Nhà lãnh đạo xuất chúng
Ông Konstantin Kostni, giám đốc của Quỹ phát triển xã hội dân sự, đã nêu lên điểm tương đồng giữa ông Putin và những nhà lãnh đạo có tầm nhìn của thế kỷ 20.
Ông đã so sánh Tổng thống Nga với cựu Tổng thống Mỹ Franklin D.Roosevelt, cựu Thủ tướng Tây Đức Konrad Adenauer và Tướng Charles de Gaulle, người thành lập Nền Cộng hòa thứ Năm của Pháp. Theo chuyên gia, điểm chung giữa Tổng thống Putin và những nhân vật tầm cỡ trên là phương pháp tiếp cận sáng tạo trong giải quyết những thách thức lớn của quốc gia và luôn nhận được tỉ lệ tín nhiệm cao.
Cựu Tổng thống Mỹ Roosevelt nhậm chức trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trầm trọng, sau đó ông công bố Hiệp định mới, bao gồm một loạt những giải pháp định hướng giúp Washington vượt qua thời kỳ trì trệ trên. Trong khi đó, ông Adenauer và Tướng Charles de Gaulle được bầu để dẫn dắt những quốc gia bị tàn phá sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Putin:Nhân vật không ai có thể thay thế
“Những chính trị gia này được công luận tin tưởng và ủng hộ cao. Đó là những điều khiến họ trở nên giống nhau”, chuyên gia Kostni nhấn mạnh.
Theo Kostin, nhiều người ở phương Tây thường suy nghĩ về ông Putin ở dưới góc độ là một nhân vật khó lường, nhưng họ phải chấp nhận điều đó, bởi đó là luật chơi trong chính trị quốc tế, ai không theo sẽ tự bị đào thải.
“Tất cả mọi người đều biết rằng ông Putin là một chính trị gia quyết đoán. Thật lạ lùng khi tôi thấy các nhà lãnh đạo nước ngoài phàn nàn rằng Tổng thống Nga là người khó đoán. Chính trị giống như một ván cờ vua. Kỳ thủ nào không để người khác đoán được trước nước cờ trước khi kết thúc cuộc chơi và có thể hiểu rõ chiến thuật của đối thủ thì kỳ thủ đó giành được ưu thế”, chuyên gia giải thích.
Người đứng đầu Đoàn Chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga Fyodor Lukyanov phân tích phương Tây thường coi ông Putin là một “nhà tư tưởng chiến lược cực kỳ khôn ngoan”, nhưng quan điểm đó chỉ hoàn toàn xuất phát từ “tâm lý sợ hãi” của giới tinh hoa.
“Mọi chuyện đều không đi theo hướng mà họ đã dự đoán. Vì vậy, họ tự tìm ra một cách để lý giải khi cho rằng ông Putin là nhân vật khó lường”, chuyên gia nói, đồng thời cho biết, hình ảnh của ông Putin tại quê nhà “không phải thứ gì đó quá thần thánh”. Ông Putin “vẫn là trụ cột trong hệ thống chính trị của nước Nga”, chuyên gia nhấn mạnh.
“Bạn có thể thích điều đó hoặc không, nhưng đó là sự thật. Đó là lý do vì sao ông ấy được đánh giá là một nhà lãnh đạo không ai có thể thay thế vào thời điểm hiện tại và cả về sau”, Lukyanov nói.
Sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Nga sau hai thập kỷ?
Ông Nikolai Mironov, người đứng đầu Trung tâm Cải cách Kinh tế và Chính trị Nga, cho rằng ông Putin luôn giữ được phong độ ổn định trong nhiều năm hoạt động chính trị liên tục, vì vậy ông vẫn được người Nga tin tưởng giao cho nhiệm vụ dẫn dắt đất nước.
“Càng nhiều tuổi, ông ấy càng giành được nhiều sự tín nhiệm. Phong thái và phương thức hoạt động chính trị của ông ấy vẫn ổn định. Ông Putin đã tự định vị được bản thân là một nhà lãnh đạo có khả năng đoàn kết đất nước và duy trì trật tự”, chuyên gia nói.
Mironov chỉ ra, hình ảnh lãnh đạo của Tổng thống Putin đã được định hình từ những năm đầu tiên ông nhận nhiệm sở. Đó là khoảng thời gian cả nước Nga nỗ lực vượt qua những bất ổn trong thập niên 90. Chuyên gia nhận định, việc sáp nhập Crimea vào Nga là một trong những thành tích lớn nhất của ông Putin.
Chính sách đối ngoại là một vấn đề ông Putin luôn chú trọng trong thời gian đương nhiệm, giúp xây dựng danh tiếng cho Tổng thống Nga, một nhà lãnh đạo đã cải thiện vị thế của Moscow trên trường quốc tế.
“Đó chính là thời điểm ông Putin giúp khôi phục vị thế của đất nước, và cũng là thử thách thứ hai mà Moscow phải đương đầu sau những di sản để lại từ những năm 1990. Cả hai nhiệm vụ đều khá thành công”, ông Mironov nói.
Giới học giả cho rằng, trong những tháng còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống, ông Putin sẽ hướng sự tập trung từ chính sách đối ngoại sang việc giải quyết các thách thức trong nước. Xu hướng này sẽ tiếp tục được tăng cường nếu ông Putin tiếp tục tranh cử và chiến thắng trong cuộc đua vào điện Kremlin diễn ra vào tháng 3/2018, bởi vì hình ảnh của nhà lãnh đạo có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu ông không giải quyết những vấn đề cải cách trong nước.
“Chất lượng cuộc sống đã giảm sút đáng kể. Chương trình nghị sự đã bắt đầu đưa ra bàn lại về những vấn đề tham nhũng và sự giao tiếp giữa chính phủ và xã hội. Những vấn đề khác như sự ưu ái đối với tầng lớp tinh hoa, chiến dịch chống tham nhũng đối với những nhân vật tầm cỡ trong chính quyền... cũng bắt đầu xuất hiện. Ông ấy cần phải làm thứ gì đó ở quê nhà, chứ không phải trên đấu trường quốc tế, nơi mọi thứ vẫn đang ổn”, Mironov nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lukyanov nói rằng những thành tựu ngoại giao khó cứu vãn được tình hình trong nước nếu nhà lãnh đạo Nga không tập trung vào các thách thức đang phải đối mặt ở quê nhà.
Ông Putin đã lãnh đạo nước Nga trong hai thập kỷ qua ở cương vị cả Thủ tướng và Tổng thống. Ông tái đắc cử Tổng thống Nga năm 2012 với nhiệm kỳ kéo dài tới đầu năm 2018. Ông Putin vẫn chưa tiết lộ kế hoạch cho kỳ bầu cử sắp tới. Nếu quyết định tham gia, ông có thể sẽ tiếp tục giành chiến thắng với 75% phiếu bầu.
Xem thêm: Bà Hillary Clinton lập một tổ chức đối đầu Tổng thống Trump
Danh Tuyên