tiếng cầu cứu.
Để ghi nhận tình hình thực tế, phóng viên đã tìm về xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Đây là vùng giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai và huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. Ở khu vực này, một bên sông là đất trồng trọt của người dân, còn đối diện là rừng Nam Cát Tiên.
Mặc dù thời điểm PV đến là ban ngày nhưng ở khu vực này, hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra rất nhộn nhịp. Các máy cuốc, máy múc nằm lọt thỏm dưới lòng sông cạn trơ đáy để thực hiện nhiệm vụ đào bới cát.
Người dân địa phương cho biết, những chiếc máy xúc này là của một đơn vị được cấp phép đang khơi dòng để chuẩn bị triển khai khai thác cát ở mé sông. Tuy nhiên, người dân cho rằng, với việc khai thác cát một cách triệt để, các máy móc tham gia "hút cát" đã không chỉ phá sông mà còn phá luôn đất vườn, rẫy của người dân để làm nơi lên xuống sông.
Sau khi rời xã Nam Cát Tiên, PV lên phía các xã Đắc Lua, huyện Tân Phú và các vùng thuộc hai huyện Cát Tiên, Đạh Tẻ, tỉnh Lâm Đồng. Xã Đắc Lua nằm biệt lập, một bên là sông, một bên là vườn quốc gia Nam Cát Tiên, còn cách bên kia sông là xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên. Tại đây, PV chứng kiến một lúc có 8 chiếc tàu hút, xà cạp đang dàn trận, thậm chí chúi mũi vào nhau hút. Trên mỗi tàu, 4-5 nhân công vận hành máy liên tục để cho kịp chuyến cát.
Các con tàu này tự do hút bất kỳ nơi nào trên sông nếu nơi đó có nhiều cát, thậm chí thọc những ống hút vào bờ. Theo ghi nhận của PV, trong buổi sáng, những con tàu này đã hút đầy cát, bỏ lại dòng sông đục ngầu.
Điều đáng nói, ngay khu vực các tàu thò vào hút cát, dọc bờ sông đều tan hoang, sạt lở nghiêm trọng, đất đai vườn tược bị kéo xuống sông biến thành vực, có nơi đã bị “ăn” sâu hàng chục đến hàng trăm mét.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thượng Chuẩn, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Ngãi, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai nói: “Chúng tôi có đội phản ứng nhanh, cứ khoảng 10 ngày là kiểm tra một lần. Hoặc khi bà con trình báo, chúng tôi lập tức có mặt để kiểm tra nhưng phải để huyện, tỉnh lo là chính. Nếu khai thác trái phép, chúng tôi chỉ được phạt ở mức 5 triệu đồng, còn có phép thì bó tay”.
Trong khi chính quyền bất lực, thì người dân chỉ biết kêu trời, cầu mong không mất đất, không sạt lở để chuyên tâm làm ăn. Bà Nguyễn Thị Miên, người dân xã Quảng Ngãi chia sẻ: “Chúng tôi về đây lập nghiệp sinh sống cả nửa đời người, cực khổ khai khẩn đất hoang được chút đỉnh để cho con cái mà giờ "cát tặc" hút cát nhiều quá, tuột hết đất. Trước đây, cả dãy sông tĩnh lặng là bãi bồi trù phú, giờ đây đều thành vực sâu nham nhở. Họ còn đòi mua đất với giá vài triệu đồng để khai thác cát, để phá sông. Đất với người nông dân quý lắm”.
Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên bày tỏ mong muốn tất cả các dự án khai thác cát ở khu vực sát vườn quốc gia Cát Tiên sẽ dừng lại và không có dự án nào tiếp tục được cấp phép nữa. "Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm của vườn phối hợp với các huyện kiểm tra, phát hiện và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm và ngang nhiên hút cát, nhưng tình hình không kiểm soát được hoàn toàn", ông Diện nói.
Nguyễn Nhâm