Tôi sinh và lớn lên trong gia đình bố mẹ làm nông nghiệp. Kinh tế ngày càng khó khăn khi thời tiết ngày càng khắc nghiệt, mất mùa liên tục. Cũng vì làm ăn ngày càng thất bát, con cái học hành tốn kém nhiều nên bố tôi ngày càng chán nản… Ông lún sâu vào cờ bạc, rượu chè, khiến nợ nần càng thêm chồng chất.
Không lâu sau đó, bố bỏ mẹ con tôi đi tìm cuộc sống mới, bên người phụ nữ khác. Tôi hận bố, từ đó, quyết tâm học hành. Tôi cũng hứa với mẹ, ra trường đi làm, có tiền tôi sẽ nuôi em thay mẹ.
Nhưng giấc mơ đổi đời của tôi không mấy suôn sẻ khi năm lớp 12, tôi bị tai nạn gãy tay. Đợt đó, mẹ phải vay tiền, bán đất chữa bệnh cho tôi. Dù thế, cuối năm đó, tôi vẫn đỗ đại học.
Ngoài thời gian lên lớp, hễ rảnh, tôi lại tranh thủ làm xe ôm, phát tờ rơi, chạy bàn... kiếm tiền đóng học phí, lo tiền nhà. Mỗi tháng, mẹ vẫn gửi tiền đều đặn. Nhiều lần tôi hỏi, mẹ làm gì mà cuối tháng cứ đến hẹn lại có tiền gửi cho tôi, khi đó, mẹ nói dối bán thóc, bán gạo…
Mãi sau này, khi ra trường tôi mới hay, sau mỗi ngày lên nương, ra đồng vất vả, mẹ còn nhận rửa bát thuê cho một quán phở gần nhà. Khi đó, mường tượng ra mẹ tôi với mái đầu bạc phơ, lưng còng... vẫn ngồi cặm cụi lau rửa từng chiếc bát, tim tôi đau đớn vô cùng.
Nghĩ thương mẹ, hận bố, tôi điên cuồng nhận tăng ca. Tôi nhớ, năm đầu tiên đi làm, khi tôi gọi điện về hỏi thăm tình hình gia đình, mẹ nói: “Cố lên con, mẹ trả nợ được 5 triệu đồng nữa rồi, còn 10 triệu đồng nữa thôi”. Từ số tiền nợ 60 triệu đồng, tôi và mẹ đã trả dần, còn 10 triệu đồng, khi đó, tôi xót xa vô cùng.
Hiện tại, tôi đã trả hết số nợ và đã có tiền chăm lo cho em hàng tháng. Mẹ tôi cũng đã nghỉ rửa bát thuê, nhưng trong sâu thẳm con tim, chưa bao giờ tôi quên những tháng ngày cơ cực ấy.
Nhiều người hỏi tôi: “28 tuổi rồi, sao chưa cưới vợ?”, khi đó, tôi mỉm cười chua chát. Có lẽ, mục tiêu hiện tại không phải là lập gia đình mà là lo cho mẹ và em tôi cuộc sống ổn định. Tôi cũng hứa với mẹ, khi nào gặp được người tôi yêu thật sự, cả hai thật sự thấu hiểu, cảm thông, yêu thương nhau, tôi sẽ báo với mẹ đầu tiên… Với tôi “mẹ là tất cả”.
Nguyễn Hùng