Michael Thorne, một nhà địa chất của Đại học Utah tại Mỹ, phát hiện sự hình thành của siêu núi lửa bên dưới Thái Bình Dương khi ông và các đồng nghiệp nghiên cứu các sóng địa chấn dội vào lớp vỏ trái đất, Stuff đưa tin.
Hình minh họa một siêu núi lửa phun trào từ bên dưới lớp vỏ trái đất. (Ảnh: IOL)
Ít nhất hai khối đá khổng lồ - mỗi khối có diện tích tương đương một lục địa - đang đâm vào nhau trong quá trình di chuyển ở vùng ranh giới giữa lớp phủ và lõi ngoài của trái đất. Vị trí mà chúng tiếp xúc với nằm ở phía bắc New Zealand và ở độ sâu khoảng 2.900km so với mặt đất. Do sự va chạm của chúng, một vùng đá nóng chảy đang hình thành. Vùng đá này có thể ngoi lên mặt đất và phun trào, khiến một vùng vô cùng lớn trên trái đất bị bao phủ bởi bụi hoặc đá nhão.
"Một đợt phun trào như thế có thể gây nên tình trạng tuyệt chủng hàng loạt trên hành tinh", Thorne nhận định.
Tuy nhiên, Thorne nói rằng mọi người không nên lo lắng, bởi siêu núi lửa ở dưới đáy vỏ trái đất chỉ có thể phun trào sau 100 tới 200 triệu năm nữa.
Trong địa chất học, lớp phủ của trái đất là lớp vỏ đá có độ dày khoảng 2.900km, chiếm khoảng gần 70% thể tích hành tinh. Nó nằm bên dưới lớp vỏ. Lõi ngoài của trái đất có dạng chất lỏng mềm và nằm trên lõi trong (ở thể rắn). Lõi trong là phần trong cùng của địa cầu và có thể xoay với vận tốc góc hơi cao so với phần còn lại của hành tinh.
Theo VnExpress.net