Trong một chuyến thăm thành phố biển Đà Nẵng của phóng viên Michael Tatarski, điều thu hút sự chú ý nhất đối với anh chính là những đoàn khách du lịch Trung Quốc có mặt ở khắp mọi nơi, từ trên các bãi biển trải dài cho đến ngôi chùa Linh Ứng nổi tiếng.
Năm 2016 ghi nhận lượng du khách Trung Quốc kỷ lục tới thăm thành phố miền trung của Việt Nam. Mặc dù mang đến lợi ích về kinh tế nhưng Tatarski cho rằng bên cạnh đó vẫn còn những khía cạnh xấu xí mà ngành công nghiệp du lịch Việt Nam phải có giải pháp cân bằng phù hợp.
Phóng viên của tờ South China Morning Post đã chứng kiến những hướng dẫn viên du lịch "chui" của Trung Quốc cố tình xuyên tạc lịch sử và văn hóa của Việt Nam trước mặt các du khách của nước họ.
Chỉ trong khoảng thời gian một vài năm trở lại đây, những hướng dẫn viên du lịch không phép mọc lên như nấm để đáp ứng cơn sốt khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam.
Để phục vụ cho các du khách đến từ đại lục, các hướng dẫn viên này thường đặt những quan điểm của Trung Quốc làm trung tâm, nghiêm trọng hơn là thêm thắt những câu chuyện hoang đường về cái gọi là Trung Quốc thống trị Đông Nam Á hay chiếm đóng Biển Đông mà bãi biển Đà Nẵng cũng là một phần tiếp giáp.
Năm 2016 ghi nhận con số kỷ lục 2,7 triệu khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, tăng trưởng tới hơn 55% so với năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam. Điều đó có nghĩa rằng chỉ riêng khách du lịch từ Trung Quốc đại lục đã chiếm 30% tổng số khách quốc tế đến với Việt Nam.
Theo Tatarski, hầu hết du khách Trung Quốc chọn Đà Nẵng hoặc Nha Trang, hai thành phố ven biển ở trung tâm Việt Nam "bởi đây là nơi nổi tiếng với những bãi biển đẹp, những di tích lịch sử và hải sản tươi ngon".
Các hướng dẫn viên du lịch bản địa và có giấy phép của Việt Nam đang bị chèn ép ngay trên sân nhà khi các nhóm hướng dẫn viên "chui" của Trung Quốc bị cáo buộc nói với người dân nước họ rằng người Việt Nam ghét người Trung Quốc, và rằng họ tốt nhất không nên tin gì từ các hướng dẫn viên địa phương.
Nhóm này cũng cố tình sử dụng tiếng Quảng Đông hoặc tiếng địa phương để khiến các hướng dẫn viên bản địa không thể hiểu.
"Gần đây, một số hướng dẫn viên không có giấy phép của Trung Quốc đã cung cấp thông tin không chính xác về vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông", ông Nguyễn Hữu Tuấn, quản lý tại Công ty Tour In-Out, có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh nói với phóng viên của SCMP.
"Những hướng dẫn viên không phép của Trung Quốc đã xuyên tạc sự thật, gây bối rối cho người dân và chính quyền", ông Tuấn nói.
Trong khi đó bản thân những công ty khai thác du lịch bản địa cũng không hài lòng với sự hoành hành của hướng dẫn viên chui người Trung Quốc.
"Theo luật, người nước ngoài không được phép làm hướng dẫn viên du lịch ở Việt Nam", ông Trần Trà, Chủ tịch Câu lạc bộ hướng dẫn viên Đà Nẵng cho biết. Lúc đầu, "hướng dẫn viên người Việt cảm thấy vui khi lượng khách Trung Quốc gia tăng ai cũng nghĩ rằng "đây là cơ hội kiếm tiền và gia tăng lợi ích kinh tế cho thành phố".
Thế nhưng mọi điều lại xảy ra trái ngược với kỳ vọng - họ đã bị mất việc vì "nhà khai thác tour du lịch phía Trung Quốc lại giao cho những hướng dẫn viên bất hợp pháp phía nước này đảm nhận".
Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Đà Nẵng, Cao Trí Dũng, cho biết không chỉ sai về khía cạnh pháp lý, hướng dẫn viên địa phương cảm thấy bị xem thường bởi sự thiếu sự hợp tác từ các nhà khai thác du lịch Trung Quốc.
Hồi đầu tháng 7, chính quyền Đà Nẵng và Nha Trang đã có những biện pháp mạnh tay đầu tiên đối với vấn nạn nói trên. Đà Nẵng đã trục xuất 4 hướng dẫn viên người Trung Quốc đang hoạt động bất hợp pháp và phạt số tiền 4200 USD, trong khi các công ty thuê mướn họ đã bị thu hồi giấy phép và bị phạt 560 USD.
Cùng tháng, tỉnh Khánh Hòa đã trục xuất 66 người Trung Quốc đang làm việc bất hợp pháp trong ngành hoạt động du lịch ở địa phương này.
Phóng viên Tatarski nhận định, mặc dù có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, người Việt Nam rất để tâm đến vấn đề tranh chấp chủ quyền hay những động thái xâm phạm lợi ích quốc gia đến từ đất nước láng giềng, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.
Việt Nam là quốc gia tự hào về đất nước và lịch sử, bởi vậy những nỗ lực bóp méo sự thật của các hướng dẫn viên nước ngoài luôn được coi là vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Đồng thời những hành động xấu xí của du khách Trung Quốc cũng bị xử phạt nghiêm khắc.
Hồi tháng 6, một du khách Trung Quốc đã đốt tiền Việt Nam trong một quán bar ở Đà Nẵng, một số người Trung Quốc khác còn quấy rối hàng quán trên đường phố khi đòi trả tiền bằng đồng nhân dân tệ hay có khách du lịch còn lớn tiếng đe dọa nhân viên tại sân bay quốc tế Cam Ranh.
Chính quyền Đà Nẵng đã phản ứng bằng cách phát hành 5.000 bản cẩm nang ứng xử đặt tại các nơi công cộng, viết bằng tiếng Trung về những hành vi mà khách Trung Quốc cần phải tuân thủ như xếp hàng để mua vé, tôn trọng văn hóa địa phương, không xả rác hoặc say rượu ở nơi công cộng.
Việt Nam hiểu được rằng tiềm năng kinh tế đến từ khách du lịch Trung Quốc là điều rất đáng hoan nghênh. ông Như Tuấn, từ Công ty In-Out Tour cho biết: "thực tế nhiều du khách Trung Quốc tới sẽ thúc đẩy du lịch địa phương và nền kinh tế".
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng du lịch VN sẽ nhẹ tay bỏ qua những trường hợp xâm phạm nghiêm trọng đến văn hóa, lịch sử, lợi ích của đất nước.
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, du khách Trung Quốc nhiều khi cảm thấy không hài lòng với các hướng dẫn viên địa phương nói không tốt ngôn ngữ của họ, bởi vậy các bộ phận chức năng đang tăng cường thêm các hoạt động trau dồi kỹ năng để đáp ứng những nhu cầu này.
"Chúng tôi cũng đang hợp tác với Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, các địa điểm du lịch, các nhà khai thác để phối hợp xây dựng nguồn nhân lực ngoại ngữ tốt nhất phục vụ cho du khách Trung Quốc tại một số điểm du lịch nhất định", ông Cường nói với phóng viên SCMP.
Thông qua cuốn cẩm nang ứng xử cùng các sáng kiến nói trên, Đà Nẵng và Nha Trang hy vọng sẽ thu lợi ích từ những khía cạnh đáng hoan nghênh của du lịch Trung Quốc, ngay cả khi chính quyền mạnh tay loại bỏ không ít những hướng dẫn viên, những nhà khai thác du lịch cố tình xuyên tạc lịch sử, văn hóa của Việt Nam.
Quốc Vinh