Nhắc đến thể thao Việt Nam những năm sau chiến tranh, chị luôn được gọi với hai tiếng huyền thoại. Đơn giản, bởi thành tích trên đường chạy của chị là không đối thủ. Thế nhưng, sau khi trở thành người đại diện cho Việt Nam tham dự một kỳ Thế vận hội, ít ai biết được rằng, chị lại có một cuộc sống nghiệt ngã.
Hiện nữ hoàng điền kinh đang quét rác và trông xe
Không tìm được đối thủ
Sinh ra tại xã Mỹ Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh), một nơi giàu truyền thống cách mạng, từ nhỏ, Trần Thị Soa đã được giáo huấn về lòng yêu nước, căm thù giặc. Đang học cấp 2, hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân tham gia chống Mỹ cứu nước, xếp bút nghiêng, cô nữ sinh trường huyện dũng cảm tham gia TNXP vào chiến trường đánh giặc. Không thể ngờ, tại nơi mưa bom bão đạn, cô lại nhận ra được khả năng đặc biệt của mình, đó là chạy rất nhanh.
Hồi ấy, đơn vị của chị Soa chuyên làm nhiệm vụ phá bom nổ chậm. Trong nhiều lần, cô đều nhanh chân hơn các đồng đội và vì thế vô hiệu hóa được rất nhiều bom đạn của kẻ thù. Người con gái Mỹ Lộc này nhanh chóng được chỉ huy đơn vị và các đồng đội để ý. Cũng từ đó, chị được gọi với cái tên rất thể thao: Soa điền kinh. Bước ngoặt cuộc đời xảy ra vào khoảng giữa năm 1972, khi ấy cô TNXP chiến trường mới 18 tuổi đã tự tin đại diện cho đơn vị tham gia giải điền kinh Thanh thiếu niên toàn tỉnh Nghệ Tĩnh và dành giải nhất. Chỉ đúng một năm sau, chị gây tiếng vang lớn khi dành chức vô địch toàn tỉnh nội dung chạy 1500m.
Chị được chuyển về tỉnh, hoạt động dưới sự chỉ đạo của ngành thể thao. Năm 1974, chị là đại diện duy nhất của Nghệ Tĩnh tham gia Giải Việt dã Tiến về Thủ đô tổ chức tại Hà Nội. Lần ấy chị xuất sắc cán đích ở một trong 5 vị trí dẫn đầu, và chính thức tạo tên tuổi ở “làng điền kinh” quốc gia. Từ năm 1975 đến 1980, chị liên tiếp vô địch quốc gia, và trở thành biểu tượng thực sự của ngành điền kinh Việt Nam lúc bấy giờ. Thành tích ấy đã giúp chị 2 lần đứng đầu danh sách 10 VĐV Việt Nam tiêu biểu trong các năm 1978, 1979.
Cũng bởi thành tích “vô đối” ở giải trong nước mà chị liên tục được nhà nước cử đi tham gia các giải thế giới. Lần đầu tiên là vào năm 1979, khi chị được sang Cu Ba tham gia giải điền kinh thanh niên, sinh viên toàn thế giới. Sau đó một năm, chị còn trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự Olympic Moscow. Lần ấy, khó khăn với chị là việc phải đi giày đinh thi đấu. Tại các giải trong nước, chị chạy chân đất bởi thời ấy mấy ai có giày. Phải mất mấy tháng trời, thông qua một chuyến tập huấn tại Mexico, chị mới có thể chịu được cảm giác đi giày thi đấu. Lần ấy, vì có nhiều thua thiệt nên chị phải dừng chân ở vòng 2. Dẫu vậy thành tích của chị tại lần Thế vận hội cũng phá kỷ lục quốc gia do chính chị lập vào năm 1979.
Huyền thoại điền kinh một thời
Chiến đấu với số phận nghiệt ngã
Trở về từ Moscow với không ít lời ca ngợi, chị cũng được rất nhiều cơ quan, tổ chức hứa hẹn về những công việc tốt sau khi giải nghệ. Nhưng có mấy ai ngờ, chia tay nghiệp VĐV, rồi lập gia đình, chị cũng bị người ta lãng quên. Con người lừng lẫy với hàng tá danh hiệu đó bỗng rơi vào hoàn cảnh không nhà cửa, không vốn liếng và chỉ được bố trí một công việc chẳng giống ai, đó là cắt cỏ sân Vinh. Cứ tưởng rằng một thời gian sau chị sẽ được thuyên chuyển công tác, nhưng thật không ngờ, nó bám lấy chị suốt cả đời, cho đến khi về hưu.
Nhưng sự nghiệt ngã của nghề nghiệp có thấm đâu so với những nỗi đau, sự vất vả của gia đình. Năm 1980, chị kết hôn với một anh lái xe cũng hai bàn tay trắng. Dựng một túp lều quanh khu vực thành cổ Vinh để sống. Hai vợ chồng quyết tâm làm ăn để có cuộc sống khấm khá hơn. Dù đã rất nỗ lực, nhưng thật trớ trêu, sự bất hạnh vẫn chẳng chịu buông tha đôi vợ chồng trẻ. Đứa con đầu của chị đang khỏe mạnh, thì năm lên 7 tuổi bỗng nhiên bị ốm, chân tay teo tóp dần. Từ đó, chồng chị, anh Muôn phải nghỉ công việc lái xe để chăm lo cho đứa con tội nghiệp.
