Quân đội Nga - Mỹ sẽ hợp tác?
Đã có sự thay đổi nhiệt độ trong tảng băng quan hệ Nga-Mỹ sau cuộc điện đàm mới nhất giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin hôm 2/5, sau quãng thời gian lạnh nhạt suốt gần một tháng qua.
“Các tuyên bố từ phía Nhà Trắng và Điện Kremlin đều cho thấy, đó là một cuộc điện đàm tích cực”, MK Bhadrakumar – chuyên gia ngoại giao người Ấn Độ viết trên tờ Asia Times.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gọi cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo là “cực kỳ thú vị”, mang tính xây dựng và “trao đổi rất tỉ mỉ”.
Syria là chủ đề chính của cuộc trò chuyện. Cam kết Mỹ-Nga đối với vấn đề này đang được nối lại.
Hai vị Tổng thống tập trung vào "các hành động phối hợp trong tương lai ở Syria. Hai nước sẽ cùng nhau tìm cách ổn định lệnh ngừng bắn và làm cho mọi thứ trở nên bền vững và dễ quản lý", thông cáo từ Điện Kremlin cho hay. Ngoài ra có một gợi ý cho thấy, quân đội hai bên có thể hợp tác với nhau.
Mỹ sẽ chính thức tham gia các cuộc hội đàm tại Astana trong tuần này với chủ đề ngừng bắn ở Syria. Cuộc hội đàm sẽ có sự tham dự của Stuart Jones, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, đứng đầu Văn phòng Cận Đông. Điều gây chú ý ở Astana là việc Stuart Jones sẽ ngồi cùng bàn đàm phán với các nhà ngoại giao Iran.
“Rõ ràng, Trump đang sẵn sàng tiến vào vùng nước xoáy ở Syria”, Bhadrakumar nhận định.
Ngoài ra Tổng thống Trump dự định sẽ đích thân đảm nhiệm vai trò điều phối vấn đề Syria. Ông và người đồng cấp Putin đã giao nhiệm vụ cho các bộ trưởng ngoại giao "kịp thời" đạt được "những tiến bộ" trong giải quyết vấn đề trong cuộc nội chiến ở nước này.
Ông Tillerson và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ họp mặt vào ngày 10 và 11/5 bên lề hội nghị Hội đồng Bắc cực tại Fairbanks, Alaska.
Quan trọng nhất, Trump và Putin hy vọng sẽ có một "cuộc gặp cá nhân" trong hội nghị G20 tại Hamburg, Đức vào ngày 7-8/7.
Rõ ràng, tất cả điều này đang đánh dấu mốc cho một thời điểm quan trọng. Tổng thống Trump đang xem xét lại các cam kết trong chiến dịch tranh với việc thiết lập mối quan hệ đặc biệt với Nga và đặc biệt là Tổng thống Putin để đánh bại các nhóm khủng bố ở Trung Đông và mang hòa bình đến Syria.
Cả hai sẽ cần có sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, để ổn định và củng cố lệnh ngừng bắn ở Syria, cũng như điều hướng tiến trình hòa bình bị không gián đoạn. Mặc dù vậy, Washington và Moscow được cho là sẽ khó thuyết phục được đồng minh của họ đi theo.
Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, có những mục đích và lợi ích cụ thể đối với tình hình Syria hiện tại. Thổ Nhĩ Kỳ đang cảm thấy không hài lòng, khi Lầu Năm Góc tiếp tục hợp tác với lực lượng dân quân người Kurd với tư cách là đồng minh chính ở Syria. Mỹ và Nga sẽ cần phối hợp để điều phối ý muốn của của Ankara, theo Asia Times.
Moscow đã từng mong chờ sẽ có sự hợp tác với chính quyền Trump với những kỳ vọng sẽ dần biến thành một sự cam kết đầy đủ trong tiến trình ổn định mối quan hệ giữa hai cường quốc. Tuy nhiên, sự lạc quan ban đầu đã tan biến. Bầu không khí nghi ngại đang bao trùm ở Nga.
Ánh sáng cuối đường hầm
Sau những hướng đi mang tính chất cải cách, chính quyền của Trump đang dần quay về với nền tảng ngoại giao "truyền thống". Trong đội ngũ thân cận của Tổng thống Trump, các quan chức phụ trách đối ngoại và Lầu Năm Góc đều là những người có tư tưởng chống Nga và luôn ủng hộ một mối quan hệ cứng rắn với Moscow.
Trong khi đó cố vấn cao cấp Steve Bannon – người có xu hướng cách tân nhất trong Nhà Trắng đã bị loại khỏi đội ngũ điều phối về chính sách đối ngoại.
Nga đã phải thừa nhận có thể sớm quay lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh với Mỹ bất kỳ lúc nào, nhưng thực tế vẫn còn những cơ hội le lói.
Một quan chức Moscow đã chỉ ra gần đây: "Khác với những người tiền nhiệm, chính quyền của Trump không bao giờ có ý định thúc đẩy dân chủ ở Nga, hoặc có những tuyên bố can thiệp tới chế độ chính trị hay chỉ trích người đứng đầu”.
Trên thực tế, chính quyền Trump đã không nhắc gì đến vấn đề Ukraine hay thậm chí đề cập đến Crimea dù chỉ một lần trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gần đây.
Tổng thống Trump cũng tái xuất hiện trong một câu nói gây bất ngờ vào tuần trước rằng nó ông sẽ cảm thấy "vinh dự" nếu được gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Theo học giả Bhadrakumar, ông Trump đang cho thấy sự tôn trọng với nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng, khác xa so với những người tiền nhiệm, điều có thể cho thấy thái độ tương đồng với người đồng cấp ở Damacus.
Nhà lãnh đạo Mỹ có thể trở về với lập trường nguyên sơ của mình đó là phế truất Assad không phải là mục tiêu ưu tiên của Washington.
Đọc thêm>>> TT Trump đang điều hành nước Mỹ bằng 'tâm trạng thất thường" ?
Quốc Vinh