Sinh viên nghèo nhịn ăn “nuôi” thư họa
Huỳnh Minh Kiếm (sinh năm 1990, nghệ danh Châu Thiên Kiếm), là sinh viên năm cuối, trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật & Du lịch Sài Gòn. Vốn là một người có “máu” nghệ thuật, vừa tốt nghiệp một khóa diễn viên điện ảnh ở trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn, hiện tại lại đang theo học thêm khóa thanh nhạc tại trường. Nhưng đó chưa phải là điều đặc biệt, khi cậu quyết thực hiện ý tưởng “không giống ai” là làm một cuốn sách thư họa “khổng lồ” không liên quan tới nghành nghề cậu theo học.
Châu Thiên Kiếm đứng bên cuốn sách
Sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật, thư pháp và hội họa càng không. Cậu sinh viên quê Thủ Thừa (Long An) chỉ biết đến thư pháp vào năm học lớp 9 khi được tiếp xúc với một người thầy vẽ thư pháp ở huyện khác. Cũng từ đó cậu tập tành nghiên bút rồi bắt đầu nung nấu ý tưởng “táo bạo” là muốn tạo ra một điều gì đó đặc biệt, tôn vinh giá trị của nghệ thuật hội họa của Việt Nam và các công trình kiến trúc thế giới.
Để hoàn thành được cuốn sách khi tất cả đều “quá khổ” như vậy Kiếm đã trải qua muôn vàn khó khăn. Là sinh viên cộng thêm ý tưởng tự phát nên tất cả đều phải “tự lực cánh sinh”. Mọi kinh phí từ mua mực, mua giấy… đều là do tác giả tự kiếm tiền bằng cách đi làm thêm, có những lúc tiền học chưa đóng, tiền gia đình gửi lên chỉ đủ ăn uống thành ra không có tiền mua giấy mực, cậu phải nhịn ăn sáng để có tiền tiếp tục hoàn thành cuốn sách. Hằng ngày đi học ở trường về đi làm thêm ít tiếng đồng hồ xong lại về nhà vẽ. Thời gian vẽ thường từ 20h tới tận 2 giờ sáng, có hôm “cao hứng” vẽ tới 5h sáng, xong rồi đi học luôn.
Một trang của tác phẩm
Nhiều người hỏi khổ giấy to thế chắc phải thuê nhà rộng mới có thể viết và vẽ được, nhưng không phải vậy “sinh viên làm gì có tiền”, chỉ thuê căn phòng nhỏ để thực hiện cậu tiếp lời. Cứ vẽ xong đoạn nào là cuốn lại đoạn đó, để thực hiện được cách vẽ như vậy vô cùng khó, bắt buộc phải nhớ những gì đã viết và vẽ ở trên chứ không nhìn được tổng thể. Để tránh bị sai lệnh tỉ lệ cũng như nội dung buộc lòng Kiếm phải nhớ tất cả những chi tiết đã viết và vẽ ở trên.
Phải ít nhất 2 người mới lật được một trang sách
Tác phẩm “kỉ lục” chờ được vinh danh
Sau 3 năm miệt mài thực hiện Kiếm đã hoàn thành cuốn sách với 3 chương, nội dung tập trung vào vẽ những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của Việt Nam và thế giới, những câu thơ, tục ngữ ca dao, truyện Kiều.
Trong đó điều đặc biệt nhất nằm trong chương 3 được “họa sĩ” thực hiện theo kiểu “thư họa trừu tượng”, bao gồm những trang sách có bức tranh được tạo bằng cách nhuộm mực lên cơ thể của Kiếm sau đó tự cậu lăn trên trang giấy tạo ra những hình thù “kì dị” mang hơi hướng “tâm linh”. Kiếm muốn mang đến cho người xem nhưng nét đẹp văn hóa của Việt Nam và thế giới qua hình thức thư họa mới lạ.
Mặc dù chưa được kiểm định, đánh giá qua bất kì một hội đồng nghệ thuật nào, thế nhưng để thực hiện những nét vẽ, nét chữ thư pháp đó không phải là điều dễ, phải trải qua cả một quá trình học hỏi và sáng tạo về thư pháp thì mới làm được, tác giả chia sẻ.
Nói về những thành quả đầu tiên cuả tác phẩm Kiếm cho biết: vừa rồi cuốn sách được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cơ quan đại diện tại thànhphố Hồ Chí Minh mời đi tham gia triển lãm ở bảo tàng tỉnh An Giang. Đó cũng là những thành quả đầu tiên, cậu rất vui mừng khi cuốn sách vẫn nhận được sự quan tâm.
Nguyên Vũ