Như báo Người Đưa Tin phản ánh, sau 2 năm miệt mài nghiên cứu, 2 nữ sinh Đan Khuê và Nam Anh (trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên Hà Nội) đã sàng lọc ra một chất có công dụng mạnh hơn thuốc điều trị ung thư trên thị trường từ 5-8 lần khiến ngay cả các nhà khoa học trong nước cũng phải trầm trồ thán phục.
Với thành công bước đầu, hai nữ sinh ấp ủ dự định bào chế thuốc chữa ung thư “Made in Vietnam”, mở ra hy vọng cho nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh quái ác này.
Theo dự án của hai nữ sinh trên, đóng góp mới nhất của dự án chính là đã tổng hợp được 14 dẫn chất có tác dụng ức chế HDAC-2 và có hoạt tính ức chế mạnh trên các dòng tế bào ung thư (đại tràng, tiền liệt tuyến và tuyến tụy). Các chất ức chế HDAC đang trở thành các tác nhân chống ung thư đầy triển vọng.
Trước thông tin Đan Khuê và Nam Anh đang ấp ủ dự định bào chế thuốc chống ung thư “made in Vietnam”, rất nhiều người hy vọng giấc mơ của hai em sẽ được hiện thực hóa và mang lại những tia sáng cho bệnh nhân nghèo khi mắc căn bệnh quái ác này.
Chia sẻ với PV, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức- nguyên giảng viên đại học Y dược TP.HCM cho rằng: "Hiện nay trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu và sản xuất thuốc điều trị nhằm tiêu diệt các tế bào ác tính của ung thư và việc nghiên cứu gần như “chạy đua với thời gian”".
"Chung xu thế đó, nghiên cứu khoa học y sinh của hai em cho thấy những người trẻ luôn tràn đầy nhiệt huyết và họ thấy được mối đe dọa khủng khiếp từ căn bệnh ung thư đối với chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Đó là sự thành công đầu tiên của hai em và đáng được khích lệ", PGS. Đức nhận định.
Tuy nhiên theo PGS.Đức, trên thực tế đã có nhiều cá nhân, nhóm nghiên cứu đưa ra bằng chứng về các dẫn chất ức chế tế bào ung thư và có thể bào chế thuốc. Dù vậy, phần lớn mới dừng lại ở những nghiên cứu bước đầu, trong ống nghiệm và thử trên các tế bào ung thư.
Khi PV đề cập đến 14 dẫn chất kháng ung thư mới mà hai nữ sinh đã sàng lọc ra, một chất có công dụng mạnh hơn thuốc điều trị ung thư trên thị trường từ 5 - 8 lần và chưa thấy trong công bố nào ở Việt Nam cũng như thế giới, vị PGS này cho rằng đó mới chỉ là 1/10 chặng đường phía trước.
“Ở Việt Nam cho đến nay, chưa có công trình bào chế thành công thuốc điều trị ung thư và chúng ta có quyền hy vọng”, PGS.Đức nhấn mạnh.
Một chuyên gia ung bướu cho rằng, để những nghiên cứu của hai nữ sinh trên có thể ứng dụng vào thực tế, cần có những thử nghiệm trên động vật và gắn với tế bào ung thư. Từ việc tìm ra dẫn chất, bào chế và tiến hành thử nghiệm trên động vật, cho đến việc sử dụng trong điều trị bệnh nhân ung thư phải mất một quá trình rất dài, có thể là 10 năm, 15 năm vì còn qua nhiều giai đoạn thử nghiệm trên người.
“Theo tôi, cần thiết có labo để nuôi tế bào ung thư rồi thử nghiệm các dẫn chất đó. Nhưng điều cần thiết là phải biết về sinh học tế bào và có sự tham gia của những nhà khoa học chuyên ngành mới hy vọng có thể ứng dụng vào thực tế”, vị này nhấn mạnh.
Công Luân - Hương Lan