Mọi gánh nặng gia đình dồn cả lên vai chị. Một mình phải chạy ngược chạy xuôi, lo cái ăn, cái mặc cho 3 đứa con. Người chồng bất đắc dĩ phải ngồi nhà để chăm chút đứa con bị tật. Nhiều khi chị muốn gục ngã, bởi những trận ốm vì mất sức. Nhưng rồi sự động viên của đồng nghiệp và bạn bè, chị gượng lấy sức tiếp tục chiến đấu với số phận. Ngoài công việc chính là cắt cỏ sân Vinh, chị còn tranh thủ về quê Can Lộc buôn gạo, và làm thuê đủ thứ ở khắp mọi nơi. Chính sự bươn chải ấy đã giúp chị có một nghị lực phi thường, làm nên những điều kỳ diệu. Ở thập niên 90, chị một lần nữa nổi tiếng khắp xứ Nghệ, với kỳ tích suốt hơn 2 năm trời một mình đi nhặt gạch. Chị nhặt đến khi tròn 1000 viên, rồi tự mình xây nhà cho cả gia đình. Bản lĩnh phi thường ấy của VĐV điền kinh chân đất dự Olympic ngày nào được hết thảy mọi người thán phục.
Kiệt quệ sức lực sau khi xây xong được ngôi nhà cấp 4, chị định sẽ nghỉ ngơi một thời gian. Nhưng rồi, nhu cầu mưu sinh, cũng như tương lai của cả một gia đình khiến chị lại phải tiếp tục lăn lộn với cuộc sống. Là dân thể thao, chị hướng các con theo nghiệp của mình. Những đứa con của chị cũng rất biết thương mẹ. Chúng chăm chỉ tập luyện và trở thành những VĐV khá tên tuổi của Nghệ An. Người chị theo mẹ học môn điền kinh, còn người con út học bắn súng. Tưởng rằng 2 đứa con đã có công ăn việc làm ổn định. Nhưng rồi, bất ngờ bộ môn bắn súng của Nghệ An giải thể. Cậu con trai thất nghiệp, chị lại phải lăn lộn để đầu tư cho nó học lái xe, rồi sau đó vất vả lắm chị mới xin cho con làm được ở cảng Bến Thủy.
Khi lo xong công việc của hai con thì cũng là lúc chị đến tuổi nghỉ hưu, và mất đi một khoản thu nhập vốn là hũ gạo của cả gia đình. Chị lại phải xoay đi buôn, bán hàng rong và xin làm phụ hồ cho một số công trình xây dựng gần nhà để nuôi sống cho cả gia đình. Cho mãi tới cuối năm 2009, khi ông Nguyễn Hồng Thanh về lại SLNA, chị mới được ưu ái làm hợp đồng quét dọn tại CLB.
Một huyền thoại thể thao, đáng lẽ sẽ có một cuộc sống sung túc vì được người đời ca tụng và ghi danh nhưng cuộc đời chị lại là một câu chuyện khác. Trần Thị Soa, cái tên nghe đến đã khiến người ta kính nể về những bảng vàng thành tích thể thao, nhưng có ai biết rằng, đằng sau ánh hào quang đó, con người tài năng và đầy cống hiến cho điền kinh Việt Nam này lại đang phải vật lộn với cuộc sống. Người ta thấy xót xa cho một vận động viên từng vinh dự đại diện cho cả dân tộc tham dự Olympic.
Day dứt cuối đời
Ngày chúng tôi gặp chị Soa cũng là lúc, đứa con trai tật nguyền của chị qua đời được 49 ngày. Ai cũng bảo, như thế là ông trời thuận tình, vì người chết đỡ khổ, mà người sống cũng bớt đi gánh nặng. Chị Soa thì không nghĩ như vậy, dù gần 30 năm qua đứa con ấy không biết gì, nhưng chị vẫn rất mực yêu thương nó. Cuộc sống vất vả, chị phải bươn chải, không có nhiều thời gian để chăm sóc, yêu thương nó, giờ nó ra đi lại trở thành sự day dứt của chị.
Tài sản vô giá Đến sân Vinh, vì chưa biết nhà chị Soa nên chúng tôi dừng lại hỏi một người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ, trầm ngâm nhìn về những chiếc xe đang trông giữ. Người này lặng thinh không nói, rồi đi về phía chiếc hộp nhỏ cuối hàng xe, cẩn thận lấy ra cho chúng tôi xem tấm ảnh. Trong hình là một VĐV điền kinh đang đua tài tại đấu trường Olympic. Không để chúng tôi thanh minh, người đàn bà ấy kể “Tôi vẫn luôn mang theo mình tấm ảnh này, nó là động lực để tôi nỗ lực trong cuộc sống”. Hóa ra đó chính là nhân vật chúng tôi cần tìm. Hằng ngày, ngoài công việc chính là quét dọn tại CLB SLNA, chị còn nhận trông xe, bán vé số, bán nước chè... Động lực chính để chị làm việc quần quật suốt ngày như vậy là gia đình và những vinh quang của thời trẻ khi chị là VĐV điền kinh huyền thoại của Việt Nam. |
Kim Thoa