Sinh viên tất bật xoay xở kiếm tiền mùa thi

Thứ 6, 28/12/2012 00:05

"Nhà trọ thổi giá" là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày thi đại học này. Tuy nhiên, nếu may mắn các gia đình sĩ tử có thể kiếm được những "chủ" nhà trọ, "anh" xe ôm là sinh viên với giá cả rất mềm và tinh thần giúp đỡ nhiệt tình.

Biến nhà trọ thành phòng cho thuê

Những ngày này, Hà Nội đang đón chào hàng vạn thí sinh về tham dự kỳ thi đại học đợt I. Bên cạnh những lo lắng về chuyện đỗ, trượt trong lần vượt vũ môn quan trọng này, vấn đề nơi ăn, chốn ở cũng khiến không ít sĩ tử và phụ huynh lo lắng. Dạo quanh khu vực lân cận các trường đại học và các địa điểm thi, đâu đâu cũng có thể bắt gặp các tờ rơi, biển treo thông báo giá nhà trọ đắt chát.

Gặp Trịnh Thị Mai, sinh viên Học viện Báo chí -Tuyên truyền tại bến xe Mỹ Đình, đi đi lại lại ở bến xe, tôi lại nghĩ chắc cô này là học sinh ở tỉnh, một mình lên Hà Nội thi. Nhưng sau khi quan sát, thấy cô hễ gặp hai mẹ con khăn áo, túi sách là đến gần hỏi. Khi được hỏi, tôi mới vỡ lẽ cô đi tìm người cho thuê phòng trọ.

Mai chia sẻ: "Tôi có một căn phòng trọ thuê ngay gần trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bình thường căn phòng này có 4 người ở với giá thuê 1,5 triệu/tháng. Dịp nghỉ hè cả phòng về quê, mình tôi ở lại học tiếng Anh, thấy các hộ gia đình họ treo biển cho sĩ tử thuê giá phòng từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/ngày mình thấy sao họ chặt chém khiếp thế. Nên mình đã bàn với mấy người bạn cùng phòng cho 1 vài người thuê lại phòng với giá từ 70.000 đồng/ngày. So với các nhà trọ của các hộ gia đình là khá mềm, lại không nhồi nhét. Không chỉ riêng tôi, mà nhiều phòng trọ xung quanh đều tính cho sĩ tử ở trọ đợt thi đại học".

Trường ĐH Luật Hà Nội phối hợp cùng một hãng thời trang tổ chức phát miễn phí 2.000 suất ăn(30 ngàn/suất) cho thí sinh và phụ huynh dự thi vào Trường là một nghĩa cử xúc động với các thí sinh năm nay.

Không chỉ tận dụng nhà trọ cho sĩ tử thuê lại, nhiều sinh viên nam có xe máy còn tranh thủ đi làm xe ôm những ngày thi đại học. Anh Nguyễn Văn Tuấn, sinh viên Đại học Thương Mại cho biết: "Bình thường địa bàn nào cũng có cánh xe ôm cát cứ nhưng những ngày này lượng người đổ về Hà Nội nhiều. Những xe ôm chuyên nghiệp cũng chẳng thể nào chở hết. Vì vậy bọn mình có đến đó chờ khách họ cũng không cà khịa việc tranh chấp địa bàn. Năm ngoái, hai đợt thi đại học tôi cũng kiếm được gần 1 triệu đồng. Đặc biệt, tôi có thêm nhiều người bạn mới sau khi đi làm xe ôm theo mùa kiểu này".

Anh Phan Mạnh Anh, sinh viên Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội tâm sự: "Bố mẹ tôi mượn được một người bạn căn nhà 3 tầng ở đường Nguyễn Khang, Hà Nội để anh em tôi ở. Đã 2 năm nay, năm nào tôi cũng cho sĩ tử thuê lại. Khi cho các gia đình các thí sinh thuê phòng, chúng tôi cũng nghĩ một phần là kiếm thêm thu nhập trang trải sinh hoạt. Đằng nào các thí sinh cũng phải tìm nhà thuê, bọn mình không những cho thuê giá rẻ hơn ở ngoài, không ép, gom phòng chật trội mà còn hỗ trợ cho các em kiến thức, kinh nghiệm thi. Tuy nhiên sau hai lần cho thuê nhà trọ năm ngoái, bọn mình cũng gặp phải một "tai nạn" không hay".

"Tai nạn" bất đắc dĩ

Mỗi ngày với gần chục người ở thuê tại căn hộ của Mạnh Anh, hằng ngày cậu chẳng làm được gì ngoài việc ở nhà trông coi đồ đạc. Anh cho biết: "Với toàn những người lạ, quê quán khác nhau, mình cũng chẳng biết đâu là người tốt đâu là người xấu. Căn nhà này vì ở nhà của người quen nên khá nhiều đồ đạc của họ để lại. Nếu mình nói với họ cẩn thận khi dùng các thiết bị trong nhà cũng sợ họ phật ý mà không nói sợ họ làm hỏng đồ của nhà chủ. Thỉnh thoảng lại phải dặn họ có tiền tự trông coi, bảo quản không nhỡ người nọ lấy của người kia. Năm ngoái có 2 bố con quê ở Thanh Hóa ra thi kêu mất 2 triệu. Tụi mình cũng chẳng biết thực hư thế nào, đành miễn phí luôn tiền nhà 4 ngày cho cha con họ thuê".

Theo kinh nghiệm của Mai thì với những người ở trọ mà mình không có thời gian ở nhà thì nên giữ tiền đặt cọc hoặc xin giữ chứng minh thư của người lớn để làm tin trong trường hợp nếu đồ đạc bị mất và các đồ dùng đắt tiền và cần thông báo là họ nên giữ tiền cẩn thận. Mai cho biết: "Mặc dù mình đã có 2 năm cho thuê lại nhà trọ nhưng chưa gặp phải tại nạn nào. Tuy nhiên chị hàng xóm nhà mình vừa cho thuê nhà một hôm đã bị mất điện thoại. Mất của bán tin bán nghi nên rất khó xử".

Nguyễn Thị Huyền, sinh viên tình nguyện trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, nhiều bạn sinh viên đến đăng ký với đội tình nguyện cho thuê chỗ trọ hầu hết đều chỉ từ 40.000 đồng đến 70.000 đồng/ngày. Năm ngoái cô cũng đi tìm nhà ở thuê lại của sinh viên, các anh chị đều rất nhiệt tình và không chặt chém, nhồi nhét thêm người. Cô thấy họ giống như anh chị mình vậy, rất thoải mái.

Cùng với sự giúp đỡ của các sinh viên tình nguyện của các trường, sự giúp đỡ hỗ trợ đắc lực của hội sinh viên đồng hương tại bến xe, các cổng trường đại học thì những sinh viên kiếm thêm thu nhập một cách chính đáng cũng mang đến sự gần gũi, thân thiết cho các thí sinh, hy vọng sẽ hỗ trợ thêm cho các bạn vượt qua cửa vũ môn thuận lợi.

Hoàng Mai

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